Chuyện dọc đường

Giảm áp lực vốn Nhà nước, chia sẻ rủi ro với nhà đầu tư

15/11/2017, 06:18

Xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 hết sức cần thiết...

06b57a486cbe022f98ae2da9ed164606_XL

Ảnh minh họa

Thực tế thời gian qua, QL1 đã mở rộng 4 làn xe nhưng cũng chỉ giải quyết được nhu cầu trước mắt, đến nay nhiều đoạn đã bắt đầu ùn tắc, điển hình như đoạn Ninh Bình - Thanh Hoá, Dầu Giây - Phan Thiết... Bên cạnh đó, việc mở rộng đường gom còn hạn chế, thành phần còn hỗn hợp cả ô tô, xe máy, xe thô sơ, như vậy là không hợp lý.

Dự án này của Chính phủ đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, tập trung khắc phục những hạn chế của các dự án BOT thời gian qua, chuyển từ chỉ định thầu sang đấu thầu, chỉ làm BOT với những tuyến đường mới, không lặp lại những gì mà người dân không đồng tình trên cơ sở mọi việc phải theo tinh thần công khai, dân chủ, minh bạch.

Để thực hiện, theo tôi nên áp dụng phương thức huy động vốn theo hình thức đối tác công - tư, PPP bởi nó không chỉ giảm áp lực vốn Nhà nước mà còn chia sẻ rủi ro với nhà đầu tư. Nhưng để dự án có hiệu quả, phải tính toán quy mô với tầm nhìn dài hạn, tránh đầu tư xong không sử dụng hết công suất gây lãng phí, hoặc đầu tư để hiệu quả ngay nhưng lại sớm quá tải.

Trong GPMB, Chính phủ cần quan tâm GPMB với quy mô hoàn chỉnh một lần, cắm mốc lộ giới, ổn định cuộc sống cho người dân, hạn chế chi phí đền bù trong thời gian tiếp theo. Đặc biệt, phải có khung chính sách, thống nhất mức đền bù GPMB để không có chuyện nơi này hơn nơi khác, người trước thiệt thòi hơn người sau.

Việc thi công cần đảm bảo tiến độ, phấn đấu rút ngắn thời gian, sớm đưa công trình vào khai thác, phát huy hiệu quả, bởi nếu chậm một năm chi phí sẽ đội lên, kéo theo sẽ tăng cả thời gian thu phí.

Một thực tế không thể không nhắc đến là sự tham gia của các nhà đầu tư. Thực tế, hiện nay nhiều nhà thầu không dám tham gia làm BOT, như một số vụ việc vừa qua, khi ký hợp đồng thì thống nhất mức giá, nhưng xong rồi thì phát sinh hoặc người dân có phản ứng lại lập tức thay đổi, giảm giá khiến nhà thầu rất khó xử, rất khó khăn cho doanh nghiệp.

Để khắc phục tình trạng này, Chính phủ phải chỉ đạo thống nhất, cụ thể, đặc biệt nên quan tâm chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước ưu tiên sắp xếp nguồn vốn dài hạn. Cùng với đó, phải có cơ chế giám sát đảm bảo chất lượng, tiến độ, hiệu quả. Đặc biệt, sớm có phương án huy động nguồn lực để kết nối tuyến giao thông Bắc - Nam theo đúng quy hoạch.

Nguyễn Ngọc Phương
Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.