Chuyện dọc đường

Giải bài toán kết nối nhìn từ buýt BRT

14/03/2018, 07:35

Đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh-Hà Đông là loại hình giao thông công cộng hiện đại bậc nhất hiện nay...

3

Chạy thử tàu trên tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông tháng 10/2017 - Ảnh: Tạ Tôn

Người dân Thủ đô đặt kỳ vọng cuối năm nay khi đưa dự án vào vận hành, khai thác sẽ giúp giảm ách tắc giao thông, ô nhiễm môi trường đô thị, tiết kiệm thời gian đi lại, giảm thiểu hoạt động của các phương tiện cá nhân.

Càng sát giờ G đưa tuyến đường vào vận hành, câu hỏi làm thế nào để có thể phát huy tối đa hiệu quả tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của Hà Nội này trở thành vấn đề được quan tâm; Nhất là trong bối cảnh trước đó, việc khai thác tuyến buýt nhanh BRT Kim Mã - Yên Nghĩa chưa thực đạt như kỳ vọng.

Theo các chuyên gia, mấu chốt của việc khai thác có hiệu quả hay không bất kỳ một tuyến vận tải công cộng nào, kể cả xe buýt, hay đường sắt đô thị, metro... chính là giao thông và phương tiện kết nối. Đây lại là điểm yếu khiến lượng khách đi lại trên tuyến BRT Kim Mã - Yên Nghĩa thời gian đầu rất thấp. Gần đây, khi Hà Nội có những động thái tích cực hơn trong việc điều chỉnh luồng tuyến xe buýt để tăng tính kết nối “bơm” khách từ các tuyến buýt thường cho buýt BRT, lượng khách đi đã gia tăng. Từ chỗ ban đầu chỉ có trên 10 nghìn khách đi BRT mỗi ngày, con số này hiện đã tăng lên khoảng 15 nghìn. Tuy nhiên, lượng khách đi BRT có tiếp tục tăng như kỳ vọng ban đầu?. Đó là câu hỏi thực sự khó nếu Hà Nội không có giải pháp đột phá để tăng phương tiện công cộng kết nối.

Thực tế, lượng khách trên trục BRT chỉ có giới hạn. Muốn tăng thêm BRT phải “liên thông” được với khách ở khu vực khác nhờ các phương tiện đồng mức (tuyến BRT khác) và khác mức (đường sắt đô thị, xe buýt thường, xe đạp công cộng…). Hiện tại, khách đi BRT đa phần chỉ là người dân dọc 2 bên tuyến, giới hạn ở khoảng cách có thể đi bộ được. Việc kết nối tuyến BRT với các tuyến buýt thường khác còn rất hạn chế.

Hạn chế của tuyến BRT Kim Mã - Yên Nghĩa cũng là bài học cho các nhà quản lý trong việc lên phương án khai thác hiệu quả tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông tới đây. “Một cây làm chẳng nên non”. Một tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông trị giá cả chục nghìn tỷ đồng và dù được đầu tư rất hiện đại cũng sẽ không thể là chiếc gậy thần giúp Hà Nội giảm ùn tắc nếu không có sự kết nối hiệu quả, nghĩa là nó “đói” khách.

Ngay từ bây giờ, các cơ quan quản lý phải trả lời rốt ráo, thấu đáo câu hỏi của người dân: “Chúng tôi đi tàu đường sắt trên cao rồi khi tới các nhà ga sẽ đi bằng gì để tới công sở, địa điểm muốn tới?” thì việc khai thác tuyến đường sắt hiện đại này mới đạt hiệu quả như kỳ vọng. Nếu không, viễn cảnh những con tàu bóng lộn chạy trên tuyến đường sắt hiện đại, tầm cỡ nhưng vắng khách sẽ không còn xa.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.