Vận tải

Giải mã sức hút của “xe ôm công nghệ”

08/05/2017, 09:15
image

Dù mới hiện diện, loại hình “xe ôm công nghệ” - GrabBike đã nhanh chóng thu hút người tham gia và sử dụng.

14

Tài xế xe ôm truyền thống vây quanh một tài xế GrabBike dọa giết (chụp tại bến xe An Sương cuối năm 2016) - Ảnh: Trần Triều

Nhờ tạo được niềm tin, công việc ổn định với thu nhập cao, môi trường làm việc an toàn… nên dù mới hiện diện, loại hình “xe ôm công nghệ” - GrabBike đã nhanh chóng tập hợp được đông đảo đội ngũ tài xế tham gia. Hiện nay, chỉ tính riêng trên địa bàn TP HCM, mỗi ngày có khoảng 7.000 xe ôm GrabBike lăn bánh.

Kỳ 1: Cựu xe ôm áo xanh kể chuyện mưu sinh

Vốn “xuất thân” từ xe ôm truyền thống, những nẻo đường mưu sinh của các tài xế già mỗi người, mỗi cảnh nhưng đều từng trải qua những ngày tháng đầy khó khăn, cực nhọc với thu nhập bấp bênh. Nhiều người trong số họ thậm chí gặp hiểm nguy khi phải tranh giành khách, cãi lộn,… để kiếm miếng cơm, manh áo cho bản thân và vợ con. Thế nhưng sau khi gia nhập “xe ôm công nghệ”, họ đã tìm thấy niềm vui, nguồn sống mới.

Sáng cà phê, chiều nhậu chung vẫn đánh lộn như thường

Ngày 4/5, trong vai hành khách, chúng tôi được những bác tài GrabBike chở đi “thăm quan” một vòng thành phố. Điểm xuất phát từ bến xe Miền Đông, chúng tôi chạy về sân bay Tân Sơn Nhất, qua bến xe An Sương, đến bến xe Miền Tây rồi về quận 3, quận 1… Trên khắp các tuyến đường, đâu đâu chúng tôi cũng gặp xe ôm màu xanh. Tại những bến xe, sân bay, lượng phương tiện GrabBike tập trung nhiều hơn. Đa số là người trẻ nhưng cũng không hiếm các bác tài tuổi đời U40 - U50 vẫn hứng thú và cần mẫn hành nghề “xe ôm công nghệ”.

Trao đổi với PV, anh Nguyễn Quốc Khương (SN 1974, ngụ quận 3, TP.HCM - một tài xế GrabBike - người chở tôi) cho biết, anh từng làm xe ôm truyền thống từ năm 2002, hoạt động ở Bệnh viện Hòa Hảo (quận 10). Để được hành nghề, anh Khương phải bỏ tiền mua bến bãi, hàng tháng đóng tiền “bảo kê” cho “đại ca”…

“Dù buổi sáng, anh em thường uống cà phê với nhau, chiều lại nhậu chung, nhưng khi vào tranh giành cuốc xe thì gay cấn lắm. Lâu lâu trong nhóm lại xảy ra đánh lộn. Không ít lần chúng tôi cầm gậy phang nhau, rượt nhau chạy lòng vòng vì tranh giành khách. Tài đầu bị ế, tài sau có khách cũng dễ choảng nhau. Hạ giá để “cướp” khách là cũng có “chuyện”. Ganh nhau, hai cánh xe ôm ở cổng A và B của bệnh viện sẵn sàng chửi bậy, lao vào ẩu đả”, anh Khương nhớ lại.

Không chỉ phải đối mặt với nạn “bảo kê”, xô xát trong khi tranh giành khách, các bác tài xe ôm truyền thống còn thường trực nỗi lo về những rủi ro, tai nạn trên đường. Nhiều bác tài cho hay, làm quần quật cả ngày cũng chỉ lo đủ cơm áo sống qua ngày, nếu chẳng may xảy ra TNGT, hoặc bị kẻ xấu hành hung gây thương tật thì chẳng có ai chia sẻ, bản thân và gia đình đành tự gánh chịu mà thôi...  

