Bạn cần biết

Giải nhiệt bằng nước đỗ đen, râu ngô coi chừng lợi bất cập hại

18/05/2018, 08:45

Trong những ngày hè nắng nóng, nước đỗ đen, râu ngô… được nhiều gia đình lựa chọn như biện pháp giải nhiệt, thải độc.

10

Không nên dùng nước đỗ đen, râu ngô thay thế nước lọc ngày hè

Trong những ngày hè nắng nóng, nước đỗ đen, râu ngô… được nhiều gia đình lựa chọn như biện pháp giải nhiệt, thải độc. Tuy nhiên, dùng sao cho đúng, tránh tác dụng ngược loại nước giải khát này, lại là điều không phải ai cũng biết.

Ai không nên dùng nhiều đỗ đen?

Vừa đầu hè, bà Nguyễn Thị Xuân (Hai Bà Trưng, Hà Nội) đã lùng mua mấy cân đỗ đen lòng xanh vụ mới. Bà Xuân cho hay, loại đỗ đen này rất mát, ai cũng uống được, nhất là đối với trẻ nhỏ, tránh rôm sảy rất hữu hiệu. “Chắc hè này cả nhà cứ uống đỗ đen loãng thay nước lọc cũng tốt”, bà Xuân chia sẻ.

Trao đổi với Báo Giao thông, lương y Bùi Hồng Minh, Hội Đông y TP Hà Nội cho biết, trong Đông y, đỗ đen là vị thuốc có vị ngọt, tính bình có tác dụng bổ thận âm, bổ gan, thanh nhiệt giải độc, lợi tiểu nên nước đỗ đen uống giải nhiệt, giải cảm nắng tốt. “Tuy nhiên, không nên lạm dụng bằng việc thay nước uống hàng ngày cho tất cả mọi người trong gia đình. Vì đỗ đen rất kỵ với người mắc bệnh viêm đại tràng mạn, người tì vị hư hàn đi ngoài phân lỏng, tiêu chảy, tiêu hóa kém. Việc uống thường xuyên sẽ khiến bệnh tăng nặng. Những người này nếu muốn dùng thì cần rang hạt đậu đen để ôn ấm vị và chỉ dùng ít. Với trẻ nhỏ bị đi phân lỏng, tiêu hóa kém tuyệt đối không dùng đỗ đen”, ông Minh chia sẻ.

Ông Minh cũng cho rằng, dù nước đỗ đen có tác dụng giải nhiệt nhưng chỉ nên dùng từ 10-15 ngày, dừng rồi chuyển sang loại nước khác. Không nên dùng liên tục, triền miên vì dù tốt đến đâu nếu lạm dụng cũng sẽ gây họa.

Còn theo TS. BS. Phan Bích Nga, Giám đốc Trung tâm Khám tư vấn dinh dưỡng trẻ em (Viện Dinh dưỡng Quốc gia), nước đỗ đen là một loại nước uống dinh dưỡng nhưng không thể dùng thay thế cho nước uống hàng ngày. Đặc biệt với trẻ nhỏ, việc dùng nước đỗ đen uống thay nước uống hàng ngày sẽ làm ảnh hưởng tới khả năng hấp thu của các chất sắt, kẽm, đồng, phốt pho… trong cơ thể trẻ, khiến cho trẻ không hấp thu được dinh dưỡng dẫn tới thấp còi, suy dinh dưỡng. Theo bà Nga, chính chất phytat có rất nhiều trong đỗ đen sẽ gây ức chế các enzyme tiêu hóa. “Không chỉ trẻ em mà phụ nữ mang thai cũng không nên uống nhiều nước đỗ đen”, bà Nga khuyến cáo.

Người mắc tim mạch không nên uống nước râu ngô

Cùng với đỗ đen, nước râu ngô cũng được nhiều gia đình lựa chọn làm loại nước giải khát trong dịp hè, vì loại nước này rẻ tiền, dễ uống.

Theo ông Bùi Hồng Minh, râu ngô có vị ngọt, tính bình, quy kinh thận, bàng quang có tác dụng lợi tiểu, tiêu thũng, thanh huyết nhiệt... Những trường hợp mắc bí tiểu, phù nề dùng rất tốt. Hơn nữa, không chỉ có tác dụng làm trà giải khát, hạ nhiệt mùa hè, râu ngô còn là một loại thuốc hỗn hợp chứa nhiều vitamin và các vi chất ở dạng tự nhiên cần thiết cho cơ thể chống ôxy hóa tốt… Râu ngô có chứa các vitamin K, vitamin A, B1, B2, B6, C… các chất đắng, dầu béo, tinh dầu và nhiều chất vi lượng khác. Vì thế, khi uống nước râu ngô thường có cảm giác ngọt, mát. Và tỷ lệ các loại muối kali, canxi cao nên uống nước râu ngô không sợ mất các muối khoáng.

“Tuy nhiên, râu ngô mang một đặc tính khác mà ít ai biết đến đó là cầm máu. Chính vì vậy, với những người mắc máu đông, máu cục, hay những người mắc bệnh lý tim mạch phải đặt stent thì tuyệt đối không nên thường xuyên sử dụng nước râu ngô. Bởi thông thường những bệnh nhân này thường phải sử dụng thêm loại thuốc chống đông máu”, ông Minh khuyến cáo.

Cũng như đỗ đen, ông Minh cho rằng, trẻ nhỏ cần tránh dùng liên tục nước ngô hàng ngày thay nước lọc, chỉ nên sử dụng trong một thời gian ngắn và mỗi ngày chỉ uống từ 1-2 cốc. Ngoài ra, cần tránh sử dụng các loại đồ uống lợi tiểu này quá nhiều vào buổi tối sẽ gây khó ngủ do phải đi tiểu nhiều về đêm.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.