Làm báo cùng Giao thông

Giải quyết tai nạn ưu tiên xe cán bộ cấp cao: Trái Luật?!

06/03/2016, 13:31

Dự thảo quy định, quy trình điều tra giải quyết TNGT ưu tiên cán bộ cấp cao gây bất bình dư luận.

xeuutien

Dự thảo quy định, quy trình điều tra giải quyết tai nạn giao thông đường bộ của CSGT về vấn đề ưu tiên gây bất bình trong người dân.

Dự thảo Thông tư Quy định quy trình điều tra giải quyết tai nạn giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông trong đó có quy định ưu tiên giải quyết cho đi nhanh đối với trường hợp của cán bộ cấp cao được Bộ Công an đưa ra lấy ý kiến đã gây phản ứng bất bình của người dân.

Đa số các ý kiến đều cho rằng quy định này là phân biệt đối xử, trái với tinh thần chung của pháp luật là: "Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật".

Sau đó, Thiếu tướng Trần Thế Quân - Phó Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính tư pháp của Bộ Công an đã giải thích trên báo chí theo ý rằng cán bộ cấp cao cần được đảm bảo thực hiện công vụ và được bảo vệ khi có tai nạn giao thông, cho nên phải được ưu tiên giải quyết cho đi nhanh hơn bình thường.

Tuy nhiên, tôi cho rằng pháp luật đã có quy định ưu tiên riêng với xe khi thi hành công vụ, và khi xảy ra tai nạn giao thông có cơ quan công an đến thì tất nhiên mọi cá nhân có liên quan đều được cơ quan công an bảo vệ chặt chẽ, cho nên rõ ràng không cần phải quy định ưu tiên đối với xe cán bộ cấp cao vì lý do công vụ hay vì lí do bảo vệ cán bộ cấp cao đó. Giải thích của Thiếu tướng Quân theo tôi không thỏa đáng, dựa trên dự thảo có thể thấy quy định đó là sự ưu ái của cảnh sát giao thông đối với cán bộ cấp cao khi không thi hành công vụ. Điều này giải thích tại sao dư luận nhân dân phản ứng với quy định dự thảo này.

Vậy, hãy xem dự thảo quy định này có vênh với các Luật hiện đang được thi hành hay không?

Trước hết phải khẳng định ngay, Thông tư này muốn ban hành phải tuân theo cả Hiến pháp 2013 và Luật Giao thông Đường bộ 2008 đang có hiệu lực thi hành. Cho nên dù Bộ Công an có viện dẫn văn bản luật nào khác nữa như là Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012, Bộ luật hình sự năm 2015, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự thì cũng không thể có văn bản luật nào được trái với Hiến pháp, và đã liên quan đến giao thông đường bộ thì cũng không thể có văn bản nào được mâu thuẫn với Luật Giao thông Đường bộ. Đó là điều không thể bác bỏ được.

Cho nên dự thảo Thông tư phải đảm bảo được điều kiện đầu tiên là tuân theo Hiến pháp tại điều 16  khoản 1: "Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật." Có nghĩa là mọi người trong đó có cán bộ cấp cao, đều phải bình đẳng trước pháp luật.

Điều này được cụ thể hóa rõ hơn ở Luật giao thông đường bộ 2008 như sau:

Tại Điều 2. Đối tượng áp dụng:

"Luật này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân liên quan đến giao thông đường bộ trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Như vậy cán bộ cấp cao cũng như mọi người đều là đối tượng áp dụng của luật này.

Tại Điều 4. Nguyên tắc hoạt động giao thông đường bộ

Khoản 6: "Mọi hành vi vi phạm pháp luật giao thông đường bộ phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời, xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật". Như vậy mọi hành vi vi phạm của mọi cá nhân tổ chức trong đó có cán bộ cấp cao, cũng phải bị xử lí như nhau theo điều luật này. Chú ýrằng ở đây Luật giao thông đường bộ không có "trừ trường hợp pháp luật có quy định khác" để Bộ Công an có thể vận dụng để quy định ưu tiên xe cán bộ cấp cao.

Và đáng chú ý nữa là tại Điều 8.

