Quản lý

Giải pháp nào phát triển trạm dừng nghỉ đảm bảo ATGT đường bộ?

01/11/2018, 15:26

Nhiều giải pháp để phát triển trạm dừng nghỉ đã được đưa ra tại hội nghị do Tổng cục ĐBVN tổ chức.

IMG_5996

Bà Phan Thị Thu Hiền - Phó tổng cục trưởng, Tổng cục ĐBVN phát biểu tại Hội nghị

Sáng 1/11, Tổng cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN) phối hợp với Sở GTVT Thanh Hóa tổ chức Hội nghị phát triển trạm dừng nghỉ đảm bảo ATGT đường bộ.

Tại Hội nghị, các đại biểu tham dự được nghe báo tổng quát về quy hoạch tổng thể mạng lưới giao thông đường bộ Việt Nam, quy hoạch phát triển các trạm dừng nghỉ trên quốc lộ, đường cao tốc. Thông qua đó, đưa ra các biện pháp làm thế nào để các trạm dừng nghỉ hoạt động có hiệu quả, đảm bảo ATGT, đúng quy hoạch phát triển của Bộ GTVT đề ra cũng như phát triển KT-XH-VH vùng, miền.

c82d71e7a71b47451e0a

Toàn cảnh Hội nghị phát triển trạm dừng nghỉ đảm bảo ATGT đường bộ

Theo báo cáo của Tổng cục ĐBVN, ngoài 3 trạm dừng nghỉ do JICA (Nhật Bản) hỗ trợ đầu tư xây dựng thì đến nay các doanh nghiệp cũng đã đầu tư nhiều trạm dừng nghỉ trên các tuyến quốc lộ bằng nguồn vốn xã hội hóa. Tổng cục ĐBVN đã công bố đưa vào khai thác 25 trạm dừng nghỉ trên toàn quốc.

Tuy nhiên, ở Việt Nam, nhiều trạm dừng nghỉ chưa đáp ứng được yêu cầu khai thác, sử dụng theo Thông tư số 48/2012/TT-BGTVT ngày 15/11/2012 của Bộ GTVT ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về trạm dừng nghỉ đường bộ (QCVN 43:2012/BBGTVT).

Mặt khác, qua báo cáo của các địa phương có trạm dừng nghỉ thì đa phần hoạt động của trạm kinh doanh có hiệu quả đặc biệt là các trạm trên quốc lộ. Song, nhiều trạm vẫn chưa phát huy được các chức năng như dịch vụ nghỉ ngơi, hỗ trợ giao thông. Thói quen dừng đỗ dọc đường của lái xe, lên xuống không đúng nơi quy định cũng là nguyên nhân khiến hành khách không vào trạm dừng nghỉ. Cùng với đó nhiều hạn chế về mặt chủ quan như công tác đầu tư cơ sở hạ tầng, quản lý của cơ quan chức năng…

IMG_6005

Ông Nguyễn Văn Khiên - Phó giám đốc Sở GTVT Thanh Hóa tham luận tại Hội nghị

Tham luận tại Hội nghị, ông Nguyễn Văn Khiên - Phó giám đốc Sở GTVT Thanh Hóa cho biết: Hiện nay Thanh Hóa có 3/13 trạm dừng nghỉ đã được công bố đưa vào hoạt động khai thác đều nằm trên QL1A. 3 trạm khác cũng đang hoàn thiện các thủ tục để công bố (Trạm Nghi Sơn trên QL1A, trạm Kiên Thọ và trạm Đại Lâm nằm trên đường Hồ Chí Minh) còn lại 7 trạm chưa có nhà đầu tư.

