Âm nhạc

Giải thưởng âm nhạc đến thời “vui tai, vui mắt”

19/03/2020, 13:54

Tình trạng nghệ sĩ vắng mặt trong lễ trao giải, rút khỏi giải thưởng… diễn ra ngày càng nhiều.

img
Giải thưởng Zing Music Award 2019 gây tranh cãi khi trao giải cho “Gánh mẹ” - tác phẩm đang vướng tranh chấp bản quyền

Đến hẹn lại lên, những giải thưởng âm nhạc trong nước vẫn được tổ chức đều. Tuy nhiên, nó vấp phải sự quay lưng của công chúng cũng như nghệ sĩ cùng với ồn ào xảy ra khiến các giải thưởng đã “mất thiêng”.

Đề mục gây tranh cãi, chạy theo số đông

Được tổ chức từ năm 2010 và đã qua chặng đường 9 năm, Zing Music Award (ZMA) năm nào cũng vướng tranh cãi về việc trao giải. Gần đây, Zing Music Award 2019 bị chỉ trích khi vinh danh “Gánh mẹ” - bài hát đang có tranh chấp về bản quyền ở hạng mục Nhạc phim hay nhất. Không chỉ trao giải cho tác phẩm gây tranh cãi, giải thưởng này còn rút ngắn các hạng mục và chỉ còn 9 hạng mục, phù hợp với thị trường nhạc số lên ngôi.

Trong khi đó, giải thưởng Làn sóng xanh 2019 công bố kết quả và gây chú ý nhất là màn “bội thu” của Hoàng Thùy Linh. Nữ ca sĩ cùng ê-kíp mang về 8 giải thưởng, một điều chưa từng xảy ra tại Làn sóng xanh. Chiến thắng của Hoàng Thùy Linh gây bất ngờ và nổ ra những tranh cãi về việc nữ ca sĩ này có xứng đáng hay không. Nhưng nhìn vào danh sách các đề cử ở từng hạng mục, dễ thấy những cái tên đậm tính thị trường.

Đây không phải lần đầu Làn sóng xanh gây tranh cãi, năm 2018, giải thưởng này đã có sự “xuống giá” để thay đổi phù hợp với thị trường. Những “hiện tượng” như Chạy ngay đi, Hong Kong… từng gây ý kiến trái chiều khi xuất hiện trong danh sách đề cử.

Chẳng riêng Làn sóng xanh, ZMA hay những giải thưởng khác như Pops Awards, Keeng Young Awards… giải Âm nhạc Cống hiến được kỳ vọng là “Grammy của Việt Nam” cũng không ít lần vấp phải tranh cãi về danh sách đề cử. Có những sản phẩm tốt, được giới chuyên môn đánh giá cao vẫn không lọt vào đề cử. Tuy nhiên, có sản phẩm nặng tính thương mại nhưng vẫn được đề cử, khiến nhạc sĩ Huy Tuấn từng thốt lên: “Lần nào bản đề cử đưa ra cũng đều không thuyết phục”.

Sự thiếu thuyết phục của các đề cử dẫn tới việc giảm giá trị của các giải thưởng. Chính nhạc sĩ Anh Quân đánh giá, hầu hết các giải thưởng trong thời gian đầu làm rất tốt nhưng sau này nhạt dần, không ai quan tâm. Có những giải mà trước đây, nghệ sĩ sung sướng khi được nhận thì bây giờ, họ không còn hào hứng nữa. Anh cho rằng, một giải thưởng âm nhạc chỉ dựa theo số đông sẽ dần mất giá trị.

Quả thật, số đông dường như là yếu tố rất quan trọng với các giải thưởng âm nhạc ngày nay. Trong thời đại công nghệ, dễ thấy hầu hết các giải thưởng đều chịu ảnh hưởng của các bảng xếp hạng online, những lượt view trên mạng xã hội. Giải Cống hiến 2020 được trẻ hóa với những cái tên hầu hết đều sở hữu những “bài hát triệu view” như Thịnh Suy, Đạt G… Làn sóng xanh dù có Hội đồng bình chọn là 250 thành viên để đảm bảo tính công bằng nhưng hội đồng này vẫn đứng sau bình chọn của khán giả. Trong khi đó, lượt view trên mạng xã hội thường là ảo với những công cuộc “cày” view từ người hâm mộ.

