Hồ sơ tài liệu

Giải mã chính sách châu Á của Tổng thống Mỹ Donald Trump

30/06/2017, 11:41

Những đường nét chính trong chính sách ở khu vực châu Á, đặc biệt là với Trung Quốc và khu vực Biển Đông.

25

Chính sách của chính quyền Tổng thống Trump về vấn đề biển Đông tiếp nối chính sách của người tiền nhiệm nhưng nhấn mạnh khía cạnh quân sự

Những đường nét chính trong chính sách ở khu vực châu Á, đặc biệt là với Trung Quốc và khu vực biển Đông của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã được phân tích cụ thể trong bài viết của ông Mark J. Valencia, một học giả cấp cao tại Viện Nghiên cứu biển Đông tại Hải Khẩu, Trung Quốc, được đăng tải trên tờ Japan Times cuối tháng 6 này.

Tiếp nối chính sách Obama, nhấn mạnh khía cạnh quân sự

Ban đầu, chính quyền Tổng thống Trump có thái độ khá gay gắt trong chỉ trích các vấn đề liên quan tới Trung Quốc nói chung và trong hành động của Trung Quốc trên biển Đông nói riêng. Tuy nhiên, gần đây, chính quyền ông Trump dường như bắt đầu giữ lập trường khá khiêm tốn. Thực chất, chính sách đó có chút quen thuộc. Nó là sự tiếp nối sách lược của chính quyền tiền nhiệm Barack Obama nhưng có vẻ nhấn mạnh hơn về yếu tố quân sự. 

Các hoạt động đảm bảo tự do hàng hải của quân đội Mỹ (FONOPs) trên biển Đông được coi là chỉ số để đong đếm sự quyết tâm trong giải quyết vấn đề biển Đông của Mỹ. Đến nay, Mỹ đã thực hiện ít nhất 6 hoạt động tự do hàng hải trên biển Đông, thách thức các tuyên bố chủ quyền (phi lý, phi pháp) của Trung Quốc dưới thời Tổng thống Mỹ Barack Obama. 

Tháng 5 vừa rồi, chính quyền của ông Trump cũng thực hiện hoạt động FONOP đầu tiên trên biển Đông. Tàu khu trục mang tên lửa USS Dewey đã tiến hành huấn luyện bên trong phạm vi 12 hải lý xung quanh bãi Vành Khăn mà Trung Quốc xây đảo nhân tạo (bất hợp pháp) trên biển Đông.

Bộ Quốc phòng Mỹ sau đó cũng tuyên bố rằng hải quân của họ sẽ tiếp tục thực hiện các hoạt động tuần tra tự do hàng hải khu vực ở cấp độ mạnh mẽ hơn nữa, mặc dù chúng không nhất thiết có chủ ý muốn thách thức toàn diện với Trung Quốc. Lầu Năm Góc nhấn mạnh, tần suất và mức độ công khai các hoạt động này trong tương lai phụ thuộc vào tình hình thực tế ở biển Đông.

“Hãy thoả thuận!”

Ngoài ra, học giả Mark J. Valencia cho rằng, trước hoạt động FONOP đầu tiên, chính quyền Tổng thống Trump đã bác bỏ 3 yêu cầu từ Bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ (PACOM) để thực hiện các hoạt động FONOP mới trước những tuyên bố đòi chủ quyền của Trung Quốc trên biển Đông.

Theo học giả Valencia, có nhiều dấu hiệu cho thấy, Tổng thống Trump đang thực hiện cách tiếp cận kiểu “hãy thoả thuận” trong chính sách nước ngoài khi rút lại những hành động và chỉ trích nhắm vào Trung Quốc trên bình diện chung và trong vấn đề biển Đông nói riêng, để đổi lại sự hỗ trợ của Trung Quốc trong việc ngăn chặn vũ khí hạt nhân, chương trình phát triển tên lửa của Triều Tiên.

