Bóng đá

Giải Ngoại hạng châu Âu có thể "chết" từ trứng nước?

11/11/2020, 06:30

Có nhiều lý do để tin giải đấu European Super Cup khó đi vào thực tế như toan tính của các đội bóng lớn.

img
Chelsea và Bayern Munich sẽ đối đầu nhau thường xuyên nếu tham gia European Super League.
Ảnh: Reuters

European Super Cup (tạm dịch là Giải ngoại hạng châu Âu) đang manh nha hình thành, hứa hẹn là “con gà đẻ trứng vàng”. Tuy nhiên, có nhiều lý do để tin giải đấu này khó đi vào thực tế như toan tính của các đội bóng lớn.

Siêu giải đấu của các ông lớn

Hồi cuối tháng 10, trong bài phát biểu tuyên bố từ chức, cựu Chủ tịch Barcelona Josep Bartomeu đã tiết lộ thông tin đội bóng xứ Catalan đã nhận lời tham gia Giải Ngoại hạng châu Âu.

Tiết lộ của ông Bartomeu lập tức khiến dư luận dậy sóng bởi Giải Ngoại hạng châu Âu vốn được Football Leaks nhắc tới từ hai năm trước nhưng chưa có những bước đi cụ thể hóa nào.

Theo đó, Football Leaks dẫn nguồn tin từ Der Spiegel cho rằng, các CLB bóng đá hàng đầu châu Âu muốn tạo ra một sân chơi riêng của họ vào năm 2021.

Giải đấu gồm 16 đội, đá vòng bảng sau đó là vòng loại trực tiếp để giành chức vô địch. Trong số 16 đội tham gia cuộc thi, 11 đội sẽ mang danh CLB sáng lập. 11 CLB này sẽ được đảm bảo vị trí tại giải đấu trong 20 năm, không bị xuống hạng. 5 vị trí còn lại có thể bị đánh bật nếu không đạt thành tích tốt.

Hiện tại, 11 cái tên được cho là thành viên sáng lập gồm: Barcelona, Real Madrid, Arsenal, Chelsea, Liverpool, Man City, MU, Juventus, AC Milan, PSG và Bayern Munich. Trong khi đó, 5 đội mở rộng gồm: Atletico Madrid, Borussia Dortmund, Inter Milan, Marseille và AS Roma. Thế nhưng, hiện chưa rõ đã có đội nào ký và cam kết chắc chắn tham dự hay chưa.

Theo Sky Sports, ban đầu giải đấu sẽ có 6 tỷ USD để vận hành, các CLB sáng lập đảm bảo được nhận khoảng hơn 100 triệu USD/năm, Real Madrid và MU sẽ là hai đội nhận số tiền lớn nhất. Khoản tiền này đương nhiên chỉ là phần cứng, tùy doanh thu của giải đấu, mỗi thành viên có thể nhận thêm hàng chục triệu USD. Bởi vậy, European Super Cup giống như “con gà đẻ trứng vàng”.

Trong khi đó, tờ Goal nhận định, khó khăn tài chính do tác động của dịch Covid-19 sẽ khiến các đội bóng lớn thêm quyết tâm thúc đẩy vận động hình thành một giải đấu mới nhằm có thêm nguồn thu. Mặc dù vậy, European Super Cup không dễ đi vào thực tế bởi vấp phải sự mạnh mẽ của Liên đoàn Bóng đá châu Âu (UEFA).

Người phát ngôn UEFA khẳng định: “Chủ tịch UEFA đã nói rõ rằng, UEFA phản đối mạnh mẽ European Super Cup. Các nguyên tắc đoàn kết, thăng hạng, xuống hạng và các giải đấu mở là không thể bị phá vỡ.

Đó là tiền đề thúc đẩy bóng đá châu Âu hoạt động và Champions League trở thành giải đấu tốt nhất trên thế giới. Chúng tôi không triệt tiêu những giá trị cũ để tạo ra một siêu giải đấu gồm 10, 12, thậm chí 24 CLB”.

Nhiều tác động tiêu cực

Nếu không được UEFA bật đèn xanh, European Super Cup rõ ràng lâm vào thế khó. Bản thân các liên đoàn bóng đá hàng đầu châu Âu như: Anh, Đức, Pháp, Tây Ban Nha đều phản đối kế hoạch này. Không khó lý giải cho động thái của họ bởi European Super Cup chắc chắn mang trong mình sức hút cực lớn.

Tờ Footballwhispers phân tích, những nhà đầu tư, các nhãn hàng sẽ đổ xô ném tiền vào đây và Ngoại hạng Anh, La Liga, Bundesliga… sẽ suy giảm nghiêm trọng về mặt giá trị.

Trong trường hợp nhóm 16 đội bóng lớn tách hẳn ra thành lập giải đấu riêng, 5 giải vô địch quốc gia hàng đầu châu Âu thậm chí còn đứng trước viễn cảnh tan rã. Người hâm mộ không muốn xem Ngoại hạng Anh mà thiếu 5 đội bóng mạnh nhất. Tương tự, La Liga khi thiếu Barcelona, Real Madrid sẽ chỉ là giải đấu tầm trung.

Bên cạnh đó, cây bút Ali Rampling của tờ 90min cho rằng, những nhóm nguyên nhân sau sẽ kìm hãm sự hình thành của European Super Cup. Thứ nhất là tính độc quyền và không công bằng. Một giải đấu mà gần như suất tham dự được mặc định, các nhà vô địch của nhiều nền bóng đá nằm ngoài top 5 châu Âu không có cửa tham dự và mùa này qua mùa khác chỉ có một nhóm đội.

“Bạn luôn được tham dự vì bạn là CLB lớn chứ không phải vì màn trình diễn của mình, điều đó thật phi phí”, Ali Rampling nói.

Thứ hai, ý đồ của Giải Ngoại hạng châu Âu là tạo ra nhiều trận đại chiến mỗi mùa làm cho giải đấu trở thành một sản phẩm hấp dẫn.

Tuy nhiên, điều này vô hình trung tạo nên sự nhàm chán và thiếu hẳn tính bất ngờ. “Hãy nhìn Lyon đánh bại Juventus và Man City ở Champions League 2019-2020, việc Atalanta lọt vào tứ kết và chuỗi trận “giết” hàng loạt người khổng lồ của Ajax mùa 2018-2019. Bóng đá luôn hấp dẫn bởi những câu chuyện, hỗn độn và khó đoán. Điều này sẽ không xảy ra nếu chỉ một nhóm CLB xuất sắc nhất ở hâu Âu được cấp quyền tham dự”, tiếp lời Ali Rampling.

Thứ ba, theo Ali Rampling, khoảng cách giàu nghèo giữa các đội bóng tại châu Âu vốn rất lớn sẽ càng bị đào sâu với sự xuất hiện của European Super Cup: “Giải Super League mới với các thương vụ truyền hình bom tấn dành cho một nhóm các đội ưu tú sẽ chỉ giúp các ông lớn thêm giàu có. Nhìn rộng hơn, Giải Ngoại hạng châu Âu có thể sẽ làm giảm doanh thu phát sóng các hạng đấu thấp, là đòn đánh cuối cùng phá hủy các CLB nhỏ vốn đang gặp khó khăn về mặt tài chính. Điều này rõ ràng không có lợi cho sự phát triển chung tại lục địa già. Các nhà quản lý bóng đá vì thế sẽ phản đối mạnh mẽ”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.