Cựu xe ôm truyền thống Khương cũng cho hay, ngày ấy anh chưa có vợ con, nhưng dù có chạy xe suốt ngày cũng không đủ tiền tiêu sài cho bản thân. Nhiều khi xe hỏng phải vay tiền bạn bè để sửa. Khổ nhất là từ năm 2004, khi anh lập gia đình rồi sinh con, gánh nặng cơm áo càng đè nặng. Anh chăm chỉ chở khách cả ngày lẫn đêm, vợ phụ bán cà phê nhưng cảnh thiếu đói vẫn đeo bám gia đình suốt nhiều năm.

Ông Nguyễn Thanh Hải (SN 1965, ngụ quận Bình Tân) cũng có thâm niên hơn 10 năm hành nghề tài xế xe ôm truyền thống. Ông Hải cho biết, năm 2003 ông gia nhập đội xe ôm tại sân bay Tân Sơn Nhất. Dù đã nộp đủ tiền bảo kê hàng tháng nhưng thỉnh thoảng, ông vẫn bị đồng nghiệp cho “ăn” đá đít, tạt tai khi bắt khách.

“Tôi nhỏ con nên không địch lại được mấy người cao to. Nhiều khi, gặp phải ngày ít khách, mình kiếm được cuốc xe thì họ gây chuyện. Không ít lần, mặt mày tôi bầm dập, toàn thân rã rời vì tranh nhau cuốc xe chỉ 10 nghìn đồng. Nhưng mình không thể nghỉ ngày nào bởi tôi còn phải lo cho hai con ăn học, vợ đau bệnh thường xuyên”, ông Hải kể.

Canh cánh nỗi lo mất an toàn

Tài xế GrabBike Trần Văn Nhơn (SN 1969, quê Bạc Liêu, ngụ quận 12) kể, một đêm tháng 5/2006, lúc đó khoảng 23h, khi ông đang đậu xe ở gầm cầu vượt Tân Thới Hiệp thì có một thanh niên khoảng 25 tuổi đến nhờ chở đi Dĩ An (Bình Dương). Nhìn mặt cậu thanh niên rất dữ tợn, kinh nghiệm mách bảo ông điều chẳng lành, nhưng vì khách đã yêu cầu nên phải chở. Xe chạy đến Ngã tư Ga, thanh niên này nói ông Nhơn ghé vào nhà người bạn ở gần Đình thần Giao Khẩu có chút việc.

“Đường vào đó khi ấy khá vắng vẻ, tôi nhắc mình phải thật cảnh giác. Khi đến gần con mương nước ở cuối đường, thanh niên bảo tôi dừng xe để đi vệ sinh. Tôi về số 2, xe chưa dừng hẳn, hắn xuống xe là lập tức rút con dao nhọn nạt tôi bỏ lại xe. Tôi kịp rồ ga lao bạt mạng về phía có những nhà dân còn sáng đèn và hô hoán. Nhờ vậy, lần đó tôi thoát nạn”, ông Nhơn rùng mình nhớ lại.

Không may mắn như ông Nhơn, tài xế xe ôm truyền thống Nguyễn Hồng Sơn (SN 1968, ngụ tại xã Phú Xuân, huyện Nhà Bè) đã bị sát hại trên đường chở khách. Ông Nguyễn Vĩnh Xuân (cùng quê với nạn nhân) cho biết, đêm 2/4/2012, nhiều người dân tá hỏa phát hiện ông Sơn bị sát hại bên vệ đường tại ấp 3, xã Phú Xuân. Gần thi thể nạn nhân có khúc cây dài khoảng 1m. Chiếc xe máy là phương tiện ông Sơn chở khách hàng ngày cũng biến mất.

Sau khi khám nghiệm hiện trường, công an xác định đây là vụ án cướp của giết người. Là đồng nghiệp, lại trực tiếp có mặt ở hiện trường nên ông Xuân nhiều tháng ngày sau đó đã phải nghỉ chạy xe vì nỗi khiếp sợ. Hơn một năm sau, khi gia cảnh quá túng thiếu ông Xuân buộc phải theo nghề cũ và đến khi có loại hình GrabBike, ông Xuân tham gia ngay.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.