Âm nhạc

Giấc mơ có thật từ “Sô diễn cuộc đời”

01/03/2021, 07:34

Lần đầu tiên, 1 nghệ sĩ khiếm thị mưu sinh với cây đàn thau tự chế, 1 người cha mù bán vé số...có show diễn riêng của mình ở “Sô diễn cuộc đời".

img

Chú Hai Liêm với chiếc đàn thau tự chế trên sân khấu, đệm đàn cho Ngọc Quyền hát

Tiếng đàn từ mọi số phận

Là người khiếm thị bẩm sinh, ông Trần Nên sống trong cảnh “gà trống nuôi con” ở một khu xóm trọ nghèo tại TP Vị Thanh (tỉnh Hậu Giang). Ông mưu sinh bằng nghề bán vé số dạo.

Thế nhưng, ông lại sở hữu tài năng chơi đàn guitar cùng giọng hát tân cổ giao duyên trầm ấm. Hàng ngày, trên cung đường dò dẫm bán vé số, ông luôn vác theo cây đàn guitar to hơn nửa người. Gặp khách mua vé số hay ai thích nghe đàn, ông sẵn lòng ngồi đàn hát cho người đó nghe.

Chú Hai Liêm - tên thân mật mà những người dân ở bến phà Cồn Khương (Cần Thơ) gọi người đàn ông khiếm thị bán vé số, đàn ca kiếm sống ở bến phà hàng chục năm qua. Ông tên là Trương Thanh Liêm (70 tuổi). Hàng ngày, ông cầm cây đàn thau tự chế, gảy đàn để mưu sinh nhờ tình thương của khách qua lại trên bến phà.

Trong khi đó, “cao thủ guitar” Thanh Điền từ lâu đã quen thuộc với cộng đồng mạng trong những video đệm đàn cho các ca sĩ hát tân cổ và hiện đại. Dù bị mù bẩm sinh nhưng ông sở hữu tuyệt kỹ đánh đàn khó ai sánh bằng.

img

Nghệ sĩ khiếm thị Thanh Điền - “cao thủ guitar” trên sân khấu “Sô diễn cuộc đời”

Hay như cựu giảng viên Nguyễn Trường với bộ sưu tập nhạc cụ tự chế từ tre, nứa, bầu khô độc đáo. Và cả nghệ sĩ guitar Hùng Hero cả đời mơ ước có một sô diễn riêng nhưng vì nặng gánh mưu sinh nên để ước mơ âm nhạc của mình mãi mãi dang dở.

Lần đầu tiên, những con người có số phận trớ trêu được đứng trên sân khấu riêng ở “Sô diễn cuộc đời”. Đây là chương trình truyền hình thực tế kết hợp livestream, làm liveshow cho những “nghệ sĩ ẩn danh” có tài năng như ca hát, chơi nhạc cụ… nhưng chưa từng hoặc ít xuất hiện trước công chúng. Ở liveshow, họ được thể hiện tài năng của mình, kết hợp với các ca sĩ được yêu mến như Ngọc Quyền, “hiện tượng dân ca” Nghi Đình…

Đã lên sóng 5 tập và mỗi tập là một người có hoàn cảnh khác nhau, “Sô diễn cuộc đời” mang tới nhiều cung bậc cảm xúc. Không phải sân khấu hoành tráng, hiện đại mà chỉ là sân khấu nhỏ ấm cúng nhưng vẫn chạm tới cảm xúc. Khi mối lo cơm áo gạo tiền tạm gác lại, khi ánh đèn sân khấu bật sáng, họ trở thành nghệ sĩ thực thụ thăng hoa cùng âm nhạc.

Bên dưới, hàng trăm khán giả theo dõi và cả khán giả xem online. Nhiều giọt nước mắt của khán giả đã rơi vì xúc động, đồng cảm với những tiếng đàn trên sân khấu. Những nghệ sĩ đó, cả đời có lẽ chưa bao giờ nghĩ có ngày có một sân khấu riêng, được diễn trong tiếng vỗ tay của khán giả.

Họ chỉ biết rưng rưng cảm ơn những người hỗ trợ giấc mơ của mình, cảm ơn các mạnh thường quân và như lời của nghệ sĩ guitar Hùng Hero: “Tỏa sáng trên sân khấu là điều mà trong cuộc đời tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ được như vậy”.

