Văn hóa - Giải Trí

Giải trí trên mạng đang hút tiền, khán giả của truyền hình

06/06/2017, 08:52

Trong khi thị trường quảng cáo trên sóng truyền hình đang rơi vào khủng hoảng thì giải trí trên MXH lại nở rộ.

22

Giọng hát Việt 2017 khá tẻ nhạt

Điều đó, khiến các đơn vị sản xuất chương trình truyền hình giải trí phải thay đổi chiến lược cho phù hợp xu thế mới.

Khi giải trí truyền hình khó “thu vàng”

Có thể coi cách đây 3, 4 năm là thời kỳ hoàng kim của các chương trình giải trí trên truyền hình. Các chương trình gameshow, truyền hình thực tế với đủ thể loại từ hài kịch, âm nhạc, thể thao, xã hội đua nhau lên sóng, đem lại siêu lợi nhuận cho nhà đài lẫn nhà sản xuất. Tại đêm chung kết Gương mặt thân quen mùa 2 năm 2014, mỗi block quảng cáo 30 giây có mức giá quảng cáo lên tới 370 triệu đồng. Tại đêm chung kết The Voice Kids 2013, cũng có giá 280 triệu đồng cho 30 giây quảng cáo trước và trong show truyền hình thực tế này. Trung bình mỗi chương trình khoảng hơn chục spot quảng cáo và sau khi đã trừ tất cả các chi phí, các nhà sản xuất có thể lãi hàng tỷ đồng.

Tuy nhiên, hiện nay, các chương trình giải trí trên truyền hình đang bị bão hòa, cùng với sự đi xuống về chất lượng nội dung chương trình, đã khiến khán giả quay lưng.

Dù nhà sản xuất đã tìm mọi cách để duy trì sự sống cho các chương trình giải trí trên truyền hình nhưng xem ra đời sống của chúng ngày càng khó khăn và phải kết thúc ngắn ngủi. Mới đây, cả hai chương trình truyền hình thực tế được đánh giá ăn khách trước đây là The remix - Hòa âm ánh sáng và The voice - Giọng hát Việt đều không được truyền hình trực tiếp trong năm nay. Cả hai chương trình đều ghi hình phát sóng và chỉ có một buổi được truyền hình trực tiếp là đêm chung kết.

Tài trợ khó khăn chỉ là một phần, sự sống còn của chương trình phụ thuộc vào số lượng spot quảng cáo được phát trong chương trình khi lên sóng. Không khó để thấy ở thời điểm hiện tại, các nhãn hàng không còn chi nhiều tiền cho quảng cáo trên sóng truyền hình. Điều này hoàn toàn hợp lý bởi với sự phát triển vượt bậc của internet hiện nay, hình thức quảng cáo truyền thống trên truyền thông, đặc biệt là sóng truyền hình, không còn hiệu quả như trước đây, nhất là khi các chương trình giải trí trên truyền hình đang bão hòa.

Ông Phạm Ngọc Linh, Giám đốc điều hành Công ty CP Tiếp thị và Truyền thông Unique cho biết, xu thế hiện nay người người sử dụng kênh online, nhà nhà sử dụng mạng xã hội. Chính vì thế, những người làm truyền thông, các nhãn hàng cũng phải chạy theo người dùng để làm online.

Thực tế, quảng cáo trên truyền hình mức độ hiệu quả đang bị giảm sút rõ ràng. Nguyên nhân là bởi trước đây khán giả không có nhiều lựa chọn ngoài truyền hình. Còn bây giờ, khán giả với một chiếc smart phone đã có thể “chu du khắp thế giới” nên rõ ràng quảng cáo trên truyền hình đang bị ảnh hưởng. Không chỉ có vậy, còn có rất nhiều kênh truyền hình để người dùng lựa chọn nên việc quảng cáo trên truyền hình chưa hẳn sẽ chạm tới khách hàng mục tiêu và tiềm năng.

Giành thị phần quảng cáo của truyền hình?

Theo báo cáo của Công ty Nghiên cứu thị trường Nielsen Việt Nam năm 2016, Việt Nam đang dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về xu hướng xem video trực tuyến theo nhu cầu  hàng tuần (VOD: video-on-demand) với tỷ lệ 92%. Trong đó, tỷ lệ xem các chương trình giải trí (90%) và các chương trình/video ca nhạc (87%). Hai trang được người sử dụng để xem các nội dung VOD là trang YouTube (97%), Facebook (81%).

Để bắt kịp với nhu cầu xem của khán giả trong thời đại kỹ thuật số, rất nhiều công ty truyền thông và quảng cáo tham gia thị trường sản xuất chương trình truyền hình giải trí đang chuyển hướng sang khai thác thị trường online thay vì sóng truyền hình như lâu nay. Hiện nay, Cát Tiên Sa đang xây dựng cả hệ thống YouTube của riêng mình để kinh doanh, ít nhất là các chương trình do công ty sản xuất cùng với các sản phẩm của các nghệ sĩ do công ty quản lý. BHD đã xây dựng website Danet. Ngoài phim, hệ thống này sẽ sớm ra mắt hệ thống video theo yêu cầu; ở đó, công chúng có thể xem các chương trình do đơn vị này sản xuất.

Theo ông Linh, hiện nay các nhãn hàng lớn đang chuyển dần chi phí quảng cáo sang môi trường mạng và tăng lên rất nhiều. Ví dụ như Coca Cola hiện đã chi tới 15% tổng ngân sách quảng cáo sang môi trường mạng. Hay như Oppo, Samsung với nhiều hình thức như tài trợ MV ca nhạc, tài trợ kênh YouTube, quảng cáo fanpage và rất nhiều hình thức khác.

Đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh cho biết, khi mà vị thế của chiếc tivi không còn là phương tiện giải trí quan trọng và duy nhất, việc lên ngôi của các phương tiện kỹ thuật số dần thay thế gần như hết tất cả chức năng của nó. Không lệ thuộc giờ chiếu, có thể coi bất cứ lúc nào và sẽ phát triển bởi đáp ứng được nhu cầu phù hợp của những người trẻ. “Với hình thức chuyển đổi này, nhà sản xuất không phải trả phí mua sóng (khá đắt đỏ, đặc biệt sóng giờ vàng) mà vẫn thu được quảng cáo, bên cạnh đó còn tiết kiệm chi phí sản xuất. Dự đoán quảng cáo online sẽ giành mất rất nhiều thị phần quảng cáo của truyền hình”, đạo diễn cho biết.

Nữ đạo diễn Phúc Phạm, người từng đạo diễn rất nhiều gameshow truyền hình cho biết, môi trường mạng đang là xu hướng phát triển chung của thế giới. Vì vậy, hiện chị và công ty của mình đã chọn phát triển sản phẩm trên nền tảng digital là Youtube. Tuy nhiên, nữ đạo diễn cho rằng để theo đuổi xu hướng này cần một ê-kíp chuyên nghiệp từ nhạy bén nắm bắt, định hướng phát triển nền tảng online cho đến bộ phận sản xuất.  

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.