Tối 21/3, một lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định xác nhận với Báo Giao thông, đã yêu cầu Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Bình Định thu hồi văn bản mà Sở này đã ký gửi Giám đốc Bảo tàng tỉnh này liên quan đến việc kiểm tra, xác minh và xử lý cán bộ, viên chức cung cấp thông tin, hình ảnh, video liên quan đến việc xây dựng di tích tháp Bánh Ít ra ngoài trước đó.
Cụ thể, vào ngày 18/3, ông Tạ Xuân Chánh, Giám đốc Sở Văn hóa - thể thao Bình Định ký văn bản gửi Giám đốc Bảo tàng tỉnh Bình Định.
Nội dung văn bản thể hiện: Dự án xây dựng, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích tại tháp Bánh Ít được UBND tỉnh Bình Định phê duyệt chủ trương và phê duyệt dự án đầu tư, Bộ VH-TT-DL, Cục Di sản văn hóa đã thỏa thuận, thẩm định.
Nội dung chủ yếu của dự án là xây dựng, chỉnh trang cảnh quan môi trường, đường đi lối lại, nhà chức năng... đảm bảo sạch sẽ, khang trang, góp phần nâng cao giá trị di tích, thu hút khách tham quan theo chỉ đạo của tỉnh.
Nhà thầu mang máy đào thi công ở khu vực gần chân tháp Cổng trái quy định
Tuy nhiên, khi triển khai dự án tại tháp Bánh Ít, báo chí, dư luận và các trang mạng có một số phản ánh trái chiều không mang tính chất xây dựng xung quanh việc xây dựng cơ sở hạ tầng cảnh quan, đường đi lối lại tại cụm di tích tháp Bánh Ít.
Hiện nay đã tạm dừng các công việc liên quan đến việc chỉnh trang sân trên tháp Cổng, tháp Hỏa, tháp Chính, tháp Bia, chỉ tập trung triển khai đẩy nhanh thi công các hạng mục như: khu chức năng (khu dịch vụ, đón tiếp, trưng bày, bảo vệ, vệ sinh), đường lên tháp chính phía nam, bãi đậu xe.
Mặc dù đã tạm dừng các hạng mục chỉnh trang trên sân tại cụm tháp Bánh Ít nhưng một số báo, trang mạng và dư luận vẫn còn một số thông tin trái chiều, làm nhiễu loạn thông tin và gây khó khăn cho việc tiếp tục tổ chức thực hiện các hạng mục tại di tích theo đúng chỉ đạo của UBND tỉnh.
Mới đây, Sở nhận được một số thông tin phản ánh về cán bộ viên chức bảo tàng tỉnh đã cung cấp hình ảnh, các đoạn video trong quá trình thực hiện xây dựng các hạng mục dự án trên ra bên ngoài.
Do đó, Giám đốc Sở Văn hóa - thể thao tỉnh Bình Định "yêu cầu giám đốc bảo tàng tỉnh khẩn trương kiểm tra, làm rõ việc cán bộ, viên chức tại bảo tàng tỉnh cung cấp thông tin, hình ảnh, video xung quanh việc xây dựng, tu bổ và tôn tạo các hạng mục di tích tháp Bánh Ít. Đồng thời xử lý nghiêm việc cung cấp thông tin không đúng quy định. Báo cáo kết quả thực hiện cho giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao trước ngày 21/3/2022".
Ông Tạ Xuân Chánh cũng giao Thanh tra và Văn phòng Sở Văn hóa - Thể thao chịu trách nhiệm, giúp giám đốc sở này theo dõi thường xuyên, đôn đốc việc thực hiện của Bảo tàng tỉnh Bình Định.
Việc thi công ngổn ngang bên trong công trình tháp Chăp gần 1.000 tuổi
Trước đó, sau khi báo chí phản ánh, Sở Xây dựng và Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Bình Định (ông Tạ Xuân Chánh ký) ra thông cáo báo chí đã thừa nhận việc nhà thầu đã sử dụng máy đào đứng trên bệ cao với cần để múc các bụi cây rậm hai bên tháp Cổng.
Sau khi phát dọn cây cỏ, bụi rậm chung quanh chân tháp Cổng để chuẩn bị mặt bằng, xếp đá ong, trồng hoa theo thiết kế thì lộ ra một số hố rỗng ở chân tháp (có thể do nhiều lần tu bổ trước đây đầm len không kỹ nên qua thời gian sụt đất, lộ chân tháp). Do đó, đơn vị thi công đã lấp đất mới để tạo mặt bằng lát đá ong, không xâm hại di tích.
Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh đã tiếp thu thông tin báo chí phản ánh và rút kinh nghiệm sâu sắc, hứa sẽ chấn chỉnh các vấn đề liên quan. Thời gian tới, đơn vị sẽ nghiêm túc phối hợp chặt chẽ với cơ quan liên quan trong việc quản lý, điều hành thi công đúng giải pháp và phù hợp điều kiện thực tế.
Như vậy, sau khi xin "rút kinh nghiệm", Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Bình Định có văn bản yêu cầu kiểm tra, xử lý cán bộ cung cấp hình ảnh ra ngoài. Và ngay đó, cũng chính ông Chánh lại thu hồi văn bản do mình ký trước đó 3 ngày.
Như Báo Giao thông đã phản ánh, Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Bình Định được UBND tỉnh này giao làm chủ đầu tư dự án tu bổ, tôn tạo nhằm phát huy giá trị di tích tháp Bánh Ít (xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước), một cụm tháp Chăm cổ có niên đại hơn 1.000 năm.
Quá trình thực hiện việc tu bổ, tôn tạo có những dấu hiệu vi phạm Luật di sản khi nhà thầu đưa xe múc vào di tích để thi công một số hạng mục; việc xây dựng bồn hoa dưới chân tháp với chất liệu, màu sắc gây phản cảm...
Sau khi báo chí phản ánh, UBND tỉnh Bình Định đã chỉ đạo kiểm tra, rà soát việc thực hiện dự án; yêu cầu tạm dừng việc thi công chỉnh trang sân các khu vực tháp Cổng, tháp Chính, tháp Bia và tháp Hỏa của di tích.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận