Hạ tầng

Giải tỏa “cơn khát” vật liệu làm cao tốc

Với việc Chính phủ ban hành Nghị quyết 133, các khó khăn về thủ tục cấp phép khai thác mỏ đã được tháo gỡ, giảm bớt căng thẳng nguồn vật liệu...

Nếu như cách đây 2 tháng, nhu cầu vật liệu đất đắp nền đường cho tất cả dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đang thi công thiếu hơn 22 triệu m3 thì đến nay, con số này chỉ khoảng 10 triệu m3, tập trung chủ yếu ở hai tỉnh Bình Thuận và Đồng Nai.

Với việc Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 133, sửa đổi Nghị quyết 60, chắc chắn nỗi lo thiếu vật liệu ảnh hưởng đến tiến độ dự án sẽ không còn căng thẳng như trước.

img

Tranh thủ thời tiết thuận lợi, nhà thầu Công ty CP Đầu tư xây dựng Trường Sơn huy động tối đa nhân công, thiết bị để đắp cát xử lý đoạn nền đất yếu dự án cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu. Ảnh: Văn Thanh

Gấp rút bổ sung nhiều mỏ

Nhằm tháo gỡ vướng mắc về nguồn vật liệu phục vụ thi công Dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020, ngày 19/10/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 133, sửa đổi bổ sung Nghị quyết 60 (ban hành ngày 16/6/2021).

Tại dự án cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết, ngày 19/10, ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 133, ông Lê Tuấn Phong, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận đã phê duyệt bổ sung 8 khu vực mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường vào quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản làm vật liệu.

Tổng trữ lượng dự kiến các mỏ này hơn 4.100.000m3.

Tại dự án Cam Lộ - La Sơn, đoạn qua tỉnh Thừa Thiên - Huế, ông Tạ Gia Mạnh Hưng, Trưởng phòng điều hành Dự án 2, Ban QLDA đường Hồ Chí Minh cho hay, hiện nay dự án còn thiếu khối lượng đất đắp tại gói thầu XL05 và XL06 khoảng hơn 600.000m3.
Ông Hưng cho biết, dù Chính phủ đã có Nghị quyết 133 nhưng đến nay phía địa phương vẫn chưa cho thấy động thái nào để đẩy nhanh thủ tục cấp phép, nâng công suất theo kiến nghị trước đó. Trong khi đó, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế có rất nhiều mỏ đã được quy hoạch. “Chỉ cần 2 trong số các mỏ này được cấp phép khai thác sẽ giải quyết được khoảng hơn 600.000m3 đất đắp còn thiếu tại gói thầu XL05 và XL06”, ông Hưng nói.


Cụ thể 7 mỏ đất san lấp ở huyện Bắc Bình gồm: Mỏ núi Cà Tăng trữ lượng 400.000m3, mỏ Núi Mục (400.000m3), mỏ thôn Sông Khiêng (500.000m3), mỏ Hòn Lúp (700.000m3), mỏ Đông Nam núi Cà Tăng (800.000m3), mỏ Đồng Gòn (240.000m3), mỏ đất tại xã Bình An (370.000m3) và 1 mỏ tại xã Tân Lập, huyện Hàm Thuận Nam (700.000m3).

Trước đó, báo cáo của Ban QLDA7 cho thấy, tổng nhu cầu vật liệu đắp nền đường của dự án còn thiếu hơn 6.000.000m3.

Để đảm bảo nhu cầu vật liệu, Ban QLDA 7 đã kiến nghị tỉnh Bình Thuận bổ sung 11 mỏ.

Ông Hoàng Tuấn Khoát, Phó giám đốc Ban QLDA 7 cho biết, với các mỏ vật liệu vừa được tỉnh cấp phép và bổ sung quy hoạch, sau khi đưa vào khai thác cơ bản giải quyết xong vấn đề đất đắp.

“Ban QLDA7 và các nhà thầu đã làm việc với tỉnh Bình Thuận và xác định mốc các mỏ vật liệu sẽ được cấp phép trong tháng 1/2022.

Quy trình cấp phép sẽ thực hiện theo tinh thần càng nhanh càng tốt, rút ngắn thời gian theo Nghị quyết 133 của Chính phủ”, ông Khoát nói.

Trên địa bàn Đồng Nai, ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Liên danh gói thầu XL04, dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây cho biết, đến nay gói thầu còn thiếu khoảng 400.000m3.

Sau khi áp dụng Nghị quyết 133 cùng với việc tỉnh Đồng Nai ra văn bản hướng dẫn cho phép cải tạo đất nông nghiệp, gò đồi đã tháo gỡ triệt để việc khan hiếm nguồn cung đất đắp.

Việc cấp phép sẽ được rút ngắn từ 6 tháng chỉ còn khoảng 2 tháng.

