Thời sự

Giặc càng đánh phá, đường ta càng rộng thêm

16/01/2015, 12:14

Đêm hôm ấy, cuối tháng 3/1967, tại trọng điểm K82 phía Bắc ngầm Ta Lê, một đêm trong số 1.460 đêm bám trụ tại các trọng điểm mà anh không bao giờ quên.

Tác giả và anh hùng Nguyễn Phong Lưu (bên phải)
Tác giả và anh hùng Nguyễn Phong Lưu (bên phải)

Từ cậu thiếu niên cứu quốc

Ông Doanh nhìn cậu con trai đang nằm co quắp trong căn chòi trống huơ trống hoác lọt thỏm giữa rừng cao su lạnh lẽo. Gió lùa từng đợt tung lá cao su khô xào xạc, ánh trăng rọi qua mái lá loang trên mặt thằng bé. Mấy cái niêu đất chỏng chơ đựng đầy ánh trăng. Ông thấy thương con trai quá đỗi, mới tí tuổi đầu mà đã phải vất vả.

Ngày còn ở Hà Nam, mẹ mất lúc nó mới bốn tuổi. Bọn Pháp đưa ông về đồn điền ông Quế, tưởng rằng cuộc đời khá hơn, nhưng ông đã lầm, đời sống của “cu ly cao su” chẳng khá hơn gì so với những người dân quê ông. Ông đưa tay vuốt mái tóc rễ tre của con trai, thì thầm: “Ngủ ngoan con nhé, cha phải đi đánh thằng Pháp đây”.

Gần đến ngày giành chính quyền, không khí trong các đồn điền sôi sục hẳn lên. Ông Doanh cùng các anh em công nhân đã sẵn sàng đánh Pháp đuổi Nhật. Đang vẩn vơ suy nghĩ, bỗng Lưu nhìn thấy bóng người khẽ giở tấm liếp. Cậu bật dậy: “Ai đó?”, rồi reo lên: “A! Dì Nhớn mà con tưởng ai”.

“Cha con đi rồi phải không, dì mang cho con mấy gói cơm nóng đây, bữa nay không khéo có chuyện lớn đây”, dì Nhớn nói.  

Năm Lưu 14 tuổi, một buổi chiều mùa hè năm 1947, có người đàn ông cầm thư của cha đến nhà, trong thư cha viết: “Cha rất nhớ mẹ và con, nhưng nhiệm vụ cách mạng rất cấp bách nên cha không về thăm con được. Nghe tin con và mẹ tham gia hoạt động, cha rất mừng. Nay con đã lớn, cha xin cho con tham gia làm công nhân ở xưởng vũ khí của Công an Biên Hòa, được đóng góp thiết thực cho cách mạng là điều mà con mong đợi bấy lâu phải không? Hiện nay, chúng ta rất cần vũ khí để kháng chiến chống Pháp lâu dài. Chúc con và mẹ luôn khỏe mạnh”.

Từ lâu, dì Nhớn coi Lưu như con, dì rất quý cha con Lưu. Hai dì cháu ngồi thu lu ngóng ra rừng cao su. 

Đoàng...  Đo... àn... ng...  Một loạt súng nổ vang phía Hàng Gòn. Cải hai cùng bật dậy, dì Nhớn ôm mặt bật khóc: “Cha con với mấy bác bị phục kích rồi Lưu ơi”.

Một lát sau, hai bóng người dìu nhau về phía căn chòi. Dì Nhớn lao ra cửa, Lưu chạy theo. Bác Lê Tri và ông Doanh người đầy máu.

“Cha”, Lưu nức nở.

“Cha không sao đâu”, ông nắm tay dì Nhớn và nói, nếu tôi có bề gì, nhờ mình lo cho thằng Lưu.

Dì lau nước mắt khẽ gật đầu, Lưu chợt hiểu quan hệ của cha với dì Nhớn. Nhờ sự đùm bọc, chạy chữa của anh em công nhân, cha và bác Tri qua khỏi. Cha gọi Lưu và dì Nhớn đến dặn: “Sắp đến ngày cướp chính quyền rồi, không thể bận bịu việc thê tử được, tôi nhờ mình đưa thằng Lưu về Phước Thái lánh nạn, Lưu phải nghe lời dì”.