“Việc phát triển trạm dừng nghỉ còn gặp khó khăn do chưa có cơ chế chính sách khuyến khích, thu hút xã hội hóa đầu tư. Do dọc tuyến quốc lộ còn nhiều dịch vụ, thói quen dừng đỗ dọc đường không đúng nơi quy định nên đã hạn chế khách vào trạm dừng nghỉ. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư khai thác trạm dừng nghỉ chưa quan tâm đến khâu đào tạo, hướng dẫn cán bộ nhân viên tổ chức và điều hành trạm dừng nghỉ. Thông qua đó, đề nghị Tổng cục ĐBVN cần hỗ trợ có cơ chế pháp lý, cơ chế chính sách cho các chủ đầu tư xây dựng trạm dừng nghỉ trên quốc lộ như miễn thuế đất với những diện tích dành cho dịch vụ công cộng, không thu phí bãi đỗ xe... Đồng thời, có quy hoạch khoảng cách giữa các trạm dừng nghỉ. Đưa ra các chế tài cụ thể giữa hoạt động vận tải và trạm dừng nghỉ như thời gian tham gia hoạt động của lái xe bắt buộc vào trạm dừng nghỉ; thanh kiểm tra đột xuất, xử lý công khai dừng hoạt động đối với các trạm dừng nghỉ không đảm bảo các tiêu chí. Bên cạnh đó, đề nghị Bộ GTVT phối hợp với Bộ Công thương thống nhất nội dung hoạt động giữa vị trí cửa hàng xăng dầu trong trạm dừng nghỉ với cửa hàng xăng dầu đã được quy hoạch trên quốc lộ”, ông Khiên cho hay.

25498167_752948344911674_1832142091289574064_n

Theo nhiều đại biểu thì hiện nay vẫn thiếu nhiều cơ chế, chính sách trong việc thu hút các doanh nghiệp đầu tư trạm dừng nghỉ

Cùng chung quan điểm trên, đại diện Sở GTVT Thừa Thiên-Huế và Bình Thuận cho rằng: Thực tế trên các tuyến quốc lộ hàng ngày có rất nhiều xe qua lại nhưng để dựng lại các trạm dừng nghỉ là rất ít. Hoặc có trạm hoạt động khá lâu, đông hành khách đến nhưng không được như kỳ vọng vì diện tích quá nhỏ, vị trí không phù hợp, chất lượng phục vụ thiếu linh hoạt không đáp ứng các điều kiện cần thiết để phục vụ hành khách.

“Với tốc độ phát triển KT-XH ngày càng cao theo xu hướng hiện đại hóa trong môi trường hội nhập toàn cầu, từng địa phương cần có nhiều trung tâm dịch vụ tầm cỡ mới đáp ứng nhu cầu vận tải hành khách và hàng hóa mà trạm dừng chân là một giải pháp hữu hiệu. Ví dụ như tích hợp trạm dừng nghỉ với bến xe trung chuyển từ các tuyến cao tốc đến trung tâm đô thị…Tuy nhiên, cần phải có cơ chế chính sách hỗ trợ cụ thể, thống nhất của Nhà nước, cơ quan chức năng xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương; hỗ trợ thuê đất dự án, giải phóng mặt bằng”, ông Lý Công Diễn - Phó giám đốc Sở GTVT Thừa Thiên-Huế nêu ý kiến.

Còn ông Nguyễn Quốc Nam - Phó giám đốc Sở GTVT Bình Thuận cho rằng: Tổng cục ĐBVN nên có quy định cụ thể về quy chuẩn các trạm dừng chân vì thực chất đây là một quán ăn có bãi đậu xe ô tô chứ không phải là trạm dừng nghỉ. Sau đó có kế hoạch kiểm tra trạm dừng chân trên tất cả các quốc lộ để hướng dẫn hoạt động, chấn chỉnh xử lý vi phạm nếu có. Ngoài ra, Chính phủ ban hành Nghị định xử phạt hành chính đối với tổ chức, cá nhân hoạt động trạm dừng xe khách nghỉ, phục vụ hành khách đi xe khách liên tỉnh ăn uống, nghỉ ngơi mà không có giấy phép hoạt động của ngành GTVT cấp. Xử phạt lái xe đưa khách vào ăn uống, nghỉ ngơi ngoài trạm dừng nghỉ theo phương án kinh doanh vận tải”.