Cách tiếp cận đó chính là nền tảng cho những hoạt động và phát ngôn của Mỹ gần đây. Trong bài phát biểu tại Diễn đàn Shangri-La vào đầu tháng 6, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã cân bằng giữa việc khen ngợi Trung Quốc vì giúp đỡ Triều Tiên và chỉ trích “các hoạt động quân sự của Trung Quốc trên các đảo đá nhân tạo”, “gia tăng tuyên bố chủ quyền hàng hải trái với luật pháp quốc tế”. 

Tuy nhiên, giọng điệu của ông có vẻ gay gắt hơn khi nhấn mạnh rằng: Mỹ “không thể và sẽ không bao giờ chấp nhận những sự thay đổi cưỡng ép đơn phương đối với hiện trạng trên biển Đông”. 

103666044-RTX2AQXH.530x298

Tổng thống Mỹ Donald Trump

Ông Mattis cũng vạch ra chính sách kết hợp vừa hỗ trợ vừa phải chứng minh “luật pháp quốc tế” khi cần thiết; thúc đẩy khu vực kết nối sâu rộng hơn về các vấn đề an ninh; tăng cường khả năng quân sự của Mỹ trong khu vực; tăng cường quan hệ quốc phòng của Mỹ với các đối tác sẵn sàng và các liên minh, bao gồm các hoạt động huấn luyện và bán vũ khí. Về cơ bản, cách tiếp cận này tương tự như dưới thời Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carton tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. 

Nhưng thời gian gần đây, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Rex Tillerson bày tỏ quan điểm mạnh mẽ hơn khi nói trước Quốc hội hôm 14/6 rằng, ông cảnh báo Trung Quốc với chính sách ngoại giao hiện tại của họ đang “đẩy Mỹ - Trung vào tình cảnh dễ xung đột” nếu mâu thuẫn không được giải quyết một cách hợp tình hợp lý. 

Người đứng trước “đầu ngọn giáo”

Tuy nhiên, chuyên gia Valencia cho rằng, vì Tổng thống Donald Trump, Bộ trưởng Quốc phòng Mattis, Ngoại trưởng Tillerson dường như quá bận tâm về các vấn đề khác cả trong nước và quốc tế nên Tư lệnh PACOM, Đô đốc Harry Harris gần như trở thành người “đứng đầu ngọn giáo” về cách tiếp cận chiến lược của Washington với Trung Quốc. Theo nhà phân tích an ninh Carl Thayer, ông Harris luôn bám sát đường lối truyền thống của Mỹ trong khu vực châu Á”. Ít nhất, ông là người chịu trách nhiệm việc thực thi chính sách. 

Nhiều nhà quan sát cho biết, một phần bài phát biểu tại Shangri-La của Bộ trưởng Quốc phòng Mattis chỉ trích các hành động chèn ép, cường quyền trên biển Đông đã phản ánh quan điểm của ông Harris, trong đó Mỹ cần giữ vị trí mạnh hơn nữa trên khu vực biển Đông.

Ông Harris từng nói: “Chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác ở những lĩnh vực mà chúng tôi có thể nhưng sẵn sàng đối đầu nếu chúng tôi cần phải làm vậy. Vì thế, chúng tôi tiếp tục tập trung vào xây dựng các mối quan hệ quan trọng, nhưng đồng thời vẫn đảm bảo rằng, Hoa Kỳ có đủ sức mạnh chiến đấu mạnh mẽ để thực hiện các cam kết về an ninh, qua đó củng cố sức mạnh cho ngoại giao Mỹ”. 

Nói tóm lại, chính sách về vấn đề biển Đông của chính quyền Tổng thống Donald Trump là tiếp nối chính sách dưới thời ông Obama nhưng nhấn mạnh hơn về khía cạnh quân sự. Tuy nhiên, nếu Trung Quốc không sẵn sàng hoặc giúp đỡ không thoả đáng về vấn đề Triều Tiên hoặc với các thoả thuận khác phía Mỹ đề xuất, yếu tố quân sự trong chính sách ngoại giao của Mỹ có lẽ trở thành yếu tố tiếp cận chính, thậm chí là duy nhất.

VIDEO XEM THÊM:

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.