Thi viết về GTVT

Giám đốc đăng kiểm đi làm thuê… một cổ nhiều tròng

12/03/2019, 09:00

Nhiều giám đốc đăng kiểm chia sẻ, thường xuyên phải chịu sức ép vô hình từ chủ doanh nghiệp, nhất là trong vấn đề cạnh tranh...

img
Người của Cục Đăng kiểm VN kiểm tra chất lượng đăng kiểm tại một trung tâm đăng kiểm Thái Nguyên

Nếu như trước đây, giám đốc một trung tâm đăng kiểm là mơ ước của rất nhiều người và phải đạt những tiêu chuẩn vô cùng khắt khe. Nhưng khi đăng kiểm mở rộng cánh cửa xã hội hóa, vị thế của lãnh đạo trung tâm đăng kiểm khác đi nhiều và cũng chỉ như một nghề đi làm thuê...

Người bỏ nghề, kẻ làm thuê

Cách đây vài tháng, ông Nguyễn Văn Đắc, người từng nhiều năm làm tổng giám đốc các trung tâm đăng kiểm xe ô tô ở Quảng Ninh quyết định bỏ nghề dù ông vẫn có thể tiếp tục đảm đương chức vụ này trong nhiều năm.

Chia sẻ về quyết định có phần bất ngờ này, ông Đắc cho biết, nay đơn vị đã được cổ phần hóa hoàn toàn, giám đốc không còn quyền tự quyết định như thời còn là đơn vị sự nghiệp Nhà nước. “Giám đốc giờ cũng chỉ là người làm thuê cho chủ doanh nghiệp, như bao người công nhân khác nên việc ông nghỉ việc cũng không ảnh hưởng gì đến đơn vị”, ông Đắc nói.

“Chủ doanh nghiệp đưa ra một số yêu cầu tế nhị nếu tiếp tục giữ chức giám đốc, cũng như quan điểm vận hành trung tâm có sự khác nhau nên tôi quyết định rời nghề đăng kiểm”, ông Đắc chia sẻ thêm.

Ông Đắc kể, cách đây hơn 2 năm, từ sau khi đơn vị chuyển sang mô hình doanh nghiệp cơ chế vận hành có sự thay đổi, cả lãnh đạo và đội ngũ đăng kiểm viên, nhân viên cũng bị quản lý chặt hơn. “Thời trước, nếu ai đi sớm về muộn hoặc bị mắc lỗi gì cũng chỉ bị phê bình, khiển trách là cùng. Còn theo quy chế của doanh nghiệp hiện nay, hễ mắc lỗi là bị trừ tiền, trừ lương. Có phản ánh, kiện cáo là bị tạm đình chỉ ngay mà không cần giải thích”, ông Đắc nói và cho biết, sau khi cổ phần, nhiều người không chịu được sức ép phải xin nghỉ. Có người đang làm trưởng dây chuyền cũng xin nghỉ do thấy không còn phù hợp với cơ chế mới.

Ông T.M.L, người từng lãnh đạo một trung tâm đăng kiểm thuộc một sở GTVT ở Tây Nguyên, sau khi đơn vị được cổ phần hóa một thời gian cũng chuyển sang đầu quân cho một trung tâm đăng kiểm tư nhân ở phía Bắc. Nhưng mới đây ông L. cũng quyết định bỏ nghề. Lý do là khi trung tâm này khuyết vị trí giám đốc, ông được mời về làm việc, đến khi đủ, doanh nghiệp không còn nhu cầu thuê nữa.

Ông L. kể, thời trung tâm đăng kiểm là đơn vị Nhà nước, lãnh đạo trung tâm đăng kiểm chỉ làm công tác quản lý, chỉ đạo, ký giấy tờ. Còn giờ làm thuê cho doanh nghiệp, lãnh đạo cũng phải xắn tay vào kiểm định xe.

“Ông chủ doanh nghiệp thường tính toán để sử dụng tối thiểu nhất nhân lực, giảm chi phí. Giám đốc cũng đồng thời làm trưởng dây chuyền, cũng là người trực tiếp làm luôn”, ông L. kể.

