Xã hội

Giám đốc Sở GTVT Hà Nội:Cấm xe máy để giảm ùn tắc, ô nhiễm

09/06/2017, 06:35

Sau khi Hà Nội đưa ra lộ trình cấm xe máy vào năm 2030 đã có nhiều ý kiến trái chiều.

20

Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện

Sau khi Hà Nội đưa ra lộ trình cấm xe máy vào năm 2030 đã có nhiều ý kiến trái chiều. Tuy nhiên, trao đổi với Báo Giao thông, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện khẳng định đây là hành động cần thiết để đảm bảo ATGT, giảm TNGT và ô nhiễm môi trường.

Được biết, tới đây, Sở GTVT sẽ trình HĐND thành phố đề án tăng cường hạn chế xe cá nhân, trong đó có đề ra lộ trình tới năm 2030 hạn chế xe máy lưu thông. Căn cứ nào để đưa ra lộ trình này, thưa ông?

Quản lý phương tiện giao thông để có thể đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân cũng như giảm ùn tắc giao thông, giảm ô nhiễm môi trường là nội dung quan trọng đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo từ lâu. Mới đây nhất, Thủ tướng Chính phủ cũng giao TP Hà Nội xây dựng đề án quản lý phương tiện giao thông nhằm giảm ùn tắc trên địa bàn thành phố.

Bên cạnh đó, HĐND TP đã có nghị quyết ban hành chương trình mục tiêu chống ùn tắc giao thông đến năm 2020, cùng với Chương trình 06 của Thành ủy về quản lý, đầu tư kết cấu hạ tầng, gắn với việc đảm bảo trật tự ATGT, giảm ô nhiễm môi trường. Các văn bản QPPL như Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật GTĐB cũng quy định thẩm quyền để ban hành các quy định về quản lý phương tiện giao thông trong địa bàn tỉnh, TP trực thuộc T.Ư và HĐND các cấp.

21

Số lượng xe máy trên địa bàn Hà Nội hiện quá lớn và rất nhiều trong số đó thiếu an toàn do đã lưu hành lâu năm - Ảnh: K.Linh

Mục đích của đề án tăng cường hạn chế xe cá nhân, trong đó có đề ra lộ trình tới năm 2030 hạn chế xe máy lưu thông là gì, thưa ông?

Hiện nay, TP Hà Nội có nhiều chính sách quản lý phương tiện giao thông. Tuy nhiên, đối với tốc độ tăng phương tiện giao thông hiện nay rất lớn, khoảng trên 10%. Trong khi đó, tốc độ phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ chỉ tăng khoảng 3 - 4%, quỹ đất dành cho giao thông hàng năm tăng chưa đến 1%. Điều này dẫn đến ùn tắc ngày càng gia tăng.

Bên cạnh đó, tình trạng ô nhiễm môi trường cũng đang ở mức báo động. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, phương tiện giao thông và khí thải giao thông đóng góp vào ô nhiễm môi trường chiếm khoảng 70%. Vì vậy, chúng ta quản lý phương tiện giao thông cá nhân để góp phần giảm ùn tắc giao thông, giảm ô nhiễm môi trường là một giải pháp quan trọng và chủ yếu.

Lộ trình là vậy, nhưng làm thế nào để hạn chế được xe cá nhân?

Để thực hiện nội dung giảm dần và từng bước dừng xe máy, với khoảng thời gian từ nay đến năm 2030 thì chúng tôi tin rằng với việc đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, đầu tư các hệ thống vận tải giao thông công cộng khối lượng lớn, các tuyến đường BRT và đặc biệt là mở rộng nâng cao dịch vụ vận tải hành khách công cộng sẽ đáp ứng cơ bản nhu cầu đi lại của nhân dân cũng như đảm bảo kết nối giữa TP Hà Nội với các tỉnh, thành khác, qua đó sẽ hạn chế được phương tiện giao thông cá nhân.

Với các điều kiện như thế, TP Hà Nội mong muốn có được lộ trình như vậy. Tôi nghĩ rằng, lộ trình này tương đối dài để cho các doanh nghiệp, người dân từng bước thay đổi thói quen của mình.

Cảm ơn ông!

Theo ông Vũ Văn Viện, hiện nay số lượng xe máy trên địa bàn TP quá lớn, lượng xe máy sử dụng qua nhiều năm không đảm bảo an toàn và có lượng khí thải cao. TP sẽ có chính sách phù hợp để báo cáo với Chính phủ, Bộ GTVT đưa ra những quy định cụ thể, đồng thời sẽ có những chính sách hỗ trợ người dân trong quá trình chuyển đổi. Sau khi được HĐND phê duyệt về mặt chủ trương này, Sở GTVT sẽ tham mưu cho UBND TP các giải pháp để tiến tới dừng hoạt động đối với xe máy.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.