Cuộc sống an toàn

Giải pháp chấn chỉnh xe máy kéo tự chế gây mất ATGT tại Gia Lai

18/10/2022, 19:30

Nhiều năm qua, ngành chức năng tỉnh Gia Lai đã có những biện pháp nhằm giảm TNGT đối với xe máy kéo độ, chế lưu thông trên các tuyến đường...

Khi lưu thông trên các tuyến đường tại các tỉnh Tây Nguyên nhiều phương tiện phải dè chừng bởi những chiếc máy kéo độ chế chở người và hàng hoá cồng kềnh chạy gây mất ATGT.

img

Công an huyện Krông Pa (Gia Lai) tuyên truyền người dân sử dụng phương tiện máy kéo an toàn

Tiện lợi nhưng đầy rủi ro

Xe máy kéo nhỏ được sản xuất để phục vụ việc cày xới đất, thu hoạch nông sản nhưng nhiều người dân tại huyện Krông Pa lắp thêm rơ-moóc độ chế phía sau để chở hàng hóa, nông sản mỗi khi đến vụ thu hoạch. Việc làm này của người dân không những vi phạm pháp luật mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây TNGT khi lưu thông trên các tuyến đường.

Năm 2021, anh Ksor Via (trú tại buôn Kơ Jing, xã Ia Hdreh, huyện Krông Pa), đầu tư hơn 260 triệu đồng để mua chiếc máy kéo nhỏ phục vụ cho việc làm đất, chăm sóc, thu hoạch nông sản. Và để chiếc máy kéo trở nên đa năng hơn, anh Via tiếp tục bỏ thêm gần 90 triệu đồng để lắp thêm rơ-moóc độ chế phía sau cùng hệ thống tời, nâng ben đáp ứng nhu cầu vận chuyển nông sản từ rẫy về nhà thuận tiện.

Cũng như bao người ở buôn Kơ Jing chiếc máy kéo độ chế của anh Via còn được anh sử dụng để chở người nhà đi rẫy, đổi công, ăn cưới, giỗ hay thăm người thân...

“Từ ngày có chiếc máy kéo độ chế, công việc nương rẫy thuận lợi hơn, hàng hóa nông sản, phân bón chất đầy lên thùng rơ móoc tự chế vận chuyển đến tận rẫy. Trước đây, lúc chưa có chiếc máy kéo này thì việc vận chuyển phải dùng xe máy tăng bo hàng hóa ra đường lớn và ngược lại rất bất tiện. Giờ vừa chở hàng vừa chở người đi rẫy, thuận tiện đủ đường”, anh Via cười nói.

Vẫn biết việc tự ý lắp đặt thêm các bộ phận bộ như trên là vi phạm pháp luật, song vì sự tiện lợi của chiếc máy kéo mà anh Via cũng như nhiều người dân khác tại buôn Kơ Jing đã "lờ" các quy định về ATGT.

Theo thống kê của Công an huyện Krông Pa, hiện trên địa bàn huyện này có 1.017 xe máy kéo nhỏ, công nông; riêng xe máy kéo nhỏ độ chế tương tự như ô tô có đến 530 phương tiện. Theo quy định, tất cả các phương tiện này tuyệt đối không được làm thay đổi kết cấu phương tiện và cấm lưu thông trên quốc lộ, tỉnh lộ. Song mỗi khi tuần tra kiểm soát, lực lượng chức năng Công an huyện Krông Pa đều phát hiện không ít trường hợp vi phạm.

Không chỉ ở Krông Pa, mà hầu như trên các tuyến đường ở Tây Nguyên đều không khó để bắt gặp hình ảnh những chiếc máy cày, máy xới kéo theo rơ-moóc tự chế chở nông sản. Các hàng hoá cồng kềnh, vượt quá chiều dài thùng xe rơ -moóc. Những chiếc xe độ chế không đèn, không còi hiệu cứ thế tham gia giao thông khiến những chiếc ô tô khác cũng phải dè chừng.

Bởi có lúc, từ một con hẻm, một chiếc “công nông” lao ra khiến những tài xế xe khác phải rùng mình. Và thế, những người đi rẫy ngồi sau thùng xe còn có trẻ con, cứ thế bồng bế nhau lên rẫy rồi lại ngược về nhà như một câu chuyện bình thường lâu nay.

