Thị trường

Giá xi măng tiếp tục tăng, thép vẫn nối dài đà giảm

23/06/2022, 18:11

Giá thép có 6 lần điều chỉnh giảm, còn xi măng tiếp tục tăng giá lần thứ 3 trong tháng 6/2022.

Xi măng tiếp tục tăng, thép vẫn nối dài đà giảm

Theo ghi nhận, trong khi giá thép có 6 lần điều chỉnh giảm thì xi măng tiếp tục tăng giá lần thứ 3 trong tháng 6/2022.

Cụ thể, trong tháng 6, Công ty Cổ phần Kinh doanh Xi măng miền Bắc tăng giá bán sản phẩm xi măng Norcem Yên Bình và Xi măng Norcem Mai Sơn sản xuất tại Yên Bình thêm 70 nghìn đồng/tấn (đã bao gồm VAT) đối với các chủng loại xi măng bao, rời và bao jumbo.

img

Xi măng tăng thêm 300-400 nghìn đồng/tấn, lên ngưỡng 1,65-1,7 triệu đồng/tấn, tương ứng với mức tăng trên 30%

Tháng này, Công ty TNHH TM Xi măng Công Thanh khu vực miền Trung và Công ty CP Xi măng Tân Quang - VVMI cũng tăng giá 50-140 nghìn đồng/tấn (đã bao gồm VAT) tùy chủng loại.

Tương tự, Công ty Xi măng Long Sơn cũng tăng 60 nghìn đồng/tấn đối với tất cả nhãn hiệu xi măng rời; Công ty Xi măng Vicem Hoàng Thạch tăng từ 50-80 nghìn đồng/tấn (đã bao gồm VAT) đối với xi măng PCB40 bao, rời đa dụng và công nghiệp; Công ty CP Xi măng Bỉm Sơn tăng thêm 70 nghìn đồng/tấn (đã bao gồm VAT)…

Sau 3 đợt tăng giá, các loại xi măng đắt thêm 300-400 nghìn đồng/tấn, lên ngưỡng 1,65-1,7 triệu đồng/tấn, tương ứng với mức tăng trên 30%.

Hiệp hội Xi măng cho biết, việc điều chỉnh tăng giá của các doanh nghiệp vào thời điểm này là hợp lý bởi chi phí nguyên vật liệu đầu vào phục vụ cho sản xuất xi măng như than, điện, xăng dầu, thạch cao, các loại phụ gia, vỏ bao, giá cước vận chuyển và giá nhân công liên tục tăng giá.

Dự báo, giá xi măng tiếp tục tăng vào những tháng cuối năm 2022 do sản lượng tiêu thụ sẽ tăng mạnh do chúng ta đang đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và triển khai xây dựng các công trình hạ tầng giao thông trọng điểm. Trong bối cảnh, các nguyên liệu đầu vào chưa có dấu hiệu hạ nhiệt…

img

Giá thép giảm liên tiếp 6 lần trong một tháng. Ảnh: Danh Lam TTXVN

Trái ngược với đà tăng của xi măng, thép trong nước giảm giá bán lần thứ 6 chỉ trong một tháng, dao động từ 2-2,5 triệu đồng/tấn, xuống mức 18 triệu đồng/tấn.

Nguyên nhân giảm giá thép cũng do giá dầu vào đã có xu hướng giảm.

Đơn cử, theo đánh giá của Cơ quan Báo cáo giá hàng hóa Argus, giá quặng sắt chuẩn 62% Fe giao đến miền Bắc Trung Quốc đã giảm xuống 121,95 USD/tấn vào ngày 17/6 - mức giá thấp nhất kể từ ngày 1/1, và giảm 24% so với mức đỉnh tính đến nay của năm 2022 là 160,30 USD/tấn vào ngày 8/3.

Dù vậy, mức giá hiện nay vẫn cao hơn mức bình quân trước đây khoảng 5-7 triệu đồng/tấn (giá bình quân ngưỡng 11-13 triệu đồng/tấn).

Tác động ra sao đến công trình xây dựng?

Nói về những tác động khi giá thành vật liệu xây dựng tăng, bà Hồ Hiền, một nhà phân phối vật liệu xây dựng cho biết, để xây dựng một nhà dân, trung bình cần dùng khoảng 100 tấn xi măng và khoảng gần 10 tấn thép.

Bà Hiền ước lượng, người dân phải chi thêm khoảng 40 triệu đồng với cùng sản lượng xi măng, và khoảng 50-70 triệu đồng với thép. Mức chi thêm tổng cộng là 90-110 triệu đồng…

Còn đối với những công trình lớn, bà Hiền cho rằng, sẽ tác động khủng khiếp, bởi không chỉ tác động trực tiếp từ việc phải chi thêm tiền mà họ còn chịu tác động kép từ một loạt yếu tố đầu vào cộng dồn khi mức đầu tư lớn.

img

Công trình xây dựng sẽ bị đội giá khi chi phí đầu vào đồng loạt tăng cao

Nói rõ hơn, ông Nguyễn Mạnh Linh, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Xây dựng hạ tầng Đại Phong cho biết, ngoài yếu tố giá vật liệu xây dựng tăng, thì từ đầu năm 2022 đến nay, do ảnh hưởng của giá xăng dầu nên họ còn chịu thêm tác động từ giá cước phí vận chuyển tăng, giá nhân công tăng, chi phí phát sinh tăng mạnh…

Cũng theo ông Minh, từ đầu tháng 4 trở lại đây, các dự án phải giãn, chậm tiến độ thi công do không nhập được đá, cát.

Việc giãn, chậm thi công các dự án còn kéo theo nhiều hệ lụy trong đảm bảo giải quyết việc làm, ngày công cho người lao động, đảm bảo an toàn công trình đang thi công.

Ông Minh nhấn mạnh, giá vật liệu nhập tại thời điểm hiện tại tăng trong khi giá nhận thầu nhiều dự án Công ty đã ký kết hợp đồng từ một vài năm trước khiến giá thành thi công đội giá lên rất nhiều.

Ông Bùi Hoàng Hiếu, giám đốc một công ty xây dựng cho biết, việc tăng giá vật liệu xây dựng sẽ ảnh hưởng đến những nhà thầu thực hiện đấu thầu theo giá cũ. Theo đó, nếu không đàm phán được những chi phí phát sinh, sẽ xảy đến việc nhà thầu bỏ thầu, hoặc chậm tiến độ, hoặc nhà đầu tư phải chi thêm tiền cho công trình đó.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.