Thị trường

Giá xăng, dầu, hàng hoá tăng vọt: Bộ Tài chính nói gì về áp lực lạm phát?

25/02/2022, 16:10

Giá cả hàng hóa đầu vào, trong đó có giá xăng dầu, tăng mạnh làm gia tăng lo ngại về vấn đề lạm phát và đời sống người dân thời gian tới.

Áp lực lạm phát tăng cao

Thông tin với Báo Giao thông ngày 25/2, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, trước diễn biến phức tạp của giá một số mặt hàng là đầu vào nền kinh tế, từ đầu tháng 2, Bộ Tài chính đã có văn bản đề nghị các bộ, ngành và địa phương phải cùng vào cuộc, tập trung kiểm soát giá cả ngay từ những tháng đầu năm.

img

Giá xăng dầu và các mặt hàng đầu vào sản xuất tăng cao làm tăng áp lực lạm phát. Ảnh minh hoạ

Riêng với diễn biến giá xăng, dầu tăng mạnh vừa qua, ông Tuấn phân tích, giá xăng dầu trong nước tăng thời gian qua do tác động từ thị trường thế giới, đã làm gia tăng áp lực cũng như tăng kỳ vọng về lạm phát.

Giá xăng dầu tăng sẽ tác động đến chỉ số giá tiêu dùng bởi mặt hàng xăng dầu thành phẩm chiếm quyền số khoảng 3,6% trong “rổ” hàng hoá tính CPI. Nếu giá xăng dầu tăng 5% sẽ làm cho chỉ số CPI tăng khoảng 0,18%; Giá xăng dầu tăng 10% làm CPI tăng 0,36%...

Ngoài ra, theo ông Tuấn, xăng dầu còn tác động đến nhóm giao thông vận tải như vận tải hành khách bằng đường sắt, hàng không, đường bộ, đường thủy, xe buýt, taxi… và vận chuyển hàng hóa; Làm tăng chi phí sản xuất các mặt hàng sử dụng xăng dầu làm đầu vào cho sản xuất, từ đó kéo theo các mặt hàng khác trong nhóm hàng hóa, dịch vụ tính CPI tăng theo.

Giá xăng dầu tăng cũng làm tăng chỉ số giá nhập khẩu các mặt hàng xăng dầu, tăng chỉ số giá sản xuất các mặt hàng sử dụng xăng dầu chiếm tỷ trọng lớn trong chi phí sản xuất như điện khí, dầu mỏ tinh chế…

Do đó, theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, áp lực lạm phát cao là thách thức đối với công tác điều hành hiện nay bởi nếu tình hình chính trị thế giới căng thẳng hơn thì giá xăng, dầu còn cao hơn nữa.

“Hai là mình mới đưa ra gói hỗ trợ kinh tế mới để hồi phục kinh tế sau Covid nên đây là yếu tố bất khả kháng. Bây giờ phải đưa ra giải pháp chứ không nhất thiết phải đạt mục tiêu là lạm phát năm 2022 là đúng 4% mà trong bối cảnh khách quan thì các biện pháp là nhằm giảm thiểu đà tăng lạm phát”, ông Long nêu quan điểm.

Đảm bảo CPI khoảng 4%

Ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết theo quy định của Luật Giá, xăng, dầu thành phẩm nằm trong danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá. Tác động của tăng giá xăng dầu cũng đã được tính toán và dự báo trong kịch bản điều hành giá từ đầu năm và tại các cuộc họp định kỳ của Ban Chỉ đạo điều hành giá của Thủ tướng Chính phủ.

Chuyên gia Ngô Trí Long:

Phải cải thiện nguồn cung và giá nhập khẩu bởi nếu nhập khẩu spot (giao ngay) giá mua rất cao. Nên doanh nghiệp phải có công vụ bảo hiểm giá qua công cụ giao dịch phái sinh. Nhưng vấn đề là doanh nghiệp phải đủ năng lực vì phái sinh không phải công cụ đơn giản.

“Trước áp lực hiện nay, đi đôi với việc đánh giá đảm bảo nguồn cung, kiểm soát thị trường và tăng cường dự báo thì công tác điều hành giá xăng dầu đã cố gắng bám sát diễn biến thị trường; Đồng thời linh hoạt sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, để giảm tác động tăng giá mặt hàng xăng dầu trong nước. Nếu không sử dụng công cụ Quỹ Bình ổn giá thì biến động trong nước còn phức tạp hơn”, ông Nguyễn Anh Tuấn nói.

Hiện nay, Bộ Công thương đang thực hiện một số giải pháp cần thiết, như đảm bảo nguồn cung; Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường kinh doanh xăng dầu; Xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, găm hàng hoặc tăng giá bán bất hợp lý.

“Về điều hành giá, chúng tôi sẽ phối hợp với Bộ Công thương tiếp tục theo dõi sát diễn biến giá xăng dầu thế giới và làm tốt dự báo; Đồng thời tiếp tục cân đối sử dụng công cụ tài chính là Quỹ Bình ổn giá một cách linh hoạt, hiệu quả để hạn chế trường hợp tăng đột biến về giá”, đại diện Bộ Tài chính nói.

Đối với quản lý giá các mặt hàng khác nói chung, ông Tuấn thông tin, để kiểm soát lạm phát từ sớm, hạn chế thấp nhất những ảnh hưởng tiêu cực tới đời sống người dân khi đã chịu nhiều khó khăn bởi Covid-19.

“Vì vậy, việc quản lý và điều hành giá năm 2022 tiếp tục chủ động, linh hoạt, bảo đảm kiểm soát tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng bình quân cả năm khoảng 4% theo mục tiêu Quốc hội đề ra”, Cục trưởng Cục Quản lý giá nói.

Bộ Tài chính sẽ theo dõi sát diễn biến kinh tế thế giới, tình hình lạm phát chung, diễn biến giá cả các mặt hàng nhiên liệu và vật tư chiến lược, kịp thời ứng phó trong điều hành sản xuất trong nước, cân đối cung cầu và điều hành, bình ổn giá.

Đối với giá một số mặt hàng thuộc danh mục Nhà nước định giá, Bộ Tài chính cũng đề nghị các bộ quản lý ngành chủ động phối hợp với Bộ Tài chính, Tổng cục Thống kê trong rà soát, tính toán các phương án giá, đánh giá tác động đối với kinh tế xã hội, mặt bằng giá, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về chính sách, văn bản quy phạm pháp luật để chủ động có phương án điều hành phù hợp khi có dư địa.

Chuyên gia Ngô Trí Long: Việc xuất bán xăng, dầu trong kho dự trữ Quốc gia phải tính toán kỹ vì phải đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Phải tính toán liều lượng nếu lấy thêm từ nguồn này. Nếu “vét” quá tay sẽ ảnh hưởng an ninh năng lượng Quốc gia nay.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.