Công nghệ

Giải mã đường hầm dài và sâu nhất thế giới

24/06/2016, 11:44

Đầu tháng 6, Thụy Sĩ khánh thành đường hầm tàu hỏa dài và sâu nhất thế giới Gotthard xuyên dãy núi Alps.

3 About 700 people were working in the tunnel at o

Đường hầm tàu hỏa Gotthard xuyên dãy núi Alps dài nhất thế giới (57,104 km)

Đầu tháng 6, Thụy Sĩ khánh thành đường hầm tàu hỏa dài và sâu nhất thế giới Gotthard xuyên dãy núi Alps. Đường hầm này không chỉ là niềm tự hào của Thụy Sĩ mà còn là biểu tượng của sự độc lập và thống nhất châu Âu.

Cách mạng giao thông vận tải châu Âu

Lễ khánh thành được tổ chức ngày 1/6 với sự tham gia của nguyên thủ 4 cường quốc châu Âu gồm: Tổng thống Pháp Francois Hollande, Thủ tướng Đức Angela Merkel, Thủ tướng Italia Matteo Renzi, Tổng thống Thụy Sĩ Johann Schneider-Ammann... cùng 1.100 khách mời và thu hút hơn 300 nhà báo quốc tế. Quy mô lễ khánh thành đã cho thấy tầm quan trọng và ý nghĩa của đường hầm này đối với Thụy Sĩ nói riêng và khu vực châu Âu nói chung. Dự kiến, đường hầm trị giá gần 12 tỉ USD sẽ được đưa vào khai thác thương mại vào ngày 11/12/2016.

Mặc dù đường hầm được xây dựng hoàn toàn bằng tiền người dân Thụy Sĩ nhưng nó lại kết nối tới khắp các TP lớn châu Âu, là “cú hích” giúp cắt ngắn đường đi xuyên núi Apls. Thụy Sĩ khẳng định, đường hầm này là cuộc cách mạng đi lại. Với hạ tầng hiện đại, các chuyến tàu khách qua hầm có thể đạt vận tốc lên tới 250 km/h (tương đương tàu cao tốc TGV của Pháp); còn tàu hàng có thể đạt tới 160km/h.

Từ đường hầm này, thời gian đi từ TP Zurich (Thụy Sĩ) đến Milan (Italia) sẽ chỉ còn 60 phút so với 150 phút; đi từ Hamburg (Đức) đến Rome còn 14,5 giờ, thay vì 17,5 giờ. Ước tính, đường hầm Gotthard phục vụ trung bình 6,5 triệu lượt khách/năm, với 50 - 80 tàu chở khách mỗi ngày qua hầm. Tàu chở hàng qua đường hầm Gotthard sẽ thay thế hàng triệu chuyến xe tải chở hàng qua khu vực này. Dự kiến, hàng hóa ước đạt 49 triệu tấn/năm với khoảng 220 - 260 chuyến tàu hàng/ngày.

Trước khi có đường hầm, người ta phải sử dụng những con đường núi ngoằn ngoèo vô cùng nguy hiểm. Năm 1882, Thụy Sĩ khánh thành đường hầm dài 15km nhưng do địa hình quá hiểm trở nên số lượng hành khách và hàng hóa chuyên chở qua phương thức này rất hạn chế. Vì vậy, Thụy Sĩ quyết tâm thực hiện dự án này. Kỹ sư người Thụy Sĩ Carl Eduard Gruner đã phác thảo thiết kế thô đường hầm Gotthard lần đầu tiên vào năm 1947. Song vì chi phí, kế hoạch bị đẩy lùi mãi tới năm 1999. Mất 17 năm với tổng chi phí 16,78 tỉ USD, đường hầm kỷ lục Guiness đã được hoàn thành trước thời hạn 1 năm.

Xây dựng chuẩn xác đúng chất Thụy Sĩ

Đường hầm Gotthard còn minh chứng cho đặc tính - chính xác và sáng tạo kỹ thuật của “đất nước đồng hồ”. Đường hầm này được xây dựng trong điều kiện tự nhiên và địa hình vô cùng khắc nghiệt song vẫn hoàn thành trước hạn 1 năm không bị đội vốn. Khoảng 2.600 công nhân (đều là người nước ngoài), chia thành 3 ca làm việc để hoàn thiện hầm đúng hạn.

Khác với những đường hầm khác, nhiệt độ ở đây luôn hầm hập hơn 400C. Đây chính là thử thách đầu tiên đối với đội ngũ kỹ sư. Trong quá trình xây dựng, các kỹ sư châu Âu phải đối phó với 73 loại đá khác nhau, kể cả những loại cứng như đá granite. Họ phải cho nổ và dùng tới những mũi khoan đặc biệt, “khổng lồ” mới có thể phá tan những loại đá cứng, đào sâu vào trong núi. Đội kỹ sư mất nhiều năm liền mới có thể đào và loại bỏ hơn 28 triệu tấn đất đá.

Sách kỷ lục Guiness công nhận đây là đường hầm tàu hỏa dài nhất thế giới (57,104 km) và kỷ lục về độ sâu trong lòng núi (2,3 km), bỏ xa kỷ lục đứng thứ hai, đường hầm Seikan của Nhật Bản dài 53,85 km, sâu 240m.

Nhưng không phải toàn bộ đá đều bị bỏ đi. Các kỹ sư đã “tái chế” một số loại đá và đưa vào bên trong núi đóng vai trò như bê tông; một số loại đá được dùng để cải tạo địa hình núi; một phần đá được chuyển sang tạo ba hòn đảo nhân tạo tại hồ Uri, thuộc bang Uri. Đây là nơi sở hữu cảnh đẹp mê hồn với các ngọn núi phủ tuyết trắng xóa và lòng hồ trong xanh, phẳng lặng nằm trên núi cao.

Về công tác đảm bảo an toàn của đường hầm, trước khi thực hiện chuyến đi thử đầu tiên vào ngày khánh thành, đơn vị thi công đã thử nghiệm trước đó hàng trăm lần để đảm bảo an toàn. Trong trường hợp khẩn cấp, hai nhà ga dọc tuyến đường hầm cho phép tàu chạy vượt từ đường hầm này sang đường hầm khác. Nếu xảy ra cháy nổ, tai nạn khẩn cấp, phương tiện cứu hộ lập tức được huy động chỉ trong vòng 5 phút từ phía Bắc-Nam của đường hầm.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.