Xã hội

Giải pháp nào hạn chế người lao động nhận BHXH một lần?

16/11/2021, 06:12

Theo các chuyên gia, số người nhận BHXH một lần có xu hướng tăng đang đặt ra thách thức lớn trong việc thực hiện mục tiêu an sinh xã hội.

Lao động lựa chọn BHXH 1 lần vẫn tăng

Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, tính đến hết tháng 10/2021, cả nước đã có trên 15.460.000 người tham gia BHXH (đạt 31,08% lực lượng lao động), trong đó số tham gia BHXH bắt buộc là hơn 14.200.000 người, tham gia BHXH tự nguyện hơn 1.200.000 người.

Số tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) là hơn 12.500.000 người (đạt 25,18% lực lượng lao động) và gần 84.000.000 người tham gia BHYT (đạt tỷ lệ bao phủ 86,04% dân số).

img

Nhiều người vì cái lợi trước mắt đã nhận BHXH một lần (Ảnh minh họa)

Tổng số thu BHXH, BHYT, BHTN cũng đạt 76,75% kế hoạch Chính phủ giao, đạt 73,60% kế hoạch mà ngành BHXH Việt Nam đã đặt ra. Dù vậy, vấn đề đáng lưu tâm là tổng số nợ BHXH, BHYT, BHTN cũng gia tăng, với con số 24.330 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 5,74% so với số phải thu (so với cùng kỳ năm 2020, số tiền nợ tăng 2.824 tỷ đồng, tỷ lệ nợ so với số phải thu tăng 0,7%).

Số người tham gia BHXH, BHTN, BHYT có sự tăng trưởng so với tháng 9/2021 nhưng tốc độ tăng còn chậm. Ước tính từ nay đến cuối năm 2021 số người tham gia còn phải phát triển để đạt kế hoạch đề ra là rất lớn, với BHXH còn trên 2.000.000 người, BHYT còn trên 5.500.000 người.

Trong khi đó, so với hết năm 2020, số người tham gia BHXH đến hết tháng 10/2021 đã giảm 747.005 người, số tham gia BHYT giảm 3.543.716 người.

Bên cạnh đó, số người nhận BHXH một lần mặc dù đã giảm 252 người so với cùng kỳ năm 2020, nhưng số lũy kế 10 tháng năm 2021 vẫn lên tới 844.636 người.

Theo thống kê sơ bộ của BHXH Việt Nam, những người nhận BHXH một lần chủ yếu từ 20 - 39 tuổi, trong đó nhiều nhất là từ 25 - 29 tuổi (chiếm 27,6%). Số người có trên 10 năm đóng BHXH có xu hướng nhận BHXH một lần ngày càng tăng.

Theo các chuyên gia, số người nhận BHXH một lần có xu hướng tăng đang đặt ra thách thức lớn trong việc thực hiện mục tiêu an sinh xã hội.

Bởi việc nhận BHXH một lần đồng nghĩa với việc giảm hoặc mất cơ hội được hưởng lương hưu khi về già, ảnh hưởng đến cuộc sống của chính người lao động cũng như với gia đình họ và xã hội; đồng thời cũng là một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ bao phủ tham gia BHXH trong cả nước tăng chậm.

3 giải pháp căn cơ hạn chế tình trạng hưởng BHXH một lần

Theo ông Trần Hải Nam, Phó Vụ trưởng BHXH (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), để giảm việc hưởng BHXH một lần, cần tạo việc làm, nâng cao thu nhập và bảo đảm đời sống của người lao động; tăng lợi ích và tính hấp dẫn của chính sách lương hưu thông qua việc sớm thực hiện giảm điều kiện về thời gian đóng góp tối thiểu từ 20 năm xuống 15 năm và tiến tới 10 năm. Hoàn thiện chính sách BHXH tự nguyện theo hướng đa dạng, linh hoạt (bổ sung thêm các chế độ ngắn hạn, tăng cường chính sách hỗ trợ tiền đóng từ ngân sách Nhà nước và huy động các nguồn lực xã hội khác…), qua đó góp phần tăng thêm cơ hội cho người lao động có thể tiếp tục tham gia đóng góp BHXH tự nguyện để đủ điều kiện hưởng lương hưu.

Cần sớm tổng kết, đánh giá việc thực hiện chính sách BHXH một lần, có sửa đổi, bổ sung hoàn thiện bằng công cụ chính sách để người lao động tự quyết định lựa chọn việc thụ hưởng hoặc bảo lưu để hướng tới chế độ hưu trí lâu dài...

Trước câu hỏi giải pháp nào để người lao động không bán sổ BHXH, chính sách thu hút người lao động tham gia BHXH, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, việc bán sổ BHXH thời gian qua thực chất là người lao động đang tham gia BHXH sau đó rút BHXH để hưởng chính sách BHXH một lần và ngại đi làm thủ tục hoặc vì một số lý do nào đó đã nhượng lại sổ BHXH cho người khác đi lĩnh. Vì vậy, cần giảm mức hưởng BHXH một lần.

So với năm 2020, số người đã rút hưởng BHXH một lần từ đầu năm đến nay tăng nhiều. Có nhiều lý do dẫn đến tình trạng này, trong đó do đời sống khó khăn, dịch bệnh…

Theo ông Dung, để khắc phục tình trạng này, có 3 giải pháp căn cơ. Cụ thể, phải chăm lo cho người lao động vì đa số rút sổ BHXH và bán sổ BHXH hầu hết rơi vào công nhân lao động, những người có hoàn cảnh khó khăn, éo le… chỉ khi đời sống tốt, cuộc sống được bảo đảm họ sẽ không bán sổ BHXH.

Bên cạnh đó, tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức để người lao động hiểu về sự cần thiết cũng như lợi ích lâu dài của BHXH, để có khoản lương hưu khi về già. Mặt khác, phải tiến hành tổng kết Nghị quyết số 93/2015/QH13 về thực hiện Điều 60 Luật BHXH liên quan tới quy định rút BHXH một lần.

“Hiện Bộ đã hoàn thiện hồ sơ sửa Luật BHXH để đến năm 2022 sẽ trình Quốc hội cho ý kiến. Theo đó, thay vì hưởng BHXH một lần sẽ cho phép tăng cường các lợi ích khác đối với người lao động…”, ông Dung khẳng định.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.