Âm nhạc

Giải mã hiện tượng nhạc chế “lên ngôi”

20/02/2020, 06:34

Hầu hết các video nhạc chế hiện nay được đầu tư khá bài bản, không chỉ đơn giản là những bản nhạc chế lời như trước đây.

img
Nhiều video nhạc chế sở hữu hàng triệu tới chục triệu lượt xem

Nhạc chế thực tế đã có từ lâu nhưng thời gian qua đã trở thành “hiện tượng” khi nhiều sản phẩm liên tiếp lọt top thịnh hành trên Youtube. Thậm chí, có những sản phẩm còn cạnh tranh thứ hạng cùng các MV ca nhạc chính thống.

Hàng triệu tới trăm triệu lượt xem

Từ khi Youtube trở nên phổ cập và trở thành địa chỉ giải trí của đông đảo người dùng, từ nghe nhạc, xem phim…; xu hướng làm sản phẩm video nhạc chế cũng ngày càng phát triển.

Theo thống kê của Youtube Rewind 2019, trong Top 10 video được xem nhiều nhất tại Việt Nam, đã có tới 3 video về nhạc chế, bao gồm “Những chị đại học đường” (Hậu Hoàng), “Sau sáu rưỡi” (Trung Ruồi) và “Để Mị nói cho mà nghe Parody” (BB Trần). Trong đó, “Những chị đại học đường” của “nữ hoàng nhạc chế” Hậu Hoàng dẫn đầu với hơn 120 triệu lượt xem, kể từ khi chính thức đăng tải vào tháng 3/2019.

Các sản phẩm như “Đại ca đón Tết” (Đỗ Duy Nam - Trung Ruồi) với hơn 6,3 triệu lượt xem, “Nhìn lại 2019” (Hậu Hoàng) thu hút 37 triệu lượt xem sau 3 tuần đăng tải… Đó là những con số mà nhiều người làm âm nhạc chính thống mơ ước có được cho MV của mình.

Dễ thấy, hầu hết các video nhạc chế hiện nay được đầu tư khá bài bản, không chỉ đơn giản là những bản nhạc chế lời như trước đây. Các clip được lên nội dung, có kịch bản cụ thể và lời bài hát được chế lại trên nền nhạc có sẵn. Điểm qua những Youtuber làm nhạc chế “sừng sỏ” hiện nay có thể kể tới những cái tên như: Hậu Hoàng, Thiên An, Di Di, Đỗ Duy Nam, Trung Ruồi… Mỗi người một phong cách khác nhau nhưng hầu hết đều hướng tới khán giả trẻ hoặc trẻ em.

Từ ngữ trong các bản nhạc chế thường đơn giản, mang tính đời sống và dễ tiếp nhận, gần gũi với cuộc sống. Bởi thế, các video nhạc chế có tính giải trí cao, hài hước, vui vẻ và đôi khi có cả sự châm biếm. Đây cũng là điểm cốt lõi để các video nhạc chế dễ mang về lượt xem cao và thậm chí lượt xem có thể cạnh tranh trực tiếp cùng các sản phẩm âm nhạc để lên Top trending (thịnh hành).

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung nhận định, nhạc chế vui, mang lại sự bất ngờ và tiếng cười, nhưng đôi khi, đó là tiếng cười dễ dãi và xàm. Anh cho rằng, khán giả thích nhạc chế thường là những người trẻ, ham vui… Đặc biệt, họ là những người có nhiều thời gian để xem nên các sản phẩm nhạc chế dễ dàng có lượt xem cao, lọt Top trending. Còn những người có chuyên môn và gu thưởng thức âm nhạc không ca tụng thể loại nhạc này.