Giải thưởng chỉ để… cho vui

Theo nhạc sĩ Anh Quân, BTC các giải thưởng âm nhạc hiện nay chưa cho thấy được sức nặng và sức ảnh hưởng của các giải thưởng. Điều đó khiến nghệ sĩ và công chúng thấy “có cũng được, không có cũng không sao”. “Giải thưởng phải toát lên chất lượng ở mọi khâu, từ việc vinh danh nghệ sĩ thế nào, người chấm giải tâm huyết ra sao, giải thưởng quan trọng như thế nào… Giải phải có sức ảnh hưởng thực sự chứ không phải chỉ là quảng bá. Dĩ nhiên, chất lượng nghệ thuật càng cao thì giải thưởng càng có uy tín”, nhạc sĩ Anh Quân nhấn mạnh.


Nhiều người làm nghệ thuật đều thừa nhận, các giải thưởng rất quan trọng bởi nó cho thấy sự ghi nhận của khán giả và những người làm nghề đối với thành tích và những cống hiến của nghệ sĩ. Đặc biệt, các giải thưởng có ý nghĩa hơn với nghệ sĩ trẻ bởi đây là động lực cho họ phấn đấu nhiều hơn.

Thế nhưng, sự quan trọng ấy có lẽ cần xem lại khi tình trạng nghệ sĩ vắng mặt trong lễ trao giải, rút khỏi giải thưởng… diễn ra ngày càng nhiều. Bên cạnh những nghệ sĩ lâu năm như: Đàm Vĩnh Hưng, Đan Trường, Phương Thanh… tuyên bố sẽ không tham gia bất cứ giải thưởng nào nữa với lý do “nhường sân chơi cho các bạn trẻ”, nhiều nghệ sĩ trẻ dù được đề cử vẫn rút lui.

Cuối năm 2019, đồng loạt nghệ sĩ như: Erik, Soobin Hoàng Sơn, Đức Phúc, Chi Pu… đã rút khỏi danh sách đề cử của giải thưởng Hàn Quốc Asia Artist Awards vì nhiều lý do. Hay tại Lễ trao giải ZMA 2017, dù được 4 đề cử nhưng Chi Pu cũng không tới dự, đồng thời tuyên bố rút khỏi danh sách đề cử của hạng mục “Nghệ sĩ mới của năm”.

Từng ngồi ghế Hội đồng nghệ thuật của nhiều giải thưởng, nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, sự đầu tư cho tác phẩm của nghệ sĩ còn lớn hơn phần thưởng từ giải thưởng mà họ nhận được. Thế nên, giải thưởng với nhiều người giờ đây chỉ để cho vui, quảng bá tên tuổi chứ không còn nhiều giá trị về mặt tôn vinh nghệ thuật. Có những tác phẩm tốt nhưng không có cơ hội để đến với đông đảo công chúng, còn những bài chỉ “vui tai, vui mắt” lại dễ được yêu thích. Giải thưởng chạy theo thị trường, tôn vinh những bài nhiều người thích như vậy sẽ dần bão hòa, không còn sức nặng và giá trị.

“Giải thưởng tốt phải qua hệ thống Hội đồng giám khảo nghệ thuật tốt. Nhưng các giải hiện nay, Hội đồng giám khảo liệu có tin được không? Hoặc có những giải do Hội đồng chuyên môn công nhận nhưng quần chúng không công nhận vì họ thấy không hợp gu âm nhạc của họ. Điều này lại liên quan việc giáo dục thẩm mỹ âm nhạc của công chúng”, nhạc sĩ chia sẻ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.