Chính trị

Giá xăng dầu có thể được điều chỉnh theo ngày

11/06/2014, 06:27

Xu hướng điều hành giá sẽ là giảm khoảng cách thời gian giữa hai lần điều chỉnh càng ngắn càng tốt, vì càng ngắn sẽ càng sát giá thị trường.

Thông tin trên được Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đưa ra khi trả lời chất vấn của ĐBQH chiều 10/6 về chính sách quản lý và điều chỉnh giá xăng dầu.
 

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trả lời chất vấn của ĐBQH, chiều 10/6
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trả lời chất vấn của ĐBQH, chiều 10/6


Còn nợ câu trả lời về quản lý giá xăng


Chất vấn Bộ trưởng Tài chính về mặt hàng xăng dầu và điện, ĐB Lê Thị Nga (Thái Nguyên) cho rằng, có thực trạng thiếu minh bạch, nhập nhèm lỗ lãi trong kinh doanh xăng dầu. Bà Nga cũng đề cập đến việc sửa đổi Nghị định 84 và cho rằng đã “đòi nợ lời hứa” nhiều năm từ Bộ Công thương và Bộ Tài chính nhưng chưa có kết quả. Theo bà Nga, nếu không nhận được câu trả lời thỏa đáng sẽ chuyển câu hỏi này tới Thủ tướng Chính phủ.


Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng, thời gian qua, trong điều hành giá xăng dầu cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu, theo cơ chế thị trường, dưới sự điều tiết của Nhà nước. “Giá trong thời gian qua rất sát với thị trường. Đến nay, các cơ quan và người dân đã quen với việc giá xăng dầu thay đổi liên tục”, ông Dũng nói. 
 

Trả lời câu hỏi của ĐB về cách tính giá điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, về chi phí đầu tư công trình phục vụ cho công trình phúc lợi như nhà trẻ, bể bơi, sân tennis, EVN phải yêu cầu các đơn vị thành viên sử dụng quỹ phúc lợi và các nguồn tài trợ hợp pháp khác để tính vào chi phí đầu tư và đặc biệt không được tính chi phí khấu hao để đưa vào tính giá thành của điện. 

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng khẳng định, việc sửa Nghị định 84 là cần thiết, sắp tới Bộ Tài chính sẽ cùng Bộ Công thương chỉnh sửa lần cuối nghị định này. “Xu hướng điều hành giá sẽ là giảm khoảng cách thời gian giữa hai lần điều chỉnh càng ngắn càng tốt, vì càng ngắn sẽ càng sát giá thị trường. Trước đây việc điều chỉnh tối đa trong vòng 10 – 15 ngày, nhưng sau khi chỉnh sửa, có thể điều chỉnh giá xăng dầu hàng ngày”, ông Dũng nói. 

Liên quan đến đề xuất chuyển quyền điều hành giá xăng dầu hoàn toàn về Bộ Công thương, sẽ phát sinh tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho rằng, việc chuyển điều hành giá xăng dầu sang Bộ Công thương là chuyện bình thường. Nhưng trong quá trình điều hành, Bộ Tài chính vẫn tham gia cùng Bộ Công thương. “Vấn đề là minh bạch các chi phí của DN kinh doanh xăng dầu và đến nay, đã xuất hiện yếu tố cạnh tranh trên thị trường xăng dầu. Điều này cùng với việc đổi mới sắp xếp lại DN, sẽ giúp người tiêu dùng hưởng lợi”.


Để rõ hơn vấn đề quản lý giá xăng dầu, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng trả lời bổ sung. Bộ trưởng Hoàng đã “xin nhận trách nhiệm trước QH về việc chậm ban hành Nghị định và hứa sau khi Chính phủ xem xét tờ trình sẽ sớm ban hành Nghị định thay thế”.

Nợ công vẫn an toàn


Một trong những vấn đề được nhiều ĐB quan tâm tại phiên chất vấn là nợ công. ĐB Lê Thị Công (Bà Rịa - Vũng Tàu) cho rằng, hiện thu ngân sách thấp, nhưng báo cáo của Bộ Tài chính là nợ công vẫn an toàn, vậy thực sự có an toàn không? Khả năng trả nợ của chúng ta đến đâu và giải pháp nào để đảm bảo an ninh tài chính quốc gia? Trong khi đó, ĐB Huỳnh Nghĩa (TP Đà Nẵng) đặt câu hỏi, vấn đề nợ công có tính cả khoản vay do bảo lãnh nợ của Chính phủ cho DN Nhà nước không?


Về chất vấn này, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho rằng, theo số liệu tuyệt đối, trong những năm gần đây, nợ công đều có xu hướng tăng lên. Tuy nhiên, bàn đến vấn đề này cần chú ý đến hai yếu tố: Cơ cấu nợ công và khả năng trả nợ. Trên cơ sở này, nợ công của Việt Nam vẫn nằm trong ngưỡng an toàn, thấp hơn các chỉ tiêu được QH và Chính phủ phê chuẩn.


“Trong điều kiện đất nước còn nhiều khó khăn, nguồn vốn của Nhà nước tích lũy từ nội bộ nền kinh tế cho đầu tư phát triển còn chưa lớn, để có nguồn vốn đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước, cần phải huy động nguồn tài chính bổ sung cho đầu tư phát triển, đặc biệt là cơ sở hạ tầng. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến nợ công gia tăng trong thời gian qua”, ông Dũng giải thích và cho rằng, các ĐB sốt ruột là đúng song mức trả nợ vẫn cho phép. 


“Việc điều hành trong thời gian tới là bố trí ngân sách trả nợ, huy động nguồn lực trong nước cần tính chuyện dài hơi, dài hạn. Mặt khác, tăng cường quản lý vốn vay và phải tính toán hạn mức bảo lãnh của Chính phủ hàng năm”, Bộ trưởng Tài chính nói.

Bình Minh

 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.