Trong nước

Giải mã cơn sốt “không cần cúp” của U19 Việt Nam

19/02/2015, 09:20

Năm 2014 là một năm ghi dấu ấn đặc biệt của U19 Việt Nam và đặc biệt là của Công Phượng.

421
Tiền đạo Công Phượng

Năm 2014 là một năm ghi dấu ấn đặc biệt của U19 Việt Nam khi Công Phượng cùng đồng đội đã khiến người hâm mộ nức lòng với những màn trình diễn trên sân cỏ. Nhân dịp đầu xuân, Báo Giao thông lược ghi cuộc trao đổi với nhà báo, bình luận viên Đình Khải về những cái được và chưa được của U19 Việt Nam.

Đi lên từ căn bản

Trong năm 2014, U19 Việt Nam đã tham dự bốn giải đấu gồm: Cúp Tứ hùng, giải U22 Đông Nam Á, giải U19 Đông Nam Á và giải U19 châu Á. Qua mỗi giải đấu, người hâm mộ đều thấy U19 Việt Nam có những sự trưởng thành vượt bậc cả về kỹ, chiến thuật lẫn bản lĩnh thi đấu. Theo bình luận viên Đình Khải, U19 Việt Nam có hai cái được trong năm 2014.

“Thứ nhất là tư tưởng. Bóng đá là trò chơi nhưng khi vào sân thì máu ăn thua chắc chắn rất lớn. Từ đó dẫn đến những tình huống triệt hạ nhau, phạm lỗi, ăn thua. Tuy nhiên, xuyên suốt những giải đấu trong năm 2014, chúng ta đều thấy U19 Việt Nam đá hay, đá đẹp, đá cống hiến và không có những hành động phi thể thao. Từ đó tạo nên tình yêu nơi người hâm mộ. Đừng hỏi tại sao chẳng có chiếc cúp nào được trao nhưng U19 Việt Nam vẫn tạo nên được những cơn sốt. Thậm chí, có những lúc U19 còn làm lu mờ cả ĐTVN lẫn ĐT U23 Việt Nam trong lòng người hâm mộ.

Bản lĩnh thi đấu của U19 Việt Nam cũng rất đáng khen. Chúng ta thấy U19 Việt Nam không hề e ngại đối thủ nào. Tất nhiên, không e ngại không phải là ra sân đá theo kiểu “mày sống tao chết” mà là sẵn sàng dùng trình độ để vượt qua đối thủ. Việc thắng thua thì còn phụ thuộc vào đẳng cấp của những đối thủ nữa. U19 Việt Nam dám đá sòng phẳng, không sợ hãi với những đội bóng hàng đầu châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc là điều tôi đánh giá rất cao.

"Cách làm của bầu Đức là đúng nhưng cũng phải thừa nhận nó rất tốn kém. Nuôi cả một lứa cầu thủ từ khi 8,9 tuổi đến lúc trưởng thành sẽ mất rất nhiều chi phí. Nếu không có được tiềm lực tài chính dồi dào, sẽ rất khó để thực hiện. Ở Việt Nam, ngoài bầu Đức chắc không ai có thể làm theo cách của ông ấy”.

Bình luận viên Đình Khải

Cái được thứ hai của U19 Việt Nam là về chuyên môn. Qua mỗi trận đấu, các cầu thủ đều cho thấy sự tiến bộ rõ rệt về kỹ thuật cá nhân, khả năng phối hợp nhóm, bật tường. Ngoài ra, có một điểm trong lối chơi của U19 Việt Nam rất đáng mừng là những pha sút xa. Nếu không có kỹ thuật nền tảng tốt, tâm lý vững tôi tin chắc không thể thực hiện được”, bình luận viên Đình Khải chia sẻ.

Trong khi đó, theo đánh giá của bình luận viên Đình Khải, nguyên nhân giúp U19 Việt Nam có được sự thành công nhất định trong lối chơi chính là nhờ các cầu thủ được đào tạo bài bản, chú trọng sự toàn diện. “Cái này thì quá rõ rồi, U19 Việt Nam gồm chủ yếu trưởng thành từ lò HAGL cộng với một số cái tên khác. Mà lò HAGL đào tạo bóng đá trẻ như thế nào? Họ có một quy trình rất bài bản. Bầu Đức cho người đi khắp cả nước tuyển chọn kỹ càng từ những cậu bé 8,9 tuổi đưa về để đào tạo.

Đào tạo ở đây cũng phải nói thêm là họ không hề vội vàng. Ban đầu các cháu chỉ đá bóng bằng chân đất để rèn kỹ năng rồi mới đi vào chiến thuật. Chính vì thế, các cầu thủ như Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh có căn bản rất tốt. Cùng với đó là rèn nhân cách và rèn cả học vấn. Như đợt vừa rồi có những cầu thủ U19 đã thi đỗ vào đại học chứng tỏ HAGL rất chú trọng tới sự cân bằng trong công tác huấn luyện cầu thủ trẻ. Cũng phải kể đến vai trò của HLV Greachen. Ông đã thể hiện được cái tâm khi tận tình chỉ bảo các cầu thủ từ khi còn là những cậu bé cho đến khi họ đủ khả năng ra sân thi đấu. Sự tỉ mỉ, kỷ luật và cầu toàn của một người Pháp cũng có tác động không nhỏ tới sự phát triển của lứa U19 HAGL”.

