Vận tải

Giám đốc Sở GTVT Cần Thơ nói gì việc xe "luồng xanh" vẫn không được vào?

03/08/2021, 18:34

Mặc dù được tạo điều kiện thuận lợi, thế nhưng các doanh nghiệp vẫn đang gặp khó khi vận chuyển hàng vào thành phố Cần Thơ.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan, việc lưu thông hàng hóa từ các tỉnh thành vào TP Cần Thơ được kiểm soát nghiêm ngặt. Mặc dù được tạo điều kiện thuận lợi, thế nhưng các doanh nghiệp (DN) cho biết họ đang gặp khó khi vận chuyển hàng vào địa phương này.

img

Kiểm soát xe vào TP. Cần Thơ.

Không còn là danh sách ưu tiên hàng đầu

Ông L., chủ đơn vị vận tải hàng hóa bằng container cho biết, để được vào Cần Thơ, tài xế bắt buộc phải có đủ giấy xét nghiệm Covid-19, các văn bản, giấy tờ chứng minh giao nhận, trong đó có hợp đồng giao nhận cho từng container hàng.

“Hầu hết các doanh nghiệp ký hợp đồng vận chuyển là theo năm, trong tình hình dịch này, việc các bên gặp, ký tên đóng dấu vào hợp đồng là rất khó. Chúng tôi đã photo hợp đồng năm cho các tài xế, phương tiện đã được cấp thẻ nhận diện luồng xanh, tài xế cũng có giấy xét nghiệm âm tính.

Nói chung đầy đủ các giấy tờ nhưng vẫn không được vào vì thiếu hợp đồng vận chuyển hàng của từng conteiner. Hiện giờ chúng tôi ưu tiên xuống hàng cho một số nơi khác, không cần thiết vào Cần Thơ nữa”, ông L. bày tỏ.

Theo một số doanh nghiệp vận tải, để kiểm soát dịch bệnh, yếu tố hàng đầu đó là con người chứ không phải là hàng hóa bởi đây không là tác nhân lây nhiễm. Thế nhưng hiện nay, tại các điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa TP Cần Thơ yêu cầu tài xế cung cấp rất nhiều chứng từ gồm hợp đồng, hóa đơn, chủng loại hàng hóa.

Nếu thiếu một trong các loại giấy tờ này thì không được vào TP Cần Thơ. Hệ quả là hàng hóa bị đình trệ, có nguy cơ đứt gãy chuỗi hàng hóa.

“Hiện nay, các doanh nghiệp chỉ cho hoạt động 50% phương tiện vận tải, trong khi đó thủ tục thì quá nhiều, mất thời gian, hàng hóa đình trệ, lãng phí nhân lực. Nếu khó khăn quá, doanh nghiệp vận tải hàng hóa sẽ không trụ nổi”, một doanh nghiệp nói.

img

Ngành chức năng kiểm tra phương tiện vận chuyển hàng hóa tại Bến xe khách Trung tâm TP Cần Thơ - điểm tập kết trung chuyển và giao nhận hàng hóa.

Luồng xanh không thay thế cho các giấy tờ khác

Liên quan đến việc xe có giấy nhận diện có mã QR Code của ngành GTVT nhưng không được vào TP, trao đổi qua điện thoại với PV Báo Giao thông, ông Lê Tiến Dũng, Giám đốc Sở GTVT TP Cần Thơ lý giải, thẻ nhận diện "luồng xanh" tích hợp các thông tin gồm tên doanh nghiệp, tài xế, lộ trình di chuyển của phương tiện.

Khi phương tiện có thẻ nhận diện này đến các địa phương sẽ được ưu tiên kiểm tra trước để giao thông thông thoáng.

“"Luồng xanh" không thay thế cho việc không kiểm tra giấy tờ khác. Có "luồng xanh" thì bỏ đi một thủ tục, còn các thủ tục khác vẫn phải kiểm tra”, Giám đốc Sở GTVT TP Cần Thơ khẳng định.

Giám đốc Sở GTVT cho rằng, hiện nay, đối tượng quan trọng nhất cần phải kiểm soát chặt đó là tài xế và người đi cùng trên phuong tiện bởi đây chính là nguồn lây chứ không phải là phương tiện, hàng hóa.

Hiện nay, đã xảy ra tình trạng tài xế lợi dụng thẻ nhận diện "luồng xanh" chở hàng hóa không thiết yếu, chở người từ vùng dịch về. Do đó đòi hỏi ngành chức năng phải kiểm soát chặt.

Riêng đối với các thủ tục để được di chuyển vào thành phố, ông Lê Tiến Dũng cho biết đã được hướng dẫn cụ thể tại văn bản số 2106 hướng dẫn việc lưu thông tại các chốt kiểm soát dịch của thành phố và các điểm trung chuyển hàng hóa.

“Doanh nghiệp có giấy tờ gì chỉ cần chứng minh được hàng hóa không phải là hàng hóa mà anh không được phép chở. Ngành chức năng không quan tâm nhiều đến việc anh vận chuyển hàng gì mà chỉ quan tâm đến tài xế vì đây là đối tượng lây bệnh. Nhưng vẫn phải kiểm soát xe của anh, xem anh chở hàng có đúng quy định hay không.

Hôm qua, việc áp dụng vẫn còn mới, văn bản hướng dẫn chưa đến các chốt và điểm tập kết kịp thời nên có xảy ra một số bất cập. Sáng nay chúng tôi đã làm việc và trao đổi giữa các đơn vị, các vướng mắc khó khăn đã được giải quyết”, Giám đốc Sở GTVT thành phố Cần Thơ nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.