Vận tải

Giải pháp mới trị “xe dù, xe đầu gấu”

11/08/2016, 09:10

Từ tháng 10/2016, xe khách chạy tuyến cố định Hà Nội - Hải Phòng sẽ được quản lý, điều hành như xe buýt...

1

Trên tuyến QL5 thường xuyên diễn ra cảnh xe khách dừng đón trả khách gây mất ATGT đoạn qua tỉnh Hải Dương - Ảnh: Khánh Linh

Bắt đầu từ tháng 10/2016, xe khách chạy tuyến cố định Hà Nội - Hải Phòng sẽ được Bộ GTVT thí điểm quản lý theo mô hình mới là tổ chức quản lý điều hành tập trung tương tự xe buýt. Với giải pháp này, cơ quan quản lý kỳ vọng sẽ loại được nạn "xe dù, xe đầu gấu".

Doanh nghiệp phải chạy theo biểu đồ

Ông Nguyễn Hoàng Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải (Tổng cục Đường bộ VN) cho biết, tình hình ANTT trong vận tải hành khách trên tuyến QL5 diễn biến phức tạp. Nhất là tình trạng lái xe chèn ép nhau để tranh giành khách, gây mất ATGT, tạo dư luận xấu trong xã hội.

Trước thực trạng này, theo ông Hoàng Anh, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ GTVT về đảm bảo ANTT, ATGT trên QL5 và tuyến cao tốc mới, Tổng cục Đường bộ VN xây dựng mô hình tổ chức điều hành tập trung đối với tuyến Hà Nội - Hải Phòng trên QL5. Sau đó, hình thức này sẽ được áp dụng cả với đường cao tốc.

"Bộ GTVT chỉ đạo Tổng cục Đường bộ VN phối hợp với các Sở GTVT thí điểm tổ chức điều hành tập trung theo lộ trình, lịch trình được công bố trong phương án quy hoạch chi tiết điều chỉnh. Tổ chức sơ kết, đánh giá, làm căn cứ để tiếp tục triển khai trong cả nước”.

(Trích Công điện 1251 của Thủ tướng Chính phủ)

“Thời gian hoạt động của từng chuyến sẽ được quy định cụ thể, chi tiết trong biểu đồ, thời gian biểu chạy xe. DN vận tải căn cứ vào biểu đồ chạy xe đã phê duyệt để bố trí đúng loại xe chạy. Phương tiện phải đúng quy định và phải chạy đúng giờ, dừng đúng điểm dừng, đón trả khách đã được quy định theo biểu đồ đã công bố”, ông Hoàng Anh nói.

Giải thích rõ hơn, ông Trần Quang Bình, Vụ trưởng Vụ Vận tải khẳng định, các xe tuyến cố định sẽ chuyển sang chạy theo hình thức này và được điều hành tập trung. Các điểm dừng đón, trả khách sẽ được xác định trên cơ sở khảo sát nhu cầu thực tế tại từng địa điểm. “Mô hình tổ chức điều hành tập trung sẽ tập hợp tất cả các DN vận tải đang hoạt động trên tuyến. Số chuyến của DN được giữ nguyên, chỉ điều chỉnh giờ chạy theo biểu đồ cho hợp lý”, ông Bình khẳng định.

Trao đổi với Báo Giao thông, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng cho rằng, trên cơ sở số lượng phương tiện cũng như lịch trình hai đầu bến, Bộ GTVT sẽ tổ chức giám sát liên tục các phương tiện, đảm bảo chạy theo đúng lộ trình, lịch trình và thời gian quy định. Xe nào xuất phát trước thì về bến trước và ngược lại.

“Bản chất loại hình này sẽ giống như xe buýt, trên tuyến sẽ có những điểm đón trả khách, các địa phương sẽ xác định và cắm biển điểm dừng đón trả khách, người dân sẽ lên xuống xe tại những điểm này”, ông Hùng nói.

2

Xe khách tuyến Hải Phòng - Hà Nội bắt trả khách trên QL 5

Thí điểm để nhân rộng

Ủng hộ chủ trương này, ở góc độ DN, ông Khúc Hữu Thanh Hải, Giám đốc Công ty CP Vận tải Thương mại Đất Cảng cho rằng, mô hình này sẽ tạo điều kiện cho các DN hoạt động hiệu quả. Nếu tất cả các DN cùng thống nhất cách làm này, tình trạng cạnh tranh không lành mạnh chắc chắn giảm nhiều. Tuy nhiên, ông Hải cũng băn khoăn, trong trường hợp xe chạy theo biểu đồ mà không có khách, DN có được bù lỗ hay không?

“Để thí điểm thành công, cần phải quản lý tốt thời gian dừng đón trả khách, nếu xe dừng quá lâu sẽ lấn vào thời gian của toàn bộ xe đi sau. Khi đó sẽ gây rối loạn. Do đó, tại các điểm dừng đón cần có hệ thống tự động “tố cáo” hành vi vi phạm của lái phụ xe”, ông Hải đề xuất.

Trước ý kiến lo ngại này, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN khẳng định, khi điều hành tập trung sẽ loại bỏ được tình trạng xe dù, bến cóc. Việc thí điểm cũng sẽ đánh giá được vai trò quản lý Nhà nước của các Sở GTVT trong quản lý, cấp phép nốt xe trên tuyến. Trong tháng 9, Tổng cục sẽ đề nghị 4 Sở GTVT trên tuyến cắm xong các điểm dừng đón trả khách tuyến cố định theo Thông tư 63.

“Thời gian chạy thí điểm, Tổng cục sẽ bố trí lực lượng Thanh tra đều trên tuyến. Xe nào dừng đỗ không đúng quy định sẽ xử lý ngay. Các xe chạy thí điểm sẽ có phù hiệu riêng để lực lượng chức năng dễ phân biệt. Cùng đó, các điểm dừng đỗ, đón trả khách sẽ được gắn camera để chống xe dù, nếu giám sát tốt, bản thân các xe tuyến cố định sẽ tố xe dù”, ông Huyện nói và cho biết, khoảng 15/9 sẽ chạy thử và đầu tháng 10 sẽ chính thức chạy thí điểm. Sau thời gian thí điểm sẽ tổ chức tổng kết đánh giá và nhân rộng ra cả nước đối với các tuyến cố định có cự ly dưới 100 km.

Đồng quan điểm, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng khẳng định, việc tổ chức giám sát tập trung tuyến xe khách Hà Nội - Hải Phòng sẽ giải quyết được vấn đề bức xúc về mất TTATGT đã tồn tại từ lâu. Tuy nhiên, quan trọng hơn là có thể đánh giá đầy đủ để tiếp tục mở rộng ra các tuyến khác. Đối với các tuyến có tần suất xe chạy 15 phút/chuyến trở xuống, hoàn toàn có thể tổ chức điều hành tập trung để đảm bảo TTATGT.

“Khi có dịch vận tải liên tỉnh khối lượng lớn ổn định sẽ giảm nhiều chuyến đi bằng phương tiện cá nhân, giảm xe máy lưu thông từ đó giảm TNGT. Đây là cơ sở để triển khai chủ trương khuyến khích người dân sử dụng dịch vụ công cộng, giảm thiểu chuyến đi bằng phương tiện cá nhân, đặc biệt là đối với tuyến có cự ly dài”, ông Hùng nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.