Những ngày ở Phước Thái, Lưu sống bình yên bên dì. Dì tự làm và bán bánh cam để kiếm sống. Bánh của dì làm rất ngon, nhìn cái vòng tròn vàng ươm với mật đường đặc sánh phủ bên ngoài không ai cầm lòng tiếc vài xu. Bánh cam ngon nên hôm nào dì bán cũng hết sớm, thời gian còn lại dì chăm Lưu và dõi đôi mắt buồn thăm thẳm ra ngoài ngõ.

Rồi ngày cướp chính quyền cũng đến, xóm làng nhộn nhịp hẳn lên. Dì Nhớn tham gia Hội Mẹ chiến sỹ, đi vận động hũ gạo nuôi quân. Lưu xin gia nhập Đội Thiếu nhi Cứu quốc. Chỉ sau hai tuần sinh hoạt, thấy Lưu hoạt bát, lanh lẹ nên các anh trong Ủy ban Kháng chiến chọn Lưu làm đội trưởng. Hai mẹ con bận tíu tít cả ngày. 

Khi Lưu tham gia làm công nhân ở xưởng vũ khí của Công an Biên Hòa, các bạn trong đội tổ chức liên hoan chia tay Lưu. Dì Nhớn chuẩn bị cho Lưu đủ các thứ cần thiết cho một chuyến đi xa. Hôm tiễn Lưu, dì đi cùng Lưu một đoạn khá xa, cứ bịn rịn mãi, Lưu đi một đoạn xa, ngoái lại thấy dì vẫn còn đứng đó nhìn theo...

Xưởng vũ khí nằm trong rừng, còn thiếu thốn mọi bề, lúc ấy ta chỉ mới đúc được những quả lựu đạn bằng đồng, nhưng không khí rất vui và phấn khởi. Lưu được các anh hướng dẫn tận tình, nên chẳng mấy chốc đã thành công nhân lành nghề.

Đầu năm 1951, dì Nhớn bệnh nặng, cơ quan cho Lưu về phụng dưỡng mẹ. Là mẹ kế nhưng bà đối xử với Lưu chẳng kém gì mẹ ruột, ân tình sâu nặng, cha đi chiến đấu biền biệt, bà biết trông cậy vào ai. Gần hai năm làm rẫy nuôi mẹ, hết lòng thang thuốc nhưng cuối cùng bà cũng không qua khỏi. Người mẹ kế tốt bụng đã trút hơi thở cuối cùng trên tay anh. Lưu gục khóc nức nở, kể từ lúc mẹ ruột mất đến nay cậu mới khóc nhiều như thế. Ba năm sau, Lưu lên tàu tập kết ra Bắc, lúc ấy cha đang ở trong bưng...

Đến chàng Phong Lưu anh dũng thông đường

Bục... bục... ầm... ầm... Hàng loạt bom nổ rền, mặt đất rùng rùng chuyển động. Đêm cuối tháng, trời đang tối đen như mực bỗng rực sáng lên bởi những quầng lửa đỏ. Lưu quay về thực tại. Cự - chiến sĩ được điều về phụ lái với anh và Bì, thay anh Lang - chồm vào tai Lưu hét lớn: “Đêm nay có đoàn xe của ta vào miền Nam, giặc lại đánh lớn, hỏng cả đường rồi, biết làm sao đây!?”.

Lưu mím môi nhìn ra con đường thân yêu mà anh và đồng đội đã tốn bao xương máu đổ ra. Đoàn xe quân ta đã kịp thời nấp vào vách đá tránh bom. Loạt bom vừa ngưng, Lưu chồm lên khởi động chiếc C100. Cự chộp Lưu: “Lưu, anh làm gì thế?”

“Thông đường”, Lưu buông câu ngắn gọn đầy vẻ cương quyết, máu chúng ta có thể đổ, nhưng đường không thể tắc - Lưu nhắc lại câu khẩu hiệu của đội TNXP 25.