Đến nay UBND huyện Cẩm Mỹ (Đồng Nai) đang tiến hành song song các công đoạn và thủ tục còn lại để đẩy nhanh cấp phép các mỏ đất vào cuối tháng 11, đầu tháng 12 sẽ cơ bản giải quyết xong nguồn đất đắp cho hai gói thầu qua Đồng Nai.

“Các mỏ đang làm quy trình cấp phép nằm rất gần dự án, chỉ khoảng 4 - 8km. Do tiết kiệm được các chi phí nghiền sàng, không phải vận chuyển đi xa như trước, ước tính giá đất đắp chắc chắn dưới 100.000 đồng/m3, còn trước đây là 150.000 đồng/m3. Các nhà thầu như đã cởi được gánh nặng trên lưng”, ông Tuấn phấn khởi nói.

Rút ngắn thủ tục, thời gian cấp phép

img

Thi công cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây

Tại Thanh Hóa, ông Phạm Văn Hoành, Phó giám đốc Sở TN&MT tỉnh Thanh Hóa cho biết, với quy định trước đây thì để cấp phép hoạt động cho một mỏ vật liệu phải mất 3 năm.

Tuy nhiên, với cơ chế đặc thù theo Nghị quyết 133, thời gian rút ngắn rất nhiều, chỉ còn từ 4 - 6 tháng.

“Hiện nay, Sở cũng đã cấp được 4 mỏ theo cơ chế đặc thù. Tất cả các mỏ đã thăm dò xong và phê duyệt trữ lượng. Dự kiến trong tháng 12 này 4 mỏ sẽ đi vào hoạt động khai thác phục vụ cho cao tốc Bắc - Nam”, ông Hoành cho biết thêm.

Liên quan đến giá thành vật liệu bán tại mỏ, ông Hoành cho biết, các mỏ trên địa bàn hiện nay đang áp dụng giá của Bộ Tài chính quy định là 49.000 đồng/m3 để tính thuế.

Còn việc giá thành vận chuyển từ mỏ đến công trình phụ thuộc vào từng vị trí mỏ, khoảng cách vận chuyển.

Ông Cao Đăng Hoạt, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty TNHH Định An, nhà thầu đang thực hiện thi công tại dự án QL45 - Nghi Sơn cho biết, để phục vụ đất đắp cho hai gói thầu XL01 và XL02, đơn vị đã xin tỉnh Thanh Hóa cho phép khai thác mỏ đất tại huyện Như Thanh và được chấp thuận.

“Mỏ đất này có trữ lượng khoảng 5.000.000m3 và chúng tôi xin khai thác với công suất tối đa 4.000.000m3/năm. Về giá thành thì khi đơn vị trúng thầu được cấp mỏ sẽ chủ động được giá, cơ bản không vượt dự toán”, ông Hoạt cho biết thêm.

Tại Nghệ An, Chỉ huy trưởng công trường Công ty CP ĐTXD Trường Sơn (gói XL04, dự án Nghi Sơn - Diễn Châu) cho biết, với việc Chính phủ ban hành Nghị quyết 133, các khó khăn về thủ tục cấp phép khai thác mỏ đã được tháo gỡ, giảm bớt căng thẳng về nguồn vật liệu, nhất là đất đắp nền đường.

Hiện giá thành các loại vật liệu thi công như đất đắp, cát nền không còn cao như trước.

Về phía đại diện chủ đầu tư, ông Phạm Văn Minh, Phó giám đốc Ban QLDA 6 cho biết, khi các nhà thầu mới vào nhận bàn giao mặt bằng (cách đây 2 - 3 tháng) có bày tỏ lo ngại về việc khó khăn mỏ vật liệu, nguyên nhân chủ yếu là do thiếu sự kết nối.

Sau đó, Ban QLDA 6 đã đốc thúc nhà thầu làm việc với chủ mỏ, phía chủ mỏ cũng phải chủ động hoàn thiện hồ sơ với chính quyền để đẩy nhanh thủ tục.

“Tính đến nay, với hơn 40 mỏ đất, cát đã và sắp được cấp phép mới trên địa bàn tỉnh Nghệ An, chắc chắn dự án sẽ không thiếu vật liệu đắp. Trước khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 133, trong buổi làm việc với Bộ GTVT, ông Lê Hồng Vinh - Phó chủ tịch tỉnh Nghệ An đã khẳng định, đơn vị nào, mỏ nào có nhu cầu nâng công suất để cấp vật liệu cho dự án cao tốc thì trình hồ sơ lên là tỉnh sẽ giải quyết ngay”, ông Minh nói.

Tại dự án cao tốc QL45 - Nghi Sơn, ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Giám đốc Điều hành dự án (Ban QLDA 2) cho biết, công trình cần hơn 5.500.000m3 đất đắp, 707.000m3 đá các loại và hơn 1.000.000m3 cát.

Theo ông Quỳnh, vật liệu cát và đá cơ bản đáp ứng. Riêng đối với đất đắp, các đơn vị liên quan đã khảo sát 11 mỏ đất đạt tiêu chuẩn đắp nền đường K95, K98 với tổng trữ lượng khoảng 15.000.000m3.

