Đường sắt đô thị

Giải bài toán “tiền đâu làm metro?”

25/04/2023, 14:08

Theo quy hoạch, đến năm 2030 Hà Nội có 10 tuyến metro, TP.HCM có 8 tuyến nhưng đến nay mới có 1 tuyến duy nhất vận hành là Cát Linh - Hà Đông.

Tại Hà Nội, metro Cát Linh - Cát Linh đã được đưa vào vận hành, tuyến metro Nhổn - ga Hà Nội cũng chuẩn bị khai thác. Còn ở TP.HCM, metro số 1 sẽ hoàn thành vào cuối quý IV/2023.

Tuy nhiên, để loại hình này trở thành phương tiện được người dân lựa chọn thay xe cá nhân, vẫn còn nhiều việc phải làm.

Cả nước mới chỉ có 1 tuyến vận hành

img

Đường sắt Cát Linh - Hà Đông là tuyến metro duy nhất của Hà Nội hoạt động tính tới 4/2023 Ảnh: Tạ Hải

Quy hoạch GTVT Hà Nội đã được Thủ tướng phê duyệt, đến năm 2030, TP sẽ phải hoàn thành 10 tuyến đường sắt đô thị (metro) tổng chiều dài 417,8km, với khoản đầu tư 40 tỷ USD. Tuy nhiên, tới thời điểm hiện nay, mới chỉ có duy nhất tuyến 2A (Cát Linh - Hà Đông) được đưa vào vận hành.

Sau gần 1 năm rưỡi khai thác thương mại, tuyến metro này hút gần 10 triệu lượt hành khách, trong đó hàng chục nghìn người dùng vé tháng. Tuy nhiên, với việc chỉ có 1 tuyến metro được vận hành trên toàn thành phố nên hiệu quả chưa thể phát huy hết, chưa thể trở thành loại phương tiện được lựa chọn thay cho xe cá nhân.

Theo đại diện Sở GTVT Hà Nội, tuyến số 3, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội đang trong quá trình hoàn thiện (khởi công từ năm 2009). 8 tuyến còn lại vẫn đang gặp nhiều khó khăn. “Khó khăn lớn nhất là thiếu vốn đầu tư, kể cả vốn vay ODA”, vị này bày tỏ.

Tại TP.HCM, những ngày gần cuối tháng 4/2023, ghi nhận của PV tại công trường nhà ga Bến Thành, dự án metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên cho thấy, các công nhân đang khẩn trương lắp kính cho giếng trời lấy sáng (toplight). Công trình đạt gần 100% tiến độ, dự kiến ngày 30/4 hoàn thành.

Tuyến có chiều dài 19,7km gồm 2,6km đi ngầm và 17,1km đi trên cao, bao gồm 14 nhà ga (3 ga ngầm và 11 ga trên cao), đi qua các quận 1, Bình Thạnh, TP Thủ Đức (TP.HCM) và TP Dĩ An (Bình Dương). Dự kiến, vào quý IV/2023, tuyến metro số 1 sẽ đưa vào vận hành, khai thác.

Đại diện Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP.HCM cho biết, các công việc còn lại của tuyến chỉ còn 6%, chủ yếu còn phần kiến trúc, các đường kết nối.

Tuy vậy, những khó khăn trong việc cấp vốn cho Công ty TNHH MTV Metro số 1 khiến dự án có thể kéo dài hơn. Công tác đào tạo đến nay vẫn chưa được triển khai suôn sẻ, nếu không có những giải pháp, có thể thiếu nhân lực để vận hành.

Theo quy hoạch, TP.HCM có 8 tuyến metro và ba tuyến xe điện mặt đất hoặc đường một ray với tổng chiều dài 220km, tổng mức đầu tư gần 25 tỷ USD. Tuy nhiên, đến nay, thành phố mới triển khai 2 dự án là tuyến metro số 1 hơn 43.700 tỷ đồng và metro số 2 gần 47.900 tỷ đồng.

Giải bài toán vốn cách nào?

Liên quan đến vấn đề nguồn vốn đầu tư, chuyên gia giao thông, PGS. TS. Nguyễn Thị Thu Thủy cho rằng, nếu chỉ trông chờ nguồn vốn ngân sách hay ODA, sẽ không biết khi nào mới có thể hoàn thành các dự án metro theo quy hoạch. Không còn cách nào khác là phải huy động nguồn xã hội hóa.

Đường sắt đô thị là xương sống của mạng lưới vận tải công cộng. Nhu cầu cấp thiết của các đô thị lớn lúc này là phải hình thành được hệ thống đường sắt đô thị, đưa vào vận hành, khai thác để tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa các loại hình vận tải hành khách công cộng.
Ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Quản lý Giao thông Hà Nội


“Hà Nội vẫn còn rất nhiều tiềm năng, nguồn lực từ tài nguyên đất, còn có điều kiện để thu hút nguồn vốn xã hội hóa. Tuy nhiên, để huy động được, cần có các cơ chế đột phá, khi nhà đầu tư tư nhân thấy hấp dẫn, họ chắc chắn sẽ tham gia”, bà Thủy nói.

