Thị trường

Giải ngân không đạt, Bộ trưởng Tài chính nói gì về vốn ODA?

26/06/2019, 17:36

Số liệu giải ngân vốn vay ODA thấp đã trở thành con số rất đáng báo động...

img
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng

Số liệu giải ngân vốn vay ODA đã trở thành con số rất đáng báo động và việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án sử dụng vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài trở thành vấn đề cấp bách.

Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến thúc đẩy giải ngân nguồn vốn ODA và vay ưu đãi nước ngoài năm 2019, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, để đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội; dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2019, một trong những nhiệm vụ cơ bản là giải ngân nhanh và giải ngân có hiệu quả nguồn vốn đầu tư công, bao gồm cả vốn vay ODA và vay ưu đãi nước ngoài đã được giao.

Tuy nhiên, theo số liệu của Bộ Tài chính, số giải ngân nguồn vốn ODA và vay ưu đãi từ năm 2016 đến nay đều không đạt dự toán.

Theo kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, vốn vay ODA và vay ưu đãi nước ngoài được điều chỉnh theo Nghị quyết của Quốc hội là 360.000 tỷ đồng.

Đến hết năm 2019, tổng số đã giao trong dự toán ngân sách nhà nước của giai đoạn 2016-2019 là 244.300 tỷ đồng, số còn lại chưa giao là 115.700 tỷ đồng, bằng 67,9% kế hoạch điều chỉnh của cả giai đoạn.

Về giải ngân, lũy kế từ năm 2016 đến tháng 5/2019 là 133.042 tỷ đồng, bằng 54,5% kế hoạch đã giao (giai đoạn 2016-2019) và bằng 36,96% kế hoạch trung hạn điều chỉnh giai đoạn 2016-2020 và nếu so với kế hoạch ban đầu là 300.000 tỷ đồng vốn ODA và vay ưu đãi nước ngoài, mới giải ngân đạt 46%.

Cụ thể, năm 2016, dự toán Quốc hội quy định là 50.000 tỷ đồng, giải ngân đạt 42.552 tỷ đồng, bằng 81,1% dự toán Quốc hội giao và bằng 88,5% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Năm 2017, dự toán Quốc hội giao là 74.034 tỷ đồng, giải ngân đạt 56.578 tỷ đồng, bằng 76,4% dự toán Quốc hội giao, bằng 78,4% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Năm 2018, dự toán Quốc hội giao là 60.226 tỷ đồng, giải ngân đạt 32.307 tỷ đồng, bằng 53,6% dự toán Quốc hội giao và bằng 59% kế hoạch Thủ tướng giao.

Năm 2019, dự toán Quốc hội giao là 60.000 tỷ đồng (đã giao là 47,5 nghìn tỷ đồng), giải ngân 5 tháng đầu năm đạt 1.605 tỷ đồng, bằng 2,7% dự toán Quốc hội giao và bằng 5,6% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Đến hết năm 2019, chưa giải ngân so với kế hoạch ban đầu là 300.000 tỷ đồng là còn 166.958 tỷ đồng. Theo kế hoạch điều chỉnh của Quốc hội là 360.000 của cả giai đoạn 2016-2020, thì số còn lại là 222.958 tỷ đồng.

Theo Bộ Tài chính, đây là một con số rất đáng báo động và việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân của các dự án sử dụng vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài trở thành vấn đề cấp bách.

Nói về nguyên nhân sự chậm trễ, ông Trương Hùng Long, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) cho rằng, một phần do kế hoạch đầu tư công trung hạn bố trí thiếu so với nhu cầu. Vị này tính toán, hiện có 26 khoản vay với tổng trị giá là hơn 3,4 tỷ USD ký mới từ năm 2016 đến nay, có nhu cầu giải ngân nhưng chưa được đưa vào Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.

Ông Trương Hùng Long, cũng chỉ ra, tới nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới giao kế hoạch bằng 48% kế hoạch vốn Quốc hội giao. Tình trạng này dẫn đến việc rất nhiều bộ, ngành địa phương không có nguồn vốn để giải ngân, trong khi nhu cầu thực hiện các dự án là rất cấp bách.

Vị này lấy ví dụ, có 1 số dự án đã hết thời hạn giải ngân nhưng vẫn được bố trí kế hoạch vốn như: Dự án Xây dựng Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội; Dự án Tăng cường hệ thống y tế tuyến tỉnh - tỉnh Thanh Hóa; Chương trình đào tạo nghề 2008 (Đức).

Để đề xuất các giải pháp khắc phục, nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho rằng, cần sự chung tay góp sức của các chủ dự án, các cơ quan chủ quản các bộ, ngành quản lý như Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng như các nhà tài trợ.

img

3 điều ngoài hệ thống pháp luật được Phó Thủ tướng “răn” doanh nghiệp

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.