Về vai trò của HLV Greachen, có ý kiến nhận xét nhà cầm quân này chỉ phù hợp với vai trò đào tạo trẻ còn việc dẫn dắt đội bóng thi đấu đỉnh cao có vẻ như là nhiệm vụ quá sức. Tuy nhiên, bình luận viên Đình Khải lại có cái nhìn ngược lại. “Tôi không đồng ý, nhận xét này hơi vội vàng. Ở những giải đấu mà U19 Việt Nam tham gia, đội bóng đã có nhiều tiến bộ. Thậm chí, tại giải U21 Báo Thanh niên, U19 HAGL còn xuất sắc đoạt ngôi Vô địch sau khi đánh bại U21 Thái Lan. Năng lực của một nhà cầm quân thể hiện ở chính những gì học trò làm được trên sân và rõ ràng xét ở khía cạnh này ông Greachen là một HLV có tài. Chúng ta cần thêm thời gian để kiểm chứng”.

Khó học bầu Đức

Việc U19 Việt Nam nói chung và U19 HAGL nói riêng có được những bước tiến vượt bậc đã chứng minh cách làm của bầu Đức với bóng đá trẻ. Dẫu vậy, trong hoàn cảnh kinh tế hiện tại, không nhiều đội bóng có thể học tập theo mô hình của HAGL. “Cách làm của bầu Đức hiệu quả nhưng cũng phải thừa nhận nó rất tốn kém. Nuôi cả một lứa cầu thủ từ khi 8,9 tuổi đến lúc trưởng thành sẽ mất rất nhiều chi phí. Nếu không có được tiềm lực tài chính dồi dào, sẽ rất khó để thực hiện. Ở Việt Nam, ít người có thể làm theo cách của ông ấy”.

“Theo tôi, thay vì học theo bầu Đức, với hoàn cảnh hiện tại, các đội bóng, các địa phương nên tận dụng những phương án không mất nhiều chi phí. Cụ thể là nên khuyến khích phát triển bóng đá học đường và bóng đá phong trào. Thử tính xem cả nước chúng ta có bao nhiêu học sinh, nếu “so bó đũa chọn cột cờ” tôi không tin là không tìm ra được những cá nhân nổi bật để tuyển chọn vào các lớp năng khiếu. TP HCM từng muốn áp dụng bóng đá học đường nhưng chưa thành công và từ đó cũng không địa phương nào thực hiện.

Bóng đá phong trào cũng vậy, tôi được biết có nhiều giải “bóng đá phủi” chất lượng chuyên môn rất khá, cầu thủ kỹ thuật tốt nhưng vì sao họ chưa được những nhà làm bóng đá chú ý. Vì các đội bóng chỉ chăm chăm rình xem các đối thủ có ngôi sao nào xuất sắc là vung tiền mua về. Cái này có thể đáp ứng được nhu cầu thành tích trước mắt nhưng về lâu dài không phải là cách hay và làm mất đi bản sắc của địa phương”, bình luận viên Đình Khải gợi ý về cách làm bóng đá trẻ.

Khi được hỏi về việc VFF và bầu Đức định hướng cho lứa U19 hiện tại tham dự vòng loại World Cup 2022, bình luận viên Đình Khải cho biết ông hoàn toàn ủng hộ. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng tất cả mọi thứ phải dựa trên kế hoạch cụ thể, thực tế chứ không thể nào chỉ nói mồm. “Trước hết, tôi phải khẳng định mình rất ủng hộ chủ trương này. Con người sống là phải có ước mơ. Tuy nhiên, ước mơ phải có kế hoạch cụ thể để thực hiện chứ không phải là “mơ rồi để đấy”. Anh tham vọng World Cup 2022 tức là còn 8 năm chuẩn bị. Anh phải có kế hoạch cụ thể tuyển chọn quân như thế nào, tập luyện ra sao”.

Còn việc VFF và bầu Đức muốn dựa vào những Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh, bình luận viên Đình Khải cho là chưa hợp lý. Đây chỉ là một nhóm cầu thủ của một CLB chứ không phải tinh hoa của cả một nền bóng đá. Hơn nữa, ai biết vài năm nữa Công Phượng hay Tuấn Anh sẽ phát triển hay tụt lùi. Giả sử hiện tại đã là ngưỡng của những cầu thủ này thì tương lai đâu thể yêu cầu họ tiến bộ. Đó là chưa kể đến vấn đề chấn thương. Vậy nên, với mục tiêu World Cup 2022, tôi nghĩ cả nền bóng đá phải vào cuộc. “Có thể lấy những cầu thủ giỏi của lứa U19 hiện tại làm nòng cốt, đồng thời tuyển chọn thêm những cầu thủ giỏi ở những CLB, những địa phương khác nữa, rồi rèn luyện cho các em cùng trưởng thành, thì mới hy vọng có được một đội tuyển giỏi”, bình luận viên Đình Khải đề xuất. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.