Thị trường

Giá xăng giảm hơn 600 đồng, dầu giảm gần 2.000 đồng từ chiều nay 21/3

21/03/2022, 14:39

Giá xăng dầu chiều nay 21/3: Xăng RON 95 giảm 630 đồng/lít, xăng E5 RON 92 giảm 650 đồng/lít, dầu diesel giảm 1.630 đồng/lít...

Từ chiều 21/3, liên Bộ Công thương - Tài chính đã giảm giá xăng, dầu, sau khi tăng 7 kỳ liên tiếp kể từ đầu tháng 12/2021.

img

Giá xăng đã "rớt" khỏi mức đỉnh 29.820 đồng mỗi lít

Theo đó, giá xăng RON 95 giảm 630 đồng/lít, xăng E5 RON 92 giảm 650 đồng/lít so với giá bán hiện hành.

Sau khi điều chỉnh, mức giá bán lẻ tối đa với xăng RON 95 không cao hơn 29.190 đồng/lít; Xăng E5 RON 92 không cao hơn 28.330 đồng/lít.

Giá dầu cũng đồng loạt giảm sâu trong kỳ điều chỉnh hôm nay. Cụ thể, giá dầu diesel giảm 1.630 đồng/lít, xuống mức 23.630 đồng/lít; Dầu hoả giảm 1.670 đồng/lít xuống mức 22.240 đồng/lít.

Để kìm giá xăng dầu, vừa qua Bộ Tài chính đề nghị giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng là 2.000 đồng/lít; dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn là 1.000 đồng/lít; mỡ nhờn là 1.000 đồng/kg; dầu hỏa là 700 đồng/lít.

Đồng thời, Bộ Tài chính đề nghị Nghị quyết có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/4/2022 đến hết ngày 31/12/2022.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng vừa có thông báo cho biết, sẽ xem xét thông qua Nghị quyết về việc giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu vào ngày 23/3.

Giá xăng dầu hôm nay giảm theo diễn biến giá dầu thô trên thế giới. Cụ thể, kết thúc tuần giao dịch 14-20/3, giá dầu thô có tuần giảm thứ 2 liên tiếp khi thị trường cân nhắc các yếu tố liên quan đến tình hình giữa Nga - Ukraine.

Theo đó, WTI giảm 3,02% xuống 103,09 USD/thùng, trong khi giá Brent giảm 3,69% xuống 105,07 USD/thùng.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, lãnh đạo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam nhận định, thị trường dầu thô sẽ duy trì tình trạng mất cân bằng cung – cầu trong quý II năm nay.

Bởi, bên cạnh các bất ổn liên quan đến nguồn cung dầu tại Nga, phía các nước sản xuất lớn tại Trung Đông cũng đang đối mặt với các khó khăn riêng.

Tại Saudi Arabia, quốc gia sản xuất dầu lớn thứ 2 thế giới, đang đối mặt với các vụ tấn công của phiến quân Houthi nhằm vào các phức hợp năng lượng.

Điều này có thể gây khó khăn trong mục tiêu gia tăng sản lượng trong thời gian tới.

Không chỉ Saudi Arabia, mà các thành viên khác trong khối Tổ chức Các nước Xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh OPEC+ cũng đang gặp nhiều khó khăn.

Sản lượng thực tế của nhóm trong tháng 2/2022 đang thấp hơn 1,05 triệu thùng/ngày so với mục tiêu đề xuất.

img

Biến động giá dầu WTI đến ngày 18/3

Trong khi đó, các nhà sản xuất dầu đá phiến tại Mỹ cũng không nỗ lực gia tăng các hoạt động sản xuất. Theo số liệu từ hãng dịch vụ dầu khí Baker Hughes, số giàn khoan dầu trong tuần kết thúc 18/3 giảm 3 giàn xuống 524, bất chấp giá dầu liên tục duy trì trên mức 100 USD/thùng.

Mặt khác, theo MXV, dịch Covid-19 phần nào được kiểm soát tại Trung Quốc cũng hỗ trợ tâm lý cho thị trường.

Một số biện pháp chống dịch của Thành phố Thâm Quyến, khu vực sản xuất lớn tại phía Đông đã được nới lỏng, mở đường cho các nhà máy và hệ thống giao thông công cộng vận hành trở lại. Điều này sẽ giảm thiểu tác động của dịch đối với nền kinh tế Trung Quốc nói chung và nhu cầu tiêu thụ dầu nói riêng.

Còn tại Mỹ, việc Ngân hàng Trung ương Fed tăng lãi suất ở mức thấp 0,25% được kỳ vọng sẽ hỗ trợ cho đà tăng trưởng của nền kinh tế.

Như vậy, dưới áp lực từ nguồn cung thiếu hụt, kết hợp với nhu cầu tiêu thụ duy trì ở mức cao, nhiều khả năng giá dầu sẽ tiếp tục được hỗ trợ trong thời gian tới.

“Ẩn số lớn nhất là diễn biến giữa Nga và Ukraine, tuy vậy, sau 3 tuần kể từ khi các căng thẳng bắt đầu, khả năng tình hình nhanh chóng được cải thiện cũng không quá lớn”, Lãnh đạo MXV nói và nhận định, thị trường dầu thô sẽ còn nhiều biến động.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.