Tại Gia Lai, nhiều năm qua đã xảy ra những vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng. Nỗi lo tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT, đặc biệt là khi lưu thông trên các tuyến đường quốc lộ lâu nay như một bài toán nan giải, thách thức những nhà quản lý, những lực lượng chức năng cũng khó để mà xử lý thấu tình đạt lý mỗi khi tai nạn xảy ra.

Theo thống kê, huyện Phú Thiện có hơn 1.700 xe công nông, máy kéo phục vụ nông nghiệp. Loại phương tiện này phù hợp với nhiều địa hình nên người dân thường sử dụng để vận chuyển nông sản, hàng hóa.

Tuy nhiên, một số xe công nông không có đèn chiếu sáng, đèn xi nhan, không lắp đặt biển phản quang nên khi lưu thông tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT, nhất là vào ban đêm. Trên thực tế, nhiều vụ TNGT liên quan đến xe công nông, máy kéo này đã xảy ra gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Riêng từ năm 2021 đến nay, trên địa bàn huyện đã xảy ra 2 vụ TNGT liên quan đến xe công nông làm 2 người chết.

Một vấn đề khác đối với tình trạng mất ATGT trên địa bàn tỉnh Gia Lai đó là người dân có GPLX hạng A4 cực thấp. Theo Sở GTVT tỉnh Gia Lai, hiện nay trên toàn tỉnh có trên 37.000 phương tiện máy kéo, công nông, máy kéo nhỏ phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, hiện nay chỉ có 190 GPLX hạng A4 được cấp cho các người dân và được Phòng Quản lý phương tiện người lái quản lý.

Ông Tăng Xuân Kiên - Trưởng phòng Phòng Quản lý phương tiện người lái, Sở GTVT tỉnh Gia Lai, cho biết: "Những năm qua, Sở đã chỉ đạo các cơ sở đào tạo lái xe tăng cường tuyên truyền, vận động về đào tạo A1, A4 tuy nhiên, kết quả đối với A4 là hết sức hạn chế; các cơ sở thậm chí giảm học phí tới 50%, tuy nhiên, vẫn gặp rất nhiều khó khăn trong tuyển sinh".

Đối với việc đào tạo GPLX hạng A4, Sở GTVT tỉnh Gia Lai cùng nhiều đơn vị đã có nhiều nỗ lực để tuyển học viên nhưng học viên rất ít. Theo Trung tâm Dạy nghề và Sát hạch lái xe (thuộc Công ty cổ phần Vận tải Gia Lai), rất khó để tuyển học viên dù đã có nhiều chính sách ưu đãi đối với người dân đồng bào dân tộc thiểu số.

Điển hình như khi chúng tôi về làm việc với chính quyền xã Ayun Hạ (huyện Phú Thiện) đề xuất tuyển sinh, đào tạo và sát hạch cấp GPLX hạng A4. Trung tâm miễn phí toàn bộ học phí nhưng sau đó chỉ có hơn 10 người đăng ký học, đến lúc làm hồ sơ, thủ tục để mở lớp lại không có học viên.

img

Một vụ TNGT trên địa bàn huyện Chư Prông. Ảnh: BGL

Đâu là giải pháp căn cơ?

“Trên địa bàn xã Đất Bằng (Krông Pa, Gia Lai) có khoảng 20 hộ dân có sử dụng xe máy kéo độ chế rơ-moóc để vận chuyển hàng nông sản, phân bón phục vụ sản xuất. Để kiểm soát người và phương tiện thường xuyên sử dụng phương tiện này, xã Đất Bằng đã có những biện pháp ngăn ngừa từ xa.

Trao đổi với phóng viên, ông Rơ Ô Krik, Chủ tịch UBND xã cho biết: "Để ngăn ngừa TNGT liên quan đến loại phương tiện này, chính quyền xã cùng lực lượng công an xã đã tổ chức rà soát, nắm chắc số hộ sử dụng; đồng thời thường xuyên tuyên truyền nhắc nhở, ký cam kết với chủ phương tiện không được chở hàng hóa cồng kềnh, tuyệt đối không được chở người khi tham gia giao thông".

Cũng theo Chủ tịch UBND xã Đất Bằng, biện pháp hữu hiệu nhất chỉ có cách là tuyên truyền vận động dần dần. Lấy câu chuyện TNGT xảy ra trên địa bàn để khuyến cáo người dân.