Các hành vi bị nghiêm cấm khoản 21: "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nghề nghiệp của bản thân hoặc người khác để vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ."

Theo quy định này, khi cá nhân lợi dụng lợi thế về chức vụ quyền hạn để vi phạm giao thông và được giải quyết khác biệt thì chẳng những không được ưu tiên mà còn bị phạt nặng hơn (nghiêm cấm), để bảo vệ uy tín của nhà nước. Như vậy theo tinh thần của điều luật này thì khi cán bộ cấp cao gây tai nạn giao thông thì chẳng những không được ưu tiên mà còn bị xử lí nghiêm khắc, để giữ vững uy tín của đảng và nhà nước.

Tiếp theo, tại điều 22. Quyền ưu tiên của một số loại xe, khoản 1: "Những xe sau đây được quyền ưu tiên đi trước xe khác khi qua đường giao nhau từ bất kỳ hướng nào tới theo thứ tự:

a) Xe chữa cháy đi làm nhiệm vụ;

b) Xe quân sự, xe công an đi làm nhiệm vụ khẩn cấp, đoàn xe có xe cảnh sát dẫn đường;

c) Xe cứu thương đang thực hiện nhiệm vụ cấp cứu;

d) Xe hộ đê, xe đi làm nhiệm vụ khắc phục sự cố thiên tai, dịch bệnh hoặc xe đi làm nhiệm vụ trong tình trạng khẩn cấp theo quy định của pháp luật;

đ) Đoàn xe tang."

Có thể thấy xe cán bộ cấp cao mà không phải đi làm nhiệm vụ khẩn cấp, không có đoàn xe cảnh sát dẫn đường khi đi làm công vụ thì không phải là xe ưu tiên.

Tại điều 23 của dự thảo Thông tư nói trên, Bộ Công an đã có quy định giải quyết ưu tiên cho xe ưu tiên gây tai nạn, thì không thể lại có điều 22 giải quyết ưu tiên cho xe cán bộ cấp cao được. Xe cán bộ cấp cao không phải là xe ưu tiên thì không được hưởng quy chế giải quyết ưu tiên. Và đã không phải là xe ưu tiên thì không có lý do công vụ được nữa, và như vậy rất bất nhất với cả chính Thông tư (điều 23) và trái Luật giao thông đường bộ (điều 22) .

Tiếp đến, tại điều 38 Luật Giao thông đường bộ quy định Trách nhiệm của cá nhân, cơ quan, tổ chức khi xảy ra tai nạn giao thông, Khoản 1 quy định: "Người điều khiển phương tiện và những người liên quan trực tiếp đến vụ tai nạn có trách nhiệm sau đây:

a) Dừng ngay phương tiện; giữ nguyên hiện trường; cấp cứu người bị nạn và phải có mặt khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu;

b) Ở lại nơi xảy ra tai nạn cho đến khi người của cơ quan công an đến, trừ trường hợp người điều khiển phương tiện cũng bị thương phải đưa đi cấp cứu hoặc phải đưa người bị nạn đi cấp cứu hoặc vì lý do bị đe dọa đến tính mạng, nhưng phải đến trình báo ngay với cơ quan công an nơi gần nhất;

c) Cung cấp thông tin xác thực về vụ tai nạn cho cơ quan có thẩm quyền. Như vậy thì Luật giao thông đường bộ không có quy định "trừ trường hợp pháp luật có quy định khác" khi tai nạn giao thông, cho nên Bộ Công an không thể vận dụng để tạo ra cái quy định của thông tư nằm ngoài luật là ưu tiên cho xe cán bộ cấp cao như điều 22 dự thảo Thông tư được.

Cho nên, ở đây điều 22 quy định giải quyết ưu tiên đối với cán bộ cao cấp của dự thảo Thông tư nói trên cho thấy sự không phù hợp, thiếu công bằng, vì chẳng có văn bản pháp luật nào đã áp dụng cho mọi người lại ưu tiên cán bộ cấp cao được. Nội dung điều 22 của dự thảo thông tư này không đảm bảo được tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Vì vậy, Bộ Công an cần bỏ đi điều dự thảo này để tránh gây phản cảm trong nhân dân và để phù hợp với Hiến pháp và Luật Giao thông đường bộ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.