Riêng trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, vật liệu san lấp cần cung cấp cho đoạn cao tốc Nha Trang - Cam Lâm dự kiến thiếu 4.700.000m3.

Để đảm bảo nguồn vật liệu phục vụ cho thi công dự án, qua khảo sát thực tế, nhà đầu tư (Công ty TNHH Đầu tư đường cao tốc Nha Trang - Cam Lâm) kiến nghị xin phép được lập phương án và múc đất mặt bằng trước mắt tại 5 vị trí đồi đất lân cận tuyến đường cao tốc với tổng trữ lượng khoảng hơn 1.000.000m3.

Sở TN&MT tỉnh Khánh Hòa cho biết, hiện UBND tỉnh này đã đồng ý chủ trương cho phép nhà đầu tư được lập phương án và múc đất tạo mặt bằng tại 5 vị trí.

Tuy nhiên, các điểm này nằm ngoài quy hoạch thăm dò khai thác khoáng sản của tỉnh, chưa được các cấp thẩm quyền phê duyệt nên hiện chưa áp dụng Nghị quyết 133 của Chính phủ.

“Hiện tỉnh đưa ra giải pháp là lập hồ sơ, điều chỉnh quy hoạch, đưa các điểm mỏ đề xuất vào quy hoạch. Dự kiến tháng 12 này sẽ trình HĐND tỉnh tại kỳ họp thứ 4 thông qua thì lúc đó mới áp dụng Nghị quyết 133 của Chính phủ”, ông Bùi Minh Sơn, Trưởng phòng Khoáng sản, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Khánh Hòa cho biết.

Cải thiện nguồn cung vật liệu

Theo ông Lê Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông (QLXD&CLCTGT, Bộ GTVT) cho biết, Nghị quyết 133 có nhiều điểm mới so với Nghị quyết 60.

Cụ thể, trong Nghị quyết 60 chỉ quy định cho phép các mỏ vật liệu thông thường đã cấp phép, đang hoạt động, còn thời hạn khai thác, được cấp phép nâng công suất không quá 50% công suất ghi trong giấy phép khai thác.

Tuy nhiên, điểm mới trong Nghị quyết 133 vừa ban hành là Chính phủ cho phép các mỏ đất đắp nền đường được nâng công suất theo nhu cầu của dự án đường cao tốc, không giới hạn 50% công suất ghi trong giấy phép, đến khi dự án hoàn thành thì bàn giao lại mỏ cho địa phương.

“Trong Nghị quyết 133 có thêm quy định mới nữa là Chính phủ yêu cầu các địa phương phải thực hiện các giải pháp triển khai đồng thời các thủ tục hành chính trong quá trình cấp phép khai thác mỏ vật liệu nhằm đẩy nhanh tiến độ giải quyết thủ tục hành chính, rút ngắn thủ tục cấp phép khai thác mỏ vật liệu”, ông Tiến chia sẻ.

Trước khi Chính phủ có Nghị quyết 133, vào cuối tháng 9 vừa qua, trong văn bản báo cáo Thủ tướng, Bộ TN&MT cho biết, tại thời điểm kiểm tra, 9/11 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam có tổng nhu cầu đất đắp nền đường khoảng 51.000.000m3 (sau khi đã sử dụng đất đắp nền đường tại chỗ).

Ngoài hai dự án thiếu khối lượng rất ít (Cam Lộ - La Sơn, đoạn qua Quảng Trị thiếu khoảng 160.000m3, cầu Mỹ Thuận 2 thiếu khoảng 40.000m3), các dự án còn lại thiếu khối lượng lớn gồm: Mai Sơn - QL45 (thiếu 7.100.000m3), Cam Lộ - La Sơn (đoạn qua Thừa Thiên - Huế thiếu 1.900.000m3), Vĩnh Hảo - Phan Thiết (thiếu 7.500.000m3), Phan Thiết - Dầu Giây (thiếu 4.500.000m3).

Ông Tiến cho biết, đến thời điểm này, nguồn vật liệu nhất là đất đắp nền đường phục vụ thi công cao tốc Bắc - Nam đã dần ổn định hơn, một số địa phương trong thời gian qua, điển hình là Bình Thuận đã cấp phép thêm được mỏ vật liệu, cộng thêm các mỏ được nâng công suất khai thác chắc chắn sẽ cải thiện nguồn cung vật liệu cho cao tốc Bắc - Nam.

“Cách đây gần 2 tháng, nhu cầu vật liệu đất đắp nền đường cao tốc Bắc - Nam thiếu hơn 22.000.000m3. Tuy nhiên, đến thời điểm này, thống kê của chúng tôi cho thấy, nhu cầu vật liệu cho tất cả dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đang tổ chức thi công chỉ còn thiếu khoảng 10.000.000m3, tập trung chủ yếu ở hai tỉnh Bình Thuận và Đồng Nai”, ông Tiến chia sẻ.

Đình Quang

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.