Tương tự, tại xã Ia Hdreh, đại úy R’Com Miơh, Phó trưởng Công an xã cho hay: "Công an xã đã thường xuyên tuyên truyền, phổ biến pháp luật về ATGT. Đơn cử như các lực lượng đến tận nhà vận động chủ xe viết cam kết không chở người trên rơ-moóc; yêu cầu các hộ dân sử dụng đúng chức năng phương tiện, đặc biệt là hạn chế đi trên tuyến quốc lộ 25, đường Trường Sơn Đông.

“Công an xã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tại địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, ký cam kết với từng hộ có xe công nông, xe máy kéo không chở người, không điều khiển xe lưu thông trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, đường đô thị; vận động người dân không ngồi trên xe máy kéo độc chế rơ-moóc lưu thông nhằm phòng tránh TNGT”, Đại úy R’Com Miơh thông tin.

Còn tại huyện Phú Thiện, công an huyện này đã tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát trên các tuyến tỉnh lộ, quốc lộ kết hợp tuyên truyền, vận động người dân điều khiển công nông không được chở người trên thùng xe. Cùng với đó, đơn vị phối hợp với Công an các xã, thị trấn tiến hành rà soát, thống kê số lượng xe công nông để hướng dẫn bà con lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng, biển phản quang, còi báo…

Mặt khác, đơn vị chú trọng tuyên truyền, phổ biến pháp luật thông qua mạng xã hội Facebook, Zalo về các quy định xử phạt vi phạm hành chính và những nguy cơ mất ATGT liên quan đến phương tiện xe công nông, xe máy kéo nông nghiệp không đảm bảo an toàn kỹ thuật.

Đại úy Nguyễn Ngọc Tiến, Đội CSGT-Trật tự (Công an huyện Krông Pa) cho biết thêm: "Thời gian qua, lực lượng Cảnh sát giao thông-Trật tự của huyện đã tích cực tuyên truyền về những mối nguy của các loại xe máy kéo độ chế, tiềm ẩn nguy cơ gây TNGT rất cao; đồng thời vận động người dân chuyển đổi phương thức vận chuyển nông sản bằng các loại phương tiện được phép tham gia giao thông.

“Trong quá trình tuần tra kiểm soát nếu phát hiện các phương tiện như xe công nông, máy kéo nhỏ lưu thông trên đường thì chúng tôi kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Ngoài việc xử lý vi phạm hành chính thì chúng tôi còn yêu cầu chủ xe tháo dỡ hết các phần độ chế để trả xe về hiện trạng ban đầu. Nhắc nhở các chủ phương tiện chỉ sử dụng xe máy kéo nhỏ để phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, không được độ chế rơ-moóc phía sau để chở người”-Đại úy Tiến nêu giải pháp.

Cũng theo Ban ATGT tỉnh Gia Lai, toàn tỉnh hiện có 11 cơ sở đào tạo lái xe và 12 trung tâm sát hạch lái xe với đội ngũ giáo viên lên đến hơn 400 người. Cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực và năng lực của các đơn vị đào tạo, sát hạch lái xe hoàn toàn đáp ứng nhu cầu của người dân trong tỉnh. Tỉnh Gia Lai cũng đã có nhiều chỉ đạo về việc tăng cường công tác đào tạo sát hạch GPLX hạng A1,A4 tại các vùng sâu vùng xa, vùng dân tộc thiểu số.

Theo một lãnh đạo Sở GTVT tỉnh Gia Lai: “Để đẩy mạnh công tác đào tạo cấp GPLX hạng A4, các trung Trung tâm đào tạo và sát hạch GPLX đã thành lập các tổ công tác đến từng làng tuyên truyền, vận động học viên và có chính sách giảm học phí cho học viên.

Ngoài ra, quá trình đào tạo, các đơn vị đào tạo còn lựa chọn các giáo viên có kinh nghiệm, có khả năng giao tiếp bằng tiếng Jrai, Bahnar để tăng khả năng truyền đạt đến học viên… Điều này có ý nghĩa khi người dân vùng đồng bào dễ dàng được đào tạo mà không tốn quá nhiều chi phí và bớt lo lắng khi rào cản ngôn ngữ, chữ viết làm cản trở sự tiếp thu của học viên...".

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.