Tài chính

Giấc mơ nghìn tỷ của “vua quạt miền Bắc”

12/11/2022, 08:55

22 năm phát triển, từ chỗ chỉ 5-6 công nhân lúc khởi nghiệp, ông chủ kiêm luôn cả thợ chính, hiện Phương Linh đã hoạt động với gần 300 lao động.

Đam mê học hỏi, dám nghĩ, dám làm, đó là bí quyết tạo nên thành công cho “vua quạt miền Bắc” - CEO Trần Văn Lê, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất cơ điện và Thương mại Phương Linh.

Mạnh tay đầu tư cho công nghệ từ sớm

img

Hệ thống sản xuất của Phương Linh được tự động hóa đến 80% bằng công nghệ hiện đại

Dẫn chúng tôi thăm quan nhà máy sản xuất rộng khoảng 16.000m2, tọa lạc tại khu công nghiệp Quang Minh (Mê Linh, Hà Nội), CEO Trần Văn Lê cho hay, nhà máy hoàn thành trước thời điểm dịch bùng phát Covid-19 chỉ vài tháng.

Mỗi ngày, vị CEO này đều có mặt ở nhà máy để làm việc cùng công nhân. Hiện, các công nhân đang gấp rút để kịp giao lô hàng hút lọc bụi trị giá hơn 2 tỷ đồng cho hệ thống xử lý rác thải ở TP Bắc Ninh của một đối tác Ấn Độ. Hàng trăm dòng quạt công nghiệp, máy hút bụi nhỏ, to khác cũng đã được chuẩn bị sẵn cho các đối tác khác.

Đứng cạnh một chiếc quạt công nghiệp cho các tòa nhà lớn, cao qúa đầu người, đường kính đến hàng mét, ông Lê giới thiệu từng chi tiết được sản xuất qua những thiết bị hiện đại, được phủ bởi một lớp sơn tĩnh điện bền đẹp.

Chỉ tay về phía dàn máy cắt thép tấm bằng laser, những mảng thép dày hàng chục milimet được cắt tự động bằng lập trình sơ đồ, không một tiếng động, hoàn mỹ đến từng chi tiết, ông Lê cho biết, dàn máy được mua tại Thụy Sĩ với giá hàng chục tỷ đồng. Tại đây, còn có hàng chục dòng máy khác tương tự, cũng được trang bị để thay thế công đoạn cơ khí thủ công.

Việc đầu tư máy móc thiết bị hiện đại từ hàng chục năm về trước là quyết định táo bạo và khác biệt, để từ đó nhiều người gọi ông Lê với cái tên “vua quạt miền Bắc”.

“Tôi hướng đến công nghệ để nâng cao chất lượng, nhằm cho ra đời sản phẩm đồng bộ có độ chính xác cao, tiết kiệm nguyên vật liệu và đạt tiêu chuẩn quốc tế…”, ông Lê nói và cho biết, đây chính là những lợi thế cạnh tranh chiến lược mà Phương Linh luôn theo đuổi để chinh phục được các khách hàng nước ngoài như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ và các chủ đầu tư lớn trong nước.

Là đối tác của Phương Linh từ những năm 2004, ông Đàm Quang Mạnh, Giám đốc Công ty Cơ khí Đại Phúc cho biết: “Mười mấy năm lựa chọn quạt công nghiệp, máy hút lọc bụi công nghiệp của Phương Linh lắp đặt cho các công trình cho thấy có những ưu điểm vượt trội so với sản phẩm của các thương hiệu khác về độ bền, hiệu suất, tiết kiệm điện năng… Đặc biệt là dịch vụ bảo hành hậu mãi không chê vào đâu được”.

Ông Mạnh kể, trước đây rất ít người sản xuất được quạt công nghiệp, nhất là những loại quạt cỡ lớn. Hồi đó chỉ có 2 thương hiệu “làm mưa làm gió” trên thị trường là Toàn Cầu và Phương Linh.

“Tuy nhiên, Phương Linh dù ra sau Toàn Cầu nhưng đã vượt lên thành “vua quạt miền Bắc” nhờ sự bứt tốc, phủ sóng nhanh trên thị trường. Dân cơ khí chúng tôi ai cũng lấy gương anh Lê để cố gắng. Anh Lê là người say nghề, ham học hỏi và người dám đưa công nghệ hiện đại vào chuỗi sản xuất đầu tiên thời đó...”.

Khách hàng vừa là thượng đế, vừa là ân nhân

Nghiêm túc, quyết liệt, táo bạo khi làm việc nhưng giản dị, chân thành, ấm áp trong cuộc sống, đó là những gì CEO Trần Văn Lê tâm niệm và thực hiện hàng ngày.

Tự hào với thành quả gây dựng từ đôi bàn tay trắng, thậm chí ngày cưới đôi giày cũng phải đi thuê, ông Lê bồi hồi kể cho chúng tôi nghe về những gì mà một “doanh nhân tự thân” như ông đã đi qua.