Khác với các trường hợp trên, khi trung tâm đăng kiểm thuộc Sở GTVT Ninh Bình chuyển đổi sang mô hình công ty cổ phần, đội ngũ cán bộ và nhân viên đơn vị nắm giữ cổ phần chi phối nên giám đốc chỉ phải “làm thuê” cho mình và cổ đông. “Các trung tâm đăng kiểm giờ phải cạnh tranh nhau nên khi sang cơ chế doanh nghiệp, cả lãnh đạo, nhân viên trung tâm không thể ngồi chờ phương tiện đến với mình như trước mà phải chăm sóc, ứng xử nhã nhặn với khách hàng để giữ chân họ, chủ động giới thiệu, tuyên truyền để chủ xe mới biết đến trung tâm”, ông Nguyễn Trung Thao, Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm 35-01D Ninh Bình cho biết.

img
Đăng kiểm phương tiện tại một trung tâm đăng kiểm tại Hà Nội

Nhiều sức ép vô hình

So với thời trung tâm đăng kiểm thuộc Nhà nước và doanh nghiệp từ góc độ khác, ông Mai Quốc Vinh, người từng làm giám đốc đăng kiểm ở Sơn La cho biết, trước đây xe không đạt tiêu chuẩn có thể bị “đuổi về” dăm lần bảy lượt là chuyện bình thường. Nhưng bây giờ nếu làm quá chặt, cũng lo xe sẽ chuyển sang kiểm định ở trung tâm khác, đồng nghĩa với việc giảm doanh thu.

Cũng theo ông Vinh, các trung tâm đăng kiểm Nhà nước phần lớn chỉ làm đến sáng thứ bảy. Còn nhiều trung đăng kiểm tư nhân hiện nay buộc nhân viên phải làm việc thêm giờ, thậm chí cả chủ nhật.

Nếu là trung tâm đăng kiểm Nhà nước, để sa thải thay thế phải theo luật viên chức, phải có căn cứ pháp luật. Còn bây giờ giám đốc đi làm thuê, nếu bị thay thế không chính đáng cũng chỉ tự bảo vệ bằng luật lao động, nhưng khi đó lại lo không còn ai dám thuê mình làm nghề đăng kiểm nữa.
Ông Mai Quốc Vinh,
người từng làm Giám đốc, Đăng kiểm ở Sơn La

Đề cập chuyện làm giám đốc trung tâm đăng kiểm thời nay, một số giám đốc đơn vị ở phía Bắc cho biết, thường xuyên phải chịu sức ép vô hình từ chủ doanh nghiệp, nhất là trong vấn đề cạnh tranh với các đơn vị đăng kiểm khác bằng việc giữ chân phương tiện để tăng doanh thu. Bởi đơn giản là giá dịch vụ kiểm định, chi phí được trích lại từ thu hộ ngân sách lệ phí đăng kiểm, phí bảo trì đường bộ được áp dụng chung đối với tất cả các trung tâm đăng kiểm.

“Đăng kiểm xe phải tuân thủ theo quy trình, tiêu chuẩn kỹ thuật, giám đốc hoặc phó giám đốc được giao ký giấy chứng nhận đăng kiểm phải chịu trách nhiệm về kết quả kiểm định. Tuy nhiên, chủ doanh nghiệp lại quan tâm nhất là doanh thu. Chỉ cần chủ xe gọi điện cho chủ doanh nghiệp phàn nàn làm chặt quá là giám đốc lại bị gọi lên nhắc nhở”, một giám đốc trung tâm đăng kiểm ở Hà Nội kể.

“Chủ trung tâm thường xuyên đặt ra yêu cầu phải khám tối đa lượng xe đến khám, hạn chế tối đa việc “đuổi về”, tạo sức ép vô hình cho tất cả anh em đăng kiểm viên. Do kiểm định xe phải theo quy trình, quy chuẩn, số lượng xe tối đa được phép khám. Nếu xuê xoa, bỏ sót lỗi kỹ thuật và bị phát hiện, người đầu tiên chịu trách nhiệm là đăng kiểm viên và giám đốc, đâu phải chủ doanh nghiệp”, một giám đốc khác (đề nghị không nêu tên) giãi bày.

