Giao thông

Giấc mơ đầu máy, toa xe 100% “made in Vietnam”

10/12/2019, 10:42

Thực ra với công nghệ, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị của Việt Nam thời đó, không thể đóng mới 100%, chỉ có thể là phục chế lại.

img
Đầu máy Tự lực

Gần đây, ông Khuất Minh Trí, nguyên Chủ tịch Công đoàn Đường sắt VN chia sẻ về sự ra đời của chiếc đầu máy hơi nước “made in Vietnam” cách đây 55 năm. Ông Trí cho biết, ngày 22/12/1964, lễ hoàn thành đóng mới chiếc đầu máy hơi nước “Tự lực” mang tên anh hùng Nguyễn Văn Trỗi đã được tổ chức tại Nhà máy Xe lửa Gia Lâm. Đây là đầu máy xe lửa đầu tiên do các kỹ sư của Cục Đầu máy toa xe Tổng cục Đường sắt thiết kế và do Nhà máy Xe lửa Gia Lâm chế tạo. Đầu máy Tự lực theo thiết kế đạt tới sức kéo 2.000 tấn, tốc độ 70km/h.

Ngày 25/12/1964, đầu máy Tự lực Nguyễn Văn Trỗi kéo chuyến tàu khách đầu tiên từ Hà Nội đi Hải Phòng an toàn, đúng giờ, ghi dấu ấn thành công mới của ngành cơ khí đường sắt và Nhà máy Xe lửa Gia Lâm. Tiếp sau đó, ngày 2/4/1965, chiếc đầu máy Tự lực thứ hai mang tên Hữu nghị hoàn thành; Tháng 6/1965 Nhà máy Xe lửa Gia Lâm tiếp tục xuất xưởng đầu máy Tự lực thứ ba.

Trước thông tin chia sẻ này của ông Trí, có ý kiến cho rằng, thực ra với công nghệ, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị của Việt Nam lúc đó, không thể đóng mới 100%, chỉ có thể là phục chế lại. Dẫu vậy, trong hoàn cảnh miền Bắc còn nhiều khó khăn, việc ra đời đầu máy hơi nước “made in Vietnam” đã là điều vô cùng đáng quý và rất đỗi tự hào.

Nhưng 55 năm đã trôi qua, trong khi thế giới đã bước vào cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 thì ngành công nghiệp cơ khí đường sắt nói chung, chế tạo đầu máy - toa xe nói riêng của Việt Nam đến nay có gì? Theo một báo cáo của Tổng công ty Đường sắt VN, hiện việc sản xuất cung cấp tất cả các loại toa xe khách, hàng với tỷ lệ nội địa hóa chỉ từ 20 - 40%; Đã lắp ráp đầu máy diesel công suất tới 2.000 HP, đưa vào sử dụng 40 đầu máy với tỷ lệ nội địa hóa chỉ đạt khoảng 10%. Nguyên nhân đã được nhiều chuyên gia chỉ ra: lĩnh vực công nghiệp đường sắt nói chung, cơ khí đầu máy - toa xe đã bị “bỏ quên” nhiều năm, cả về vốn đầu tư và cơ chế, chính sách phát triển của Nhà nước.

Luật Đường sắt 2017 đã có nhiều nội dung về ưu tiên phát triển lĩnh vực này, tuy nhiên cần được hiện thực hóa trên thực tế bằng các chính sách, cơ chế cụ thể như vốn vay ưu đãi, thuế…, tạo điều kiện cho ngành công nghiệp quan trọng này phát triển. Có vậy, mới dần dần nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, đáp ứng yêu cầu phát triển ngành Đường sắt trong tương lai. Nếu không, hy vọng về đầu máy, toa xe hiện đại 100% “made in Vietnam” trong tương lai sẽ mãi chỉ là giấc mơ xa vời.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.