Biến tướng và dễ vi phạm bản quyền

Những người làm Youtube để kiếm tiền, trục lợi thường bất chấp các giá trị đạo đức để làm những video có nhiều lượt xem. Điều đó thuộc về phạm trù văn hóa và đạo đức, mục đích của người làm sản phẩm.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung


Là một trong những người đi đầu của trào lưu làm nhạc chế có đầu tư, Trung Ruồi cho biết anh chỉ tập trung làm hình ảnh và câu chuyện trong clip, lời chế là lời thoại của nhân vật và có những sự tinh tế, mang giá trị nhân văn. Tuy nhiên, Trung Ruồi cũng thừa nhận nhạc chế hiện nay bắt đầu bước sang thời điểm thoái trào và biến tướng. Quá nhiều người làm nên các lời nhạc chế bắt đầu nghiêng theo thị hiếu của khán giả. Không ít bài nhạc chế vô nghĩa hoặc có lời lẽ không phù hợp với văn hóa.

Điều này cũng dễ hiểu bởi nhạc chế phát triển đi đôi với sự cạnh tranh gay gắt về lượt xem mà ở đó, có cả những sản phẩm chất lượng, nhưng cũng tồn tại không ít video gây phản cảm.

Trong video “Tuyển tập nhạc chế Trai ngoan” có nhiều lời chế khá thô thiển và gây liên tưởng như “Này chủ quán ơi, con nhà ai mà xinh thế này… Mày thấy “ngon” không?/Dạ vâng thì trông cũng ngọt/Nhìn giống Tr** Anh bọn em vừa xem tối qua/9 phút link đây này”. Hay bài hát “Tiếng chày trên sóc Bom Bo” lại bị chế lời thô thiển như “Hết tiền tiêu người yêu anh cũng bán/ Bán năm trăm để lấy tiền tiêu tiền tiêu xong lại nhớ đến người yêu…”.

Đặc biệt, vấn đề bản quyền cũng cần được nói đến với các sản phẩm nhạc chế. Hàng nghìn bản nhạc chế tràn lan trên mạng xã hội nhưng không phải bài hát nào cũng đã được xin phép chủ nhân của bản gốc.

Chính ca sĩ Tuấn Hưng từng “dằn mặt” Hoa Vinh vì chế lời bài hát “Độc thoại” mà không xin phép. Điểm qua các video nhạc chế, chỉ có một số ê-kíp chú thích bài hát gốc và tác giả bản nhạc gốc.

Theo Trung Ruồi, trước khi làm một sản phẩm nhạc chế, anh thường gọi điện cho tác giả bài hát gốc, ca sĩ, hoặc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam để xin phép và đóng tiền tác quyền đầy đủ. Thế nhưng, việc xin bản quyền để chế lời không phải lúc nào cũng suôn sẻ vì có nhiều tác giả không muốn bài hát của mình bị chế lại hoặc sợ lời chế không xứng với bài gốc. Youtube hiện đã siết chặt bản quyền nên những video chế lời không xin phép thường không thể bật chức năng kiếm tiền, hoặc nặng hơn là bị khóa kênh.

Nói về điều này, luật sư Nguyễn Đăng Thái (Hãng luật IMC - Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho hay, nhạc chế là một hình thức làm tác phẩm phái sinh. Do vậy, người chế nhạc phải xin phép và được sự đồng ý của tác giả mới được sử dụng tác phẩm để chế lời. Việc chế nhạc đã có hoạt động sửa đổi nội dung (xâm phạm quyền được bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm gốc) và trình diễn (biểu diễn) trước công chúng (cộng đồng mạng). Do đó, nếu không có sự đồng ý của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả thì các sản phẩm nhạc chế dù không bật chức năng kiếm tiền vẫn bị coi là xâm phạm quyền tác giả, có thể bị phạt từ 5 - 10 triệu đồng.

Ngoài ra, trước bất cập việc nhiều bản nhạc chế có lời lẽ dung tục, không phù hợp văn hóa vẫn được đăng tải trên mạng xã hội, luật sư Thái cho rằng Nhà nước cần phải nghiên cứu sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh trực tiếp hoạt động cung cấp, sử dụng thông tin trên mạng Internet nói chung và mạng xã hội nói riêng, đặc biệt là các trang mạng nước ngoài như Facebook, Youtube. Đồng thời, phải tăng cường các biện pháp quản lý, kiểm duyệt nội dung, xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội dành cho các nhà cung cấp dịch vụ và người sử dụng mạng xã hội.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.