Xã hội

Giải pháp nào chống ngập cho thành phố Cần Thơ?

07/12/2018, 14:08

Hiện Cần Thơ đang triển khai Dự án phát triển TP và tăng cường khả năng thích ứng với nhiều hạng mục chống ngập.

IMG_0017

Tuyến đường Mậu Thân chìm trong biển nước

Sáng 7/12, kỳ họp thứ 10, HĐND TP Cần Thơ bước vào ngày làm việc thứ 3 và tiếp tục với phiên chất vấn.

Nhiều vấn đề liên quan đến bạo lực học đường, thông tin truyền thông,… đã được các đại biểu đặt ra. Đáng chú ý là ý kiến của đại biểu Nguyễn Hồng Trinh bày tỏ sự lo ngại về tình trạng ngập lụt xảy ra trong nội ô TP trong thời gian vừa qua.

Theo đại biểu Nguyễn Hồng Trinh, công tác quy hoạch cơ sở hạ tầng và chỉnh trang đô thị đang ngày càng hoàn thiện, góp phần làm cho bộ mặt TP ngày càng văn minh, khang trang hơn. Tuy nhiên, tình trạng ngập lụt vẫn xảy ra thường xuyên tại một số tuyến đường trong mùa nước nổi hay khi mưa lớn, làm ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống sinh hoạt của người dân và mất ATGT.

“Trong thời gian qua, Sở Xây dựng đã thực hiện các biện pháp gì để khắc phục tình trạng trên và đồng thời đánh giá hiệu quả của những việc đã làm. Cho biết phương hướng trong thời gian tới để khắc phục triệt để tình trạng vừa nêu?”, đại biểu Trinh chất vấn.

Ông Mai Như Toàn, Giám đốc Sở Xây dựng cho biết: theo thống kê, từ năm 2002 - 2007, lũ và triều cường chỉ xuất hiện và tác động trực tiếp trong khu vực sản xuất nông nghiệp. Từ năm 2017, khi đỉnh lũ ở thượng nguồn đạt 2,03m, nước lũ bắt đầu tác động đến đô thị làm cho 20 tuyến đường bị ngập.

IMG_0779

Ông Mai Như Toàn, Giám đốc Sở Xây trả lời chất vấn đại biểu

Đặc biệt vào ngày 10/10, mực nước cao nhất trên sông Hậu đo được là 2,23m, vượt quá khả năng chống chịu của TP là 2m.

“Chúng tôi thống kê có 62/73 tuyến đường của quận Ninh Kiều ngập trong nước và nước ngập tràn vào khu vực nội ô khiến khoảng 107 điểm bị ngập, mức độ ngập sâu từ 0,1 -0,65m, thời gian ngập từ 2-4 tiếng. Có 14 tuyến đường ngập sâu từ 0,4-0,65m, trong đó đặc biệt là các tuyến đường Mậu Thân, Phạm Ngũ Lão, 30/4, Trần Văn Hoài,…Việc này đã ảnh hướng lớn đến đời sống sinh hoạt, giao thông đi lại, hoạt động kinh doanh mua bán của người dân. Đặc biệt là quận Ninh Kiều, quận Bình Thủy”, ông Toàn thông tin.

Theo Giám đốc Sở Xây dựng thì tình trạng ngập do nhiều nguyên nhân như: Sụt lún đô thị, biến đổi khí hậu nhưng đây là những quá trình diễn ra từ từ, không phải đột biến tức thời, cơ chế quản lý các vùng đặc biệt là thượng nguồn chưa đồng nhất,…

Ngoài các các nguyên nhân vừa nêu, ông Toàn nhận định, nguyên nhân căn cơ nhất dẫn đến việc ngập nghẹt xảy ra trên địa bàn TP là do hệ thống thoát nước không đảm bảo tải lưu lượng do hiện nay hệ thống thoát nước TP vẫn đang sử dụng mạng lưới cống thoát nước chung thu gom nước mưa và nước thải. Mặc dù trong thời gian qua thành phố có được dự án nâng cấp đô thị 1,2, nhưng các dự án này chỉ giải quyết được tình trạng ngập tại các con hẻm nhỏ. Hiện nay, TP đang triển khai Dự án phát triển TP Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị gồm nhiều hạng mục chống ngập. Khi dự án này hoàn thành, sẽ kiểm soát được tình trạng ngập lụt cho phần đô thị lõi của quận Ninh Kiều và Bình Thủy.

Sau phần trả lời của ông Toàn, ông Phạm Văn Hiểu, Chủ tịch HĐND TP Cần Thơ lưu ý ngành chức năng có liên quan xem xét về các giải pháp nhằm giải quyết gốc rễ nguyên nhân dẫn đến tình trạng nêu trên.

Đồng thời ông đề nghị các ngành nông nghiệp lưu ý điều tiết nước ở các cống đập: “Tôi đi cơ sở, trong khi đô thị ngập mênh mông thì tại các cánh đồng ở Thới Lai, Ô Môn lại không có nước. Thậm chí, người dân rất bức xúc trước việc ngành chức năng đã chặn lại các con đập ở dự án Ô Môn - Xà No. Ngành nông nghiệp cũng cần phải tính toán lại thời vụ, giúp nông dân thu hoạch, gặt hái sớm. Đến khi nước lũ về cứ thoải mái tràn đồng. Quan trọng hơn là thực tiễn đã chứng minh nước lũ mang lại lợi ích nhiều hơn là thiệt hại”, ông Hiểu nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.