Rời quân ngũ cuối những năm 80, cũng là thời điểm ông lập gia đình, bươn chải tìm hướng kinh doanh. Lúc bấy giờ, ông đã qua đủ các công việc để mưu sinh, từ việc bốc vác thuê đến mua trứng vịt, mộc nhĩ, đậu xanh mang từ quê ra chợ Đồng Xuân ngồi bán, rồi mua quần áo, thuốc lá, hạt hướng dương… từ Hà Nội đưa về Nghệ An tiêu thụ.

Cơ khí đang gần như không có một ưu đãi gì, do đó đang rất thiếu các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất cơ khí. Hầu hết là những người theo đuổi ngành này như một đam mê.
Bởi vậy, việc đầu tư công nghệ bài bản, đạt tiêu chuẩn quốc tế của Phương Linh hiện nay cũng là một lợi thế lớn để CEO Trần Văn Lê đạt đến giấc mơ nghìn tỷ doanh thu.

TS. Trương Chí Bình, Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công thương


Làm mãi vẫn nghèo, năm 1991, ông quyết định đăng ký học lớp quản trị kinh doanh dành cho giám đốc, đi vay được một chỉ vàng để đóng học phí.

Học xong, ông làm thuê cho một cửa hàng chuyên bán các loại máy móc, thiết bị cũ hỏng và phế liệu. Nhiều năm trôi qua, rồi ông cũng có cho mình một cửa hàng nhỏ.

Sau đó, không chỉ dừng lại ở việc tân trang, buôn bán đồ cũ, ông bắt tay sản xuất, cho ra đời những sản phẩm “made in Vietnam”. Phương Linh cũng ra đời từ đó (năm 2000).

Hiện thương hiệu Phương Linh đã bước sang tuổi 22, đã có chỗ đứng nhất định, nhưng thói quen “đọc sách, rèn người” của vị CEO này vẫn vậy.

Ông khoe, đến nay cộng lại, ông có trên 100 chứng chỉ về học tập, đủ các chương trình, từ khởi nghiệp cho đến làm giàu, kể cả các lớp học về kỹ năng sống...

“Bắt đầu ngày mới từ lúc 4h sáng, tôi dành 15-30 phút ngồi viết – viết bất kể gì mình cảm nhận được và dự định làm trong ngày, sau đó đi bộ một tiếng, vừa đi vừa đọc sách. Mỗi ngày tôi đọc 27- 30 trang sách, đó cũng là cách giữ cho bản thân luôn điềm tĩnh trong mọi khó khăn. Với tôi, “tầm nhìn, đam mê, kỷ luật và lương tâm” là 4 điểm then chốt để xây dựng văn hóa của Phương Linh.

Tôi yêu cầu con tôi phải biết cúi mình trước cộng đồng, bên cạnh đó phải rèn giũa đạo đức. Cũng vì kỷ luật đó, tôi không chỉ quan niệm khách hàng là thượng đế mà họ còn là ân nhân của mình”, ông Lê chia sẻ.

Doanh thu trăm tỷ và tham vọng nghìn tỷ

Thương hiệu Phương Linh được ghép từ tên của hai con gái và trai của ông Lê là Trần Vũ Linh và Trần Phương Thảo. Ông Lê cho biết, sứ mệnh thế hệ tương lai đã được gắn với danh dự và trách nhiệm.

Con trai Trần Vũ Linh của ông đã đi học nước ngoài trở về và hiện được giao nhiệm vụ quản lý và phát triển mảng sản phẩm nòng cốt của công ty.

Còn con gái cũng đã dần tiếp quản việc thương thảo đàm phán vật tư đầu vào, một mắt xích quan trọng trong chuỗi hoạt động của công ty.

Theo ông Lê, sau 2 năm Covid-19, kế hoạch kinh doanh bị đảo lộn, mục tiêu tăng trưởng 50-100% cũng vì thế mà chưa đạt được. Tuy nhiên, hiện công ty đã lấy lại được mốc doanh thu 200- 300 tỷ đồng của năm 2019. Ông Lê kỳ vọng, trong 3 năm tới, sẽ đạt được mốc doanh thu nghìn tỷ mỗi năm nhờ “tiếng lành đồn xa” khi đã có uy tín trên thị trường.

Vị CEO cũng tiết lộ, Phương Linh đã chuẩn bị các kế hoạch để bứt tốc trong thời gian tới. Hiện, ngoài nhà máy này, Phương Linh còn một nhà máy ở khu công nghiệp Thái Hòa (Đức Hòa, Long An) gần 10.000m2.

Ngoài ra, Phương Linh cũng đã có hệ thống chi nhánh ở Hà Nội, Nghệ An, Đà Nẵng, TP.HCM và Long An, sắp tới là Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu.

22 năm phát triển, từ chỗ chỉ 5-6 công nhân lúc khởi nghiệp, ông chủ kiêm luôn cả thợ chính, hiện bộ máy Phương Linh đã hoạt động tự động với gần 300 cán bộ công nhân viên.

Ông Lê cho biết, tới đây ông sẽ tham gia vào đào tạo thế hệ tương lai với vai trò “Doanh nhân thực chiến”. Ông muốn gia tăng giá trị thực tiễn ứng dụng và lý thuyết ở các nhà trường để những gì tích lũy được trong 30 năm qua của bản thân không bị mai một.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.