Chuyên gia giao thông, TS. Nguyễn Hữu Đức cũng góp ý, huy động nguồn vốn tư nhân, kể cả đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) là một giải pháp hữu hiệu. Dẫn chứng tuyến metro Cát Linh - Hà Đông, ông Đức chỉ ra, việc vay vốn bị chi phối bởi các điều khoản ràng buộc nên không thể chủ động về tiến độ cũng như chi phí phát sinh. Nói cách khác, chúng ta bị buộc phải chấp nhận cả sự chậm trễ lẫn việc đội vốn.

Nhìn vào thực tế các dự án metro đang triển khai, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu GTVT Việt Đức Vũ Anh Tuấn cho rằng, cần có chính sách đặc thù cho các đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM. Chẳng hạn, có thể lấy lợi nhuận phát triển đô thị bù đắp cho nguồn vốn vay cũng như hỗ trợ hoạt động của các tuyến metro.

“Kinh nghiệm tại các nước phát triển đường sắt đô thị đều phải dựa vào nguồn lực đất đai, phát triển các đô thị vệ tinh xung quanh dự án. Nếu đi vay, cùng lắm là đủ xây dựng cơ sở hạ tầng, còn lại kinh phí để vận hành, duy tu, bảo dưỡng mới là vấn đề, có khi lên tới 50 - 70 triệu USD/năm.

Nhà nước và tư nhân có thể cùng thành lập liên doanh để đầu tư phát triển đô thị, dịch vụ đi kèm xung quanh khu vực nhà ga. Ngoài ra, khu vực trong vòng bán kính từ 500m cách nhà ga, Nhà nước sẽ đánh thuế bất động sản cao hơn so với mặt bằng khu vực. Tất cả lợi nhuận thu được sẽ dành để phát triển và vận hành metro”, ông Tuấn nói và cho rằng, những đô thị có nhiều tuyến metro trên thế giới đều phải tích hợp với phát triển đô thị, không có cách nào khác.

Tuy nhiên, theo ông Tuấn, khi thực hiện rất có thể vướng vào các quy định pháp luật hiện hành và bản thân các địa phương như Hà Nội hay TP.HCM không đủ thẩm quyền giải quyết. Vì thế, cần sự vào cuộc của các cấp cao hơn.

Trước mắt, ông Tuấn đề xuất tháo gỡ vướng mắc cho những dự án đã được bố trí vốn từ nguồn ODA. Thứ hai, cần rà soát các văn bản pháp luật đang ngăn cản phát triển đường sắt đô thị kiểu mới. Từ đó xây dựng cơ chế đặc thù về huy động vốn trong xây dựng hạ tầng ban đầu và vận hành dài hạn. Tất cả phải đảm bảo khi thực hiện không vướng quy định nào của luật.

Hà Nội đề xuất đầu tư theo hình thức PPP

Để thúc đẩy việc đầu tư, hoàn thiện các tuyến đường sắt đô thị đang triển khai, UBND TP Hà Nội đề xuất Thủ tướng Chính phủ 2 phương án.

Trong đó phương án 1 đề nghị Chính phủ ưu tiên bố trí nguồn vốn ODA thực hiện các dự án có kế hoạch đầu tư trong giai đoạn 2020 - 2025 và các năm tiếp theo.

Phương án 2, đề nghị Chính phủ bố trí nguồn vốn ODA để thực hiện đầu tư 2 tuyến đường sắt đô thị số 2 (đoạn Trần Hưng Đạo đến Thượng Đình) và số 3 (đoạn ga Hà Nội đến Yên Sở, Hoàng Mai).

Theo UBND TP Hà Nội, hiện Chính phủ Nhật Bản, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và một số nhà tài trợ khác đang quan tâm và mong muốn tài trợ vốn cho 2 dự án này. Trường hợp được bố trí nguồn vốn ODA, Hà Nội cam kết bố trí vốn đối ứng để thực hiện dự án.

Các dự án còn lại, Hà Nội sẽ đầu tư theo hình thức hợp tác công - tư (PPP), triển khai đầu tư giai đoạn đến năm 2030 và sau năm 2030. Các doanh nghiệp được chọn sẽ tự bỏ vốn để chi cho việc lập hồ sơ nghiên cứu tiền khả thi, khả thi, thuê tư vấn lập hồ sơ dự án, thực hiện GPMB, đào và xây dựng đường hầm, nhà ga, xây dựng các tuyến đường trên cao, depot và đường ray.

TP Hà Nội đầu tư toàn bộ các hạng mục còn lại như đầu máy, toa xe, thiết bị vận hành, thực hiện việc quản lý vận hành, khai thác theo một chương trình thống nhất trên toàn hệ thống của cả thành phố.

UBND TP Hà Nội cho biết, hiện đã có 5 nhà đầu tư trong nước và 2 nhà đầu tư nước ngoài đăng ký đầu tư gồm: Tập đoàn Vingroup, Tập đoàn Xuân Thành, Công ty CP Lũng Lô 5 và Công ty Mosmetrostroy (Nga), Công ty TNHH Tân Hoàng Minh, Liên danh Licogi và Công ty TNHH Tập đoàn MIK Group Việt Nam, Tập đoàn Lotte Hàn Quốc.

Hà Nội đề xuất Chính phủ thực hiện theo phương án 2 với các dự án đường sắt đô thị chưa bố trí được nguồn vốn.

L. Tươi

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.