Thế giới giao thông

Giá vé tàu hỏa Anh tăng 162%, hành khách kêu trời

04/03/2017, 10:05

Trong vòng 6 năm qua giá vé tàu tại Anh tăng 162%, riêng năm 2017 tiếp tục tăng 2,3% khiến hành khách kêu trời.

26

Giá vé theo mùa trung bình tại London hiện nay là 4.000 bảng Anh

Mặc dù đã là đất nước có giá vé tàu cao nhất châu Âu, Anh vẫn không ngừng tăng giá. Trong vòng 6 năm qua giá vé tàu tại Anh tăng 162%, riêng năm 2017 tiếp tục tăng 2,3% khiến hành khách kêu trời.

Giá vé tàu phi mã

Nghiên cứu từ đảng Lao động Anh cho thấy, giá vé theo mùa đã tăng trung bình 27% kể từ năm 2010. Ngoài ra, Trung tâm Liên đoàn Thương mại Quốc gia (TUC) cho rằng, giá vé tăng hơn 2 lần so với tỉ lệ lạm phát và mức lương trong 1 thập kỷ qua.

Theo đảng Lao động, với mức tăng giá như hiện nay, hành khách sẽ phải trả thêm hơn 2.000 bảng Anh để đi lại so với mức phí này năm 2010. So sánh giá vé trên gần 200 tuyến cho thấy, trung bình, hành khách Anh phải trả 2.788 bảng Anh để mua vé tàu theo mùa trong khi chi phí này vào năm 2010 chỉ 594 bảng Anh.

Người đứng đầu cơ quan giao thông đảng đối lập Anh, Andy McDonald nhận định: “Giá vé tăng nhanh hơn so với lương gấp 3 lần và hành khách trên một số tuyến phải chịu mức giá vé phi mã 162%”.

Nghiên cứu từ Đảng Lao động chỉ ra ví dụ cụ thể vé tàu theo mùa của công ty Virgin Trains. Giá tàu loại này trên tuyến từ Birmingham đến London là 10.200 bảng Anh, tăng 2.712 bảng Anh so với giá năm 2010. Trong khi đó, hành khách di chuyển từ Brighton đến London do công ty Southern Rail điều hành phải chịu giá vé tăng gần 1.000 bảng Anh so với năm 2010.

Vì lợi ích người dân hay vì nhà đầu tư tư nhân?

Theo người đứng đầu cơ quan giao thông đảng đối lập Anh, ông McDonald, các công ty tư nhân luôn lấy lý do tăng vé bù vào kinh phí đầu tư. Thế nhưng, trên thực tế, nhiều dự án quan trọng lại bị trì hoãn hàng năm liền, công tác bảo trì cần thiết cũng bị chậm trễ. “Một ngành đường sắt điều hành tập trung, do Nhà nước làm chủ sẽ có giá thấp hơn”, ông McDonald nhận định.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Giao thông Anh Chri Grayling lại có quan điểm khác. Theo ông, “chúng tôi đang thực hiện chương trình hiện đại hóa đường sắt lớn nhất trong hơn 1 thập kỷ qua, cung cấp thêm nhiều ghế và dịch vụ đường sắt cho khách hàng. Chúng tôi luôn cân bằng giữa chi phí đầu tư cũng như thuế và giá vé”.

Tập đoàn Rail Delivery, đại diện cho nhiều công ty khai thác tàu và Network Rail, cho biết, cứ mỗi 1 bảng Anh mà khách hàng phải trả, 97 pence được chi cho hoạt động điều hành và tăng cường dịch vụ. Giám đốc điều hành Rail Delivery, ông Paul Plummer cho hay: “Không ai muốn phải trả thêm tiền để di chuyển nhưng so sánh với nhiều nơi khác, người dân còn không nhận được dịch vụ mà họ đã chi trả”.

Hiến kế cho Chính phủ, Chiến dịch vì Giao thông tốt hơn kêu gọi Chính phủ sử dụng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) để quyết định giá vé. Tổ chức này cũng đề xuất đưa ra mức trần tăng giá đối với các loại vé phụ và vé theo mùa để cân bằng lợi ích của các nhân viên làm thêm giờ. Người phát ngôn chiến dịch này, cô Lianna Etkind cho biết: “Với mức giá trung bình của vé tàu theo mùa một năm vào London hiện nay là hơn 4.000 bảng Anh, nhiều người thực sự không đủ tiền để đi làm. Rõ ràng, với chúng ta và với hàng triệu hành khách sử dụng tàu tại Anh, cần phải cải tổ lại giá vé và hệ thống tính giá”.

Nghiên cứu của TUC cho thấy, giá vé đã tăng gần gấp đôi so với tỉ lệ tăng lương trung bình và tăng 26% so với tỉ lệ lạm phát trong 1 thập kỷ qua.

Chiến dịch Hành động vì đường sắt tại Anh do công đoàn đường sắt và TUC phát động, cho rằng, chính việc tư nhân hóa dịch vụ tàu là nguyên nhân gây tăng giá. Tổng thư ký TUC, ông Frances O’Grady cho biết: “Hành khách đi tàu tại Anh phải trả tiền vé nhiều hơn bất cứ hành khách nào tại châu Âu”. Ông cáo buộc “các công ty tàu tư nhân đã bòn rút từ hệ thống định giá vé và Chính phủ để mặc họ làm vậy”.

Theo khảo sát do Tổ chức We Own It thực hiện, hơn một nửa người được hỏi tin rằng, giá vé sẽ giảm nếu đường sắt thuộc sở hữu tư nhân. Khảo sát do Survation thực hiện cho thấy, 48% người được hỏi tin rằng việc di chuyển bằng tàu sẽ rẻ hơn nếu ngành đường sắt được tái quốc hữu hóa và 58% người được hỏi nhận định chính sách tư nhân hóa đường sắt đã thất bại.

Giám đốc We Own It, ông Cat Hobbs cho rằng: “Chúng tôi cần đường sắt hiệu quả, hợp nhất mà tất cả chúng ta đều có trách nhiệm. Lợi nhuận cần phải được đầu tư vì lợi ích của hành khách, không phải vì các chủ đầu tư”. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.