“Con hổ xám”, tên gọi thân thương các đồng đội đặt cho chiếc C100 của anh - gầm lên, lao ra đường. Đất đá đổ ngổn ngang, bom nổ chậm đen trũi nằm lổn nhổn khắp nơi. Bất chấp nguy hiểm, Lưu điều khiển “con hổ xám” của mình ngoạm từng ben đất ngọt xớt. Sau ba giờ miệt mài điều khiển xe, mồ hôi ướt đẫm cả người, con đường đã thông. Trong lúc đang quay máy tìm chỗ giấu xe, bất thần giặc quay trở lại trút xuống loạt bom ngay đội hình thi công, Lưu bỗng thấy mình nhẹ tênh. Bì hét lên: “Thằng Lưu bị thương rồi”.

Những bóng người ùa tới khi loạt bom vừa dứt.

“Đưa Lưu vào hầm cứu thương”, tiếng ai đó hét lên... mơ hồ...

“Không”, Lưu tỉnh lại và chồm lên ghì chặt tay lái lao về phía các hố bom giặc vừa đánh, tiếp tục san đường. Khi ben đất cuối cùng gạt xuống, đội nữ TNXP C5 do Nguyễn Thị Liệu dẫn đầu, choàng dù trắng đứng làm cọc tiêu đưa đoàn xe băng qua trọng điểm. 

Mồ hôi và máu chảy ròng trên mặt, Lưu mỉm cười đưa xe nép vào vách đá, đến lúc này anh mới ngã vật xuống và thiếp đi. Hai giờ sáng, loạt B52 lại ập xuống, khói bom khét lẹt, đất đá ập xuống đầy cửa hầm, trên đồi cây cối cháy đỏ rực. Lưu và Cự lao ra lần thứ ba... Và đường một lần nữa lại thông.

Đêm hôm ấy, cuối tháng 3/1967, tại trọng điểm K82 phía Bắc ngầm Ta Lê, một đêm trong số 1.460 đêm bám trụ tại các trọng điểm mà anh không bao giờ quên. Cả trung đội TNXP đã vĩnh viễn nằm lại Trường Sơn trong cái đêm kinh hoàng ấy... 

Mấy tháng trời trên cao điểm Ta Lê ác liệt, anh đã vĩnh biệt không biết bao nhiêu đồng chí thân thương đã cùng mình vào sinh ra tử. Trước mặt là dãy Trường Sơn hùng vĩ chắn tầm nhìn qua đất bạn Lào. Dưới chân núi, đồng bào dân tộc ở bản Nọng Ma và bản Tà Bôi vẫn sống giữa mưa bom của giặc, để giúp đỡ bộ đội thông đường. 

Những ngọn núi đá trơ trụi là chứng tích của chất độc hóa học và bom đạn quân thù. Mỗi chiều, Lưu thường ra khỏi hang đá để nhìn cặp vợ chồng vượn âu yếm nhau trong khoảng rừng hiếm hoi còn sót lại. Chúng tồn tại như để chứng minh cho sức sống mãnh liệt đầy kiêu hãnh của núi rừng Trường Sơn. Anh đã nhìn thấy chúng quấn quýt nhau như thế suốt 55 ngày đêm trong hang đá ở ngầm Ta Lê. Một cái hang đá chắc chắn do các bạn TNXP tìm ra.  

Cấp trên cử các chiến sỹ công binh về hỗ trợ cho tổ máy của Lưu để gỡ bom thông đường. Đội cơ giới của anh vấp phải bom từ trường, nên tiến độ chậm hẳn lại. Bom từ trường là loại bom chuyên phá hỏng cơ giới của ta và phá đường rất ác, khi nổ chúng tạo hố hình phễu rộng đến 6 - 7 m. Được sự hỗ trợ của trên, anh cùng anh em đã gỡ gần trăm quả bom mỗi đêm.

Trước đây. anh không hề biết về bom đạn, nhưng rồi trong chiến tranh, anh cũng phải mầy mò để “khuất phục” nó. Bởi trước mắt, anh chỉ có mỗi nhiệm vụ duy nhất là thông đường cho xe qua, anh không còn sự lựa chọn nào khác. Đội cơ giới của anh có nhiệm vụ phối hợp cùng C6, D25 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Giặc càng đánh phá, đường ta càng rộng thêm. 

Còn nữa...

Bút ký của Nguyễn Một 

 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.