Tại Hội nghị, đại diện trạm dừng nghỉ Song Khê (là một trong 3 trạm được JICA hỗ trợ đầu tư) cho biết, từ năm 2009 đến năm 2013, bình quân một ngày có 300 lượt khách đến trạm với lượng xe bình quân 50 xe/ngày. Doanh thu bình quân từ 900 triệu đến 1,2 tỷ đồng/tháng. Từ năm 2013 -2015 lượng khách giảm nghiêm trọng do ô nhiễm môi trường trong quá trình thi công dự án QL1 đoạn Hà Nội - Bắc Giang. Tính đến 2016 đến nay, lượng khách giảm hơn 90%, doanh thu chỉ đạt 50-60 triệu đồng/tháng. Nguyên nhân có cả khách quan và chủ quan. Thứ nhất đường cao tốc Hà Nội - Bắc Giang có dải phân cách cố định nên không thuận tiện cho xe ra vào. Thứ hai, dọc các tuyến đường dày đặc các hàng quán, cửa hàng xăng dầu phục vụ nhu cầu của xe, hành khách. Trong thời gian tới, trạm dừng nghỉ Song Khê cần phải phát triển theo mô hình trạm dừng nghỉ xanh hướng trực tiếp đến cộng đồng xã hội, phát triển môi trường bền vững; tập trung đầu tư tiếp các dịch vụ sửa chữa ô tô, kinh doanh ô tô, nhà nghỉ, khách sạn…

Chia sẻ về kinh nghiệm phát triển trạm dừng nghỉ trên cao tốc, đại diện Công ty Vidifi đầu tư đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng cho hay: Việc đầu tư trạm dừng nghỉ rất quan trọng. Trong đó chú trọng đến công tác quản lý, giám sát. Riêng trên toàn tuyến có 3 trạm dịch vụ, hiện nay trạm dịch vụ V52 Hải Dương đi vào hoạt động và bước đầu đã phát huy được hiệu quả trên cao tốc. Theo phản ánh của khách hàng thì trạm dừng nghỉ Hà Nội - Hải Phòng đạt hiệu quả rất tốt. 

“Xung quanh về vấn đề phát triển trạm dừng nghỉ thì tôi đề nghị cần phải có cơ chế giám sát, chế tài xử lý. Ví dụ như trạm dừng nghỉ mà có ổ gà ở mặt đường ra vào hay giá cả hàng hóa, chất lượng không đảm bảo thì cũng phải xem xét cho dừng hoạt động ngay. Còn đối với những tuyến tỉnh lộ, quốc lộ cần kết nối nên có hệ thống trung chuyển như xe buýt đến các điểm đón trả khách để làm sao phục vụ tốt nhất cho khách hàng", đại diện Công ty Vidifi chia sẻ.

Bà Phan Thị Thúy Hiền, Phó tổng cục trưởng, Tổng cục ĐBVN cho biết: Đối với quy chuẩn số  48/2012/TT-BGTVT ngày 15/11/2012 của Bộ GTVT ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về trạm dừng nghỉ đường bộ (QCVN 43:2012/BBGTVT) giao cho Vụ Vận tải gửi đóng góp của các địa phương, các Sở GTVT, doanh nghiệp chính thức có tổng hợp để điều chỉnh bổ sung cho phù hợp với quy chuẩn này.

Đối với các trạm dừng nghỉ đã được công bố thì các cơ quan đường bộ phải cắm biển thông tin rõ ràng về trạm đó và đưa vào văn bản pháp luật để người dân nhận biết đâu là trạm đã được Nhà nước xác nhận, công bố, đủ tiêu chuẩn. Vụ Vận tải phối hợp với các đơn vị của Tổng cục ĐBVN nghiên cứu xây dựng cơ chế, quy định liên quan đến phát triển mạng lưới trạm dừng nghỉ trên đường cao tốc vì có tính chất đặc thù.

Vụ ATGT cùng các đơn vị liên quan xem xét, nghiên cứu khoảng các giữa các trạm dừng nghỉ theo quy hoạch nếu cần điều chỉnh về kết cấu hạ tầng, quy hoạch mạng lưới thì đưa vào để bổ sung. Ngoài ra, về quy hoạch đấu nối với quy hoạch trạm dừng nghỉ đã được Bộ GTVT phê duyệt trước đó thì Vụ ATGT tham mưu sửa đổi trong các thông tư sửa đổi sắp tới cho đồng bộ. Riêng đề xuất về các cơ chế, chính sách tạo điều kiện thu hút các đơn vị đầu tư để đảm bảo quyền lợi cho các nhà đầu tư, phục vụ tốt nhất cho hành khách thì tới đây Tổng cục ĐBVN cũng sẽ có văn bản báo cáo, đề  xuất lên cấp trên.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.