Không mang tính thương mại

img

Nghệ sĩ guitar Hùng Hero xúc động khi lần đầu có sô diễn riêng

Qua mỗi tập phát sóng và livestream, lượng khán giả của chương trình tăng dần. Có tập lên tới gần 800.000 lượt xem trên Youtube. Đây là kết quả lạc quan với một chương trình không có ngôi sao nổi tiếng.

Đặc biệt, toàn bộ số tiền thu được từ sô diễn (khán giả ủng hộ tại liveshow và từ xa) được gửi tặng hoàn toàn cho nhân vật để họ trang trải cuộc sống. Trong đó, sô diễn của chú Hai Liêm đạt được 140 triệu đồng quyên góp từ các mạnh thường quân.

Đảm nhận vai trò sản xuất kiêm dẫn chương trình, anh Bửu Điền (CEO của Điền Quân Media) tiết lộ đã ấp ủ làm “Sô diễn cuộc đời” khoảng hai năm nay, khi anh thấy nhiều người hát rong hoặc những người ẩn danh trong các hẻm hóc, dù rất tài giỏi nhưng không có cơ hội xuất hiện trước công chúng. Tới khi thực hiện, anh nhờ bạn bè và cộng đồng cùng giúp đỡ, giới thiệu thêm các nhân vật.

Dù làm chương trình giúp các nhân vật nhưng không phải ai cũng đồng ý tham gia ngay. Nhiều người phải mất thời gian thuyết phục vì hầu hết họ là những người trước nay không xuất hiện nên cũng không muốn xuất hiện. Anh phải đi lại nhiều lần mới nhận được cái gật đầu.

Theo nhà sản xuất Bửu Điền, làm chương trình này cực khổ, đầu tư tốn kém về thời gian, đi lại và chất xám. Anh mất khoảng 10 - 12 ngày đeo bám nhân vật, tìm hiểu cuộc sống, xuất xứ, chất liệu… của họ, xem có đủ để lên sóng hay không.

“Khi họ hiểu tôi muốn làm chương trình vì giấc mơ của họ chứ không phải vì mục đích thương mại thì suôn sẻ hơn. Bởi, nếu làm thương mại với những nhân vật này chỉ có lỗ”, anh tâm sự.

Mang tính chất nhân văn nên “Sô diễn cuộc đời” được sự hỗ trợ ít nhiều từ các đơn vị cho thuê địa điểm, ca sĩ khách mời. Được biết, các nghệ sĩ đều thoải mái trong vấn đề cát-xê và thậm chí đặt vấn đề chỉ muốn giúp đỡ các nhân vật. “Hiện tượng dân ca” Nghi Đình khi tham gia trong show diễn của chú Hai Liêm còn tặng cát-xê đêm diễn của mình cho ông.

Trong khi đó, chị Tú Uyên - Giám đốc âm nhạc của chương trình thừa nhận, làm “Sô diễn cuộc đời” khó hơn các chương trình khác. Bởi, nhân vật là những người ít biểu diễn trên sân khấu.

Chưa kể, các nhân vật đều ở xa nên không thuận tiện trong việc tập luyện, trao đổi bài vở. Chị có ít thời gian tiếp xúc nên dựa nhiều vào khả năng có sẵn của nhân vật, khiến vấn đề tác quyền gặp ít nhiều khó khăn. Các ca sĩ khách mời thường chỉ có một buổi tập với nhân vật. May mắn, họ đều hiểu nhau nên suôn sẻ khi vào biểu diễn.

“Đây là chương trình nhiều niềm vui hơn là nước mắt. Nhân vật hạnh phúc vì lần đầu trong đời họ có sô diễn riêng, các mạnh thường quân cũng biết đến và giúp đỡ họ. Ê-kíp vui vì đã làm được một điều có ý nghĩa”, chị Tú Uyên thổ lộ.

“Sô diễn cuộc đời” phát sóng vào thứ 4 hàng tuần trên HTV7. Các nhân vật trong chương trình thường là người nghèo, người khuyết tật chỉ biết gửi giọng hát vào không gian đường phố, hoặc những nghệ sĩ có tuổi đã lui về sau ánh đèn sân khấu nhưng niềm đam mê âm nhạc vẫn luôn cháy bỏng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.