Ông Nguyễn Thành Sơn, từng phụ trách thuê một trung tâm đăng kiểm ở Bắc Ninh tâm sự: “Làm giám đốc đăng kiểm thuê “váng đầu” lắm. Nhìn doanh nghiệp thu không đủ chi cũng thấy xót xa, cũng bị người này người kia tác động tình cảm trong công việc chuyên môn. Làm giám đốc đăng kiểm thời nay có thể nói là “một cổ nhiều tròng” và chịu nhiều áp lực, vừa phải lo giữ đạo đức nghề nghiệp lại phải làm vừa lòng chủ doanh nghiệp”.

Hôm nay giám đốc, ngày mai xuống làm nhân viên

Nhìn nhận về nghề đăng kiểm thời nay, nhiều người cho rằng, không còn thời vàng son như trước. Vị thế của giám đốc trung tâm đăng kiểm cũng giảm đi, không đòi hỏi nhiều tiêu chuẩn, việc một người trở thành giám đốc hay nhân viên đăng kiểm cũng chỉ qua một đêm và hoàn toàn phụ thuộc vào chủ doanh nghiệp.

Doanh nghiệp có quyền tự quyết

Ông Trần Anh Quân, quyền Trưởng phòng Kiểm định xe cơ giới Cục Đăng kiểm VN cho biết, hiện toàn quốc có 172 trung tâm đăng kiểm, với 346 dây chuyền kiểm định. Từ năm 2019, cơ chế mới cho phép thành lập không giới hạn các trung tâm đăng kiểm.
Loại hình dịch vụ kinh doanh, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp nên doanh nghiệp có quyền tự quyết bộ máy, bổ nhiệm giám đốc trên tiêu chuẩn chung về hoạt động đăng kiểm. Cơ quan quản lý Nhà nước chỉ có thể tăng cường giám sát, kiểm tra chuyên ngành để phòng ngừa, xử lý nghiêm vi phạm. Trường hợp sai phạm nghiêm trọng phải đình chỉ, đóng cửa, không chỉ lãnh đạo phụ trách chuyên môn mà chính doanh nghiệp chịu thiệt hại.

“Trước đây, trở thành giám đốc, phó giám đốc và trưởng dây chuyền đăng kiểm ngoài các yêu cầu về tay nghề, phải xét đi xét lại và được Cục Đăng kiểm VN chấp thuận. Còn bây giờ, chỉ cần điều kiện cơ bản là đăng kiểm viên bậc cao và được chủ doanh nghiệp bổ nhiệm là xong. Bổ nhiệm dễ và thay thế càng dễ hơn, chỉ cần trái ý doanh nghiệp, kể cả trong công việc không liên quan đến chuyên môn đăng kiểm là họ tìm cách thay thế hoặc đuổi khéo và cũng chỉ cần gửi thông báo đến Cục Đăng kiểm VN là xong”, ông Nguyễn Văn Đắc, người nhiều năm làm giám đốc nói.

Cũng theo ông Đắc, hiện nguồn nhân lực đăng kiểm khá dồi dào nên doanh nghiệp không lo khó tuyển các chức danh lãnh đạo chuyên môn về đăng kiểm.

Tìm hiểu của chúng tôi, một số trung tâm đăng kiểm liên tục thay giám đốc, trong khi đơn vị không hề bị lực lượng thanh, kiểm tra phát hiện có sai phạm về đăng kiểm; Ngay cả trong văn bản gửi Cục Đăng kiểm VN về lý do thay thế giám đốc, các trung tâm cũng không nêu rõ lý do. Dù vậy, khi được hỏi các trường hợp giám đốc bị sa thải bất ngờ cũng không dám nêu lý do vì lo sợ không còn chỗ đứng trong nghề đăng kiểm nữa.

“Giờ người làm giám đốc đăng kiểm cũng như doanh nghiệp bình thường, người ta có thể mắt trước mắt sau là thay. Tiêu chí không phải là làm tốt chuyên môn đăng kiểm như trước nữa mà là phù hợp với chủ doanh nghiệp hay không. Làm tốt chuyên môn mà xe không đến đăng kiểm có khi lại thành không tốt, dễ bị doanh nghiệp kiếm cớ không phù hợp để cho “out”, cho thôi”, ông Mai Quốc Vinh chia sẻ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.