Kinh tế

Giảm 30% thuế TNDN cho mọi DN: Không đơn hàng, lợi nhuận đâu để giảm thuế?

17/09/2020, 18:07

Đề xuất giảm 30% thuế TNDN cho tất cả DN được đánh giá không kịp thời khi ảnh hưởng của đợt dịch Covid-19 lần thứ 2 đặc biệt lớn.

img
Số lao động mất việc làm tăng mạnh, tập trung chính ở các lĩnh vực như du lịch, hoạt động dịch vụ lưu trú và ăn uống, xây dựng, vận tải, chế biến chế tạo...(Ảnh: Minh họa).

Vô nghĩa với doanh nghiệp nhỏ?

Theo kết quả khảo sát của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), tác động của đợt dịch Covid-19 lần thứ 2 đến cộng đồng doanh nghiệp (DN) đặc biệt lớn.

Theo đó, chỉ 2% DN tạm thời chưa bị ảnh hưởng do đại dịch, còn lại 20% DN dừng hoạt động, 76% không cân đối được thu chi, 2% đã giải thể, 47% DN buộc phải cắt giảm lao động.

Khó khăn lớn nhất mà DN phải đối mặt trong thời gian tới là không có khách hàng/đơn hàng/hợp đồng… bởi tình hình kinh tế toàn cầu dự báo còn chậm phục hồi khi tình hình Covid-19 đến nay vẫn còn tiếp diễn.

Trước thực tế trên, Ban IV đề xuất giảm thuế thu nhập DN 30% cho các DN năm 2020, thay vì chỉ áp dụng với DN có tổng doanh thu năm 2020 không quá 200 tỷ đồng.

Chia sẻ về gói hỗ trợ được đề xuất, anh Hạnh, chủ một DN tư nhân nhận định, đề xuất này chỉ có lợi cho những DN lớn, vô nghĩa đối với DN nhỏ không có doanh thu và bất cập khi thời gian thực hiện không thiết thực.

Vị này lý giải: Hầu hết DN chịu tác động mạnh từ Covid-19 và đều mong chờ hỗ trợ kịp thời, tuy nhiên, những DN nhỏ sẽ ít khi còn lợi nhuận sau thuế để hưởng đề xuất này bởi họ có lượng người lao động tay chân cao nên chi phí duy trì nhiều, khác với DN lớn vận hành máy móc phần nhiều sẽ tiết giảm hơn được nhiều phát sinh…

“Đề xuất này chỉ có lợi cho DN lớn, một phần do thời gian thực hiện phải đợi đến 2021, lúc đó, liệu DN nhỏ, tài chính yếu có đủ sức đợi?”, vị này nói.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Da giầy Túi xách cho biết: Hầu hết các DN trong hiệp hội đều khó tiếp cận các chính sách hỗ trợ bởi có nhiều giấy tờ thủ tục cần xác nhận của nhiều cơ quan và mất nhiều thời gian chờ đợi nên DN tặc lưỡi không xin hỗ trợ nữa. “Cũng có nhiều DN thất vọng vì “kiến nghị nhiều lần mà gần như không có thay đổi và cũng không biết kêu ai”, bà Xuân nói.

Về đề xuất giảm 30% thuế TNDN cho tất cả DN, bà Xuân băn khoăn, DN không có đơn hàng, đồng nghĩa với việc không có doanh thu…như vậy lấy gì để hưởng lợi trong gói này. “Rõ ràng không thể đưa ra một chính sách dài hơi khi các gói ngắn hạn vẫn khó đến tay DN. Đừng để chính sách hỗ trợ trở nên vô nghĩa khi thiếu tính kịp thời", bà Xuân nhấn mạnh.

Cần bỏ bớt "điều kiện con", thêm chính sách ngắn hạn

Theo bà Xuân, trước mắt cần bỏ bớt "điều kiện con" để DN dễ tiếp cận chính sách trước khi hướng đến chính sách lâu dài khác hoặc thêm những chính sách ngắn hạn khác từ kinh nghiệm của các nước lớn.

“Nhà nước cần đưa ra chính sách mạnh hơn như bài học của các nước trên thế giới, đó là có thể xem xét dưới góc độ chấp hành việc đóng thuế, vi phạm pháp luật trong quá trình hoạt động của DN, sau đó cho hưởng chế độ chung theo đánh giá tác động ngành nghề bị ảnh hưởng”, bà Xuân nêu ý kiến.

Bà Xuân chia sẻ, khi khó khăn, DN thường rất dễ rơi vào trạng thái tiêu cực, cũng rất dễ bỏ cuộc khi thủ tục quá rối, lại càng thất vọng khi mong muốn trực tiếp như giảm tiền bảo hiểm xã hội, giảm thuế thu nhập cá nhân…không được đề cập nên một chính sách “cởi trói” rất cần thiết.

Bày tỏ nhận định về gói hỗ trợ, ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) cho rằng, đề xuất giảm 30% thuế TNDN cho tất cả DN năm 2020, thay vì chỉ áp dụng với DN có tổng doanh thu năm 2020 không quá 200 tỷ đồng là rất táo bạo, hợp tình hợp lý bởi DN lớn cũng có những góc độ khó khăn nhất định chứ không phải riêng gì DN nhỏ.

Tuy nhiên, với đề xuất này, DN phải đợi khi có báo cáo tài chính năm 2020 mới được hỗ trợ, tức là năm 2021 DN mới được hưởng chính sách. Trong khi, hiện các DN, đặc biệt là DN vừa, nhỏ, và siêu nhỏ vẫn đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ khốn khó, lao đao và rất cần những chính sách hỗ trợ vừa cấp bách vừa mang tính chiến lược lâu dài khi dịch Covid-19 lần 2 ập đến.

Do đó, nhất định cần đưa ra những giải pháp tổng thể, những định hướng chiến lược để giúp DN duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh tức thời và tìm kiếm cơ hội mới…

“Có nghĩa là tạo mọi điều kiện, hạn chế mọi thủ tục, tận dụng nhiều nguồn lực tài chính để đưa ra các chính sách nhằm giúp DN càng sớm càng tốt", ông Thân nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.