Hỏi - Đáp

Giảm án tử cho tội tham nhũng: Không phải có tiền là “trắng tội”

16/06/2015, 05:04

Nhưng điều đó không phải là có tiền khắc phục thì anh được “trắng tội”.

Nguyễn Công Hồng
Ông Nguyễn Công Hồng.

Với những trường hợp tuyên án tử hình rồi nhưng trong quá trình chờ thi hành án, người đó có lập công hay khắc phục thiệt hại thì có thể được xem xét để chuyển án xuống tù chung thân. Nhưng điều đó không có nghĩa là có tiền sẽ được “trắng tội”.

Đó là quan điểm của ông Nguyễn Công Hồng (ảnh), Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đưa ra trong cuộc trao đổi với Báo Giao thông bên hành lang Quốc hội ngày 15/6 về Dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi). Dự luật này được thảo luận tại hội trường Quốc hội ngày hôm nay (16/6).

Trong dự án luật lần này có xu hướng gom hành vi tham nhũng vào chương các loại tội phạm về chức vụ. Có nhiều ý kiến cho rằng, làm như thế chưa đủ sức để phòng chống tham nhũng mà cần có chương riêng. Quan điểm của ông thế nào?

Tôi nghĩ công cụ pháp lý đóng góp vào đấu tranh có hiệu quả phòng chống tham nhũng, nhưng nó không phải là duy nhất, cũng không phải là liệu pháp có thể trị bách bệnh được. Muốn đấu tranh chống tham nhũng có hiệu quả thì cần nhiều yếu tố chứ không chỉ có cơ sở pháp lý.

Tôi cho rằng trong lĩnh vực này, chuyện quy định hẳn một chương về tham nhũng hay để nó trong chương tội phạm chức vụ không quan trọng, mà quan trọng hơn là chúng ta làm sao cụ thể hóa được hành vi tham nhũng và các tội danh về tham nhũng, nêu rõ ràng các yếu tố cấu thành để có thể áp dụng trên thực tế. Và khi chúng ta xây dựng một hình phạt nghiêm khắc, tương xứng với hành vi vi phạm như vậy thì phải tổ chức thi hành cho đến nơi đến chốn.

Đấu tranh phòng chống tham nhũng hiệu quả hay không hiệu quả nằm ở chỗ các hành vi tham nhũng chúng ta đưa ra đã chính xác chưa, tội danh như vậy đã đầy đủ, cụ thể để cho các cơ quan tiến hành tố tụng có thể áp dụng một cách rất thuận lợi trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử hay chưa. Nếu rồi thì phải quán triệt làm sao thực hiện cho triệt để.

Dự án luật có đề cập đến việc giảm án tử hình đối với tội phạm về kinh tế nếu người phạm tội khắc phục hậu quả cũng như ghi công được Nhà nước công nhận. Nhiều đại biểu và cử tri băn khoăn đây có thể là khe hở cho những tội phạm liên quan đến tham nhũng lợi dụng. Quan điểm của ông như thế nào?

Trong dự thảo luật, Chính phủ có đề xuất ba hướng. Hướng thứ nhất là giảm những điều luật có quy định án tử hình. Hướng thứ hai là tăng cường các điều kiện có thể áp dụng án tử hình để có thể hạn chế việc thực hiện án tử hình. Thứ ba là quy định khi đã tuyên án án tử hình rồi thì cũng đưa ra một cơ hội để người phạm tội có quyền giữ lại mạng sống của mình. Vì thế, Chính phủ mới đề xuất một hướng là đối với những trường hợp tuyên án tử hình rồi nhưng trong quá trình chờ thi hành án, người đó có lập công hay khắc phục cơ bản những thiệt hại do hành vi của mình gây ra thì có thể được xem xét để chuyển án tử hình xuống tù chung thân. Nhưng điều đó không phải là có tiền khắc phục thì anh được “trắng tội”.

Đối với các tội về kinh tế, mục đích sâu xa là làm sao tước bỏ mọi lợi nhuận, lợi ích phi pháp mà kẻ phạm tội đã đạt được, qua đó thu về cho ngân sách Nhà nước hoặc trả lại cho người bị xâm hại chứ không phải mục đích là trừng trị người vi phạm. Pháp luật của chúng ta vừa mang tính giáo dục, vừa mang tính trừng trị, răn đe và phòng ngừa. Do đó, đối với tội phạm kinh tế nói chung hay tội phạm chức vụ, quan điểm của tôi là nếu họ khắc phục được, nếu họ cải tà quy chính, ăn năn hối cải, thậm chí lập công nữa thì cũng nên cho người ta một con đường sống, đó cũng là một hướng nhân đạo. Tôi nói như thế hoàn toàn không có nghĩa là không trừng trị loại tội phạm này, bởi khi đó họ vẫn phải chịu tù chung thân, hình phạt hết sức nghiêm khắc, chỉ là có cơ hội sống mà thôi. Nhưng lưu ý cần phải quy định rõ hơn, chứ quy định như trong dự thảo còn quá chung nên trên thực tế nếu áp dụng có thể sẽ gặp khó khăn.

Cũng liên quan đến hành vi phạm tội này, dự thảo luật sửa đổi bổ sung thêm hình phạt mà nhiều cử tri băn khoăn, đó là hình phạt cải tạo không giam giữ, tức là nhằm tạo án treo, án không giam giữ nhiều hơn. Liệu quy định như vậy có phù hợp, thưa ông?

Thực ra hình phạt cải tạo không giam giữ hay nộp tiền thay thế không phải là hình phạt mới. Chỉ có điều trong chương “Tội phạm về chức vụ” lần này có bổ sung thêm một số tội danh được áp dụng hình phạt tiền và cải tạo không giam giữ. Giảm hình phạt tù, tăng hình phạt tiền, cải tạo không giam giữ, giảm án tử hình là những chủ trương lớn của Đảng trong cải cách tư pháp. Nhưng để bố trí những hình phạt này vào những tội danh nào, vào những hành vi phạm tội cụ thể nào thì cần phải cân nhắc kỹ.

Cũng có dư luận cho rằng nếu bổ sung hai hình thức này vào chương Tội phạm về chức vụ thì không đảm bảo tính nghiêm minh, vì người có chức vụ càng cần phải xử phạt nặng hơn. Theo quan điểm của tôi, ở  một mặt nào đấy, luật pháp tốt là một chuyện, nhưng cái quan trọng hơn lại là con người. Tội phạm xảy ra muôn hình vạn trạng, nó tùy vào từng sự vụ cụ thể, hoàn toàn không giống nhau, nên hình phạt càng phong phú thì khả năng lựa chọn chính xác để quyết định về hành vi càng tốt hơn.

Tuy nhiên, nếu như chúng ta làm không tốt, người vận dụng tùy tiện thì việc bổ sung hai hình phạt này vào ở một mặt nào đó có thể sẽ là kẽ hở để một số người lợi dụng nhằm giảm nhẹ tội.Cảm ơn ông!

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.