Xã hội

Giám đốc Sở GTVT nhận trách nhiệm chậm điều chỉnh quy hoạch luồng tuyến

07/12/2016, 15:29
image

Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện nhận trách nhiệm việc chậm trễ thực hiện điều chỉnh quy hoạch luồng tuyến.

un-tac-giao-thong

Đại biểu lo ngại thời gian tới, giao thông Hà Nội sẽ rơi vào tình trạng kẹt cứng. Ảnh minh hoạ

Tại phiên chất vấn của HĐND TP Hà Nội sáng 7/12, nhiều đại biểu dành câu hỏi cho Giám đốc Sở GTVT về những vấn đề bất cập của giao thông Thủ đô.

Theo ĐB Nguyễn Đình Đoàn, các chuyên gia nhận định trong thời gian gần nữa Hà Nội sẽ rơi vào tình trạng kẹt cứng. “Với mật độ hiện nay, tốc độ dân số dồn về trung tâm, thủ đô các nước đã có sự thay đổi như Tokyo, Hong Kong họ có hệ thống tàu điện ngầm giải quyết 10 triệu hành khách.... Chúng ta giải quyết căn bản tắc nghẽn giao thông trong thủ đô như thế nào?”, ông Đoàn đặt câu hỏi.

ĐB Hoàng Thị Thuý Hằng chất vấn về vấn đề ùn tắc giao thông xung quanh các bến xe, đường vành đai và quan tâm đến phương án phân luồng giao thông, hạn chế xe đi xuyên tâm thành phố gây ra tình trạng ùn tắc giao thông.

Trả lời câu hỏi của ĐB liên quan đến việc sắp xếp, điều chỉnh luồng tuyến vận tải liên tỉnh trên địa bàn Hà Nội, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện cho biết, theo phê duyệt quy hoạch chi tiết luồng tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh đường bộ toàn quốc đến năm 2020, định hướng đến 2030 do Bộ trưởng Bộ GTVT phê duyệt thì trên địa bàn thành phố có 668 tuyến kết nối từ 5 bến xe: Giáp Bát, Gia Lâm, Mỹ Đình, Nước Ngầm, Yên Nghĩa đến 42 tỉnh, thành trên cả nước.

“Hiện nay các tuyến vận tải liên tỉnh đều thực hiện theo đúng quy hoạch, đại biểu nói có nhiều luồng tuyến sai quy hoạch là không đúng”, ông Viện khẳng định.

Theo Giám đốc Sở GTVT, năm 2013, bến xe Mỹ Đình đã được mở rộng để đáp ứng nhu cầu, sau đó, khi phê duyệt quy hoạch chi tiết, Bộ GTVT đã cùng với TP Hà Nội cho ổn định luồng tuyến để đảm bảo vận chuyển hành khách trên địa bàn. Nhưng theo định hướng quy hoạch đến 2020, tầm nhìn 2030 có nêu định hướng, đối với các bến xe theo hướng luồng tuyến đi phía Nam cố gắng bố trí ở bến Giáp Bát, Nước Ngầm, ở phía Tây là bến xe Mỹ Đình, phía Bắc là bến xe Gia Lâm... Với định hướng đó, trong quá trình rà soát luồng tuyến, một số luồng tuyến hiện nay chưa đúng quy hoạch.

GĐ Sở GTVT Vũ Văn Viện

GĐ Sở GTVT Vũ Văn Viện trả lời chất vấn của các đại biểu

“Nguyên tắc tới đây được đưa là rà soát lại các luồng tuyến đi sai định hướng quy hoạch, đi vào các tuyến đường có lưu lượng giao thông lớn dễ gây ùn tắc giao thông để từ đó sắp xếp lại”, ông Viện nói và cho hay hiện nay đang tập trung vào đường vành đai 3. Trước khi hợp nhất đây là đường ngoại ô, nhưng khi Hà Nội và Hà Tây hợp nhất thì đường vành đai 3 trở thành đường nội đô, và khu vực này giờ đang là khu vực ùn tắc giao thông nhất.

Chính vì thế, sẽ tập trung rà soát các tuyến vận tải hành khách liên tỉnh, từ đó có điều chỉnh cho phù hợp để làm sao giảm lượng xe xuyên tâm đi qua lại tuyến đường vành đai 3 đoạn từ nút giao Big C Trung Hoà đến nút giao Pháp Vân - Cầu Giẽ. Tuy nhiên, khi điều chỉnh thì có động chạm và liên quan đến các tỉnh và các hiệp hội.

Ông Viện cho hay hiện đã hoàn chỉnh quy hoạch để trình và đã thống nhất với Tổng cục đường bộ bắt đầu điều chỉnh luồng tuyến từ 1/3/2017. “Tôi tin rằng điều chuyển luồng tuyến, chuyển được các tuyến từ bến xe Mỹ Đình sang bến xe Nước Ngầm và Giáp Bát thì sẽ giảm được lượng xe chạy trên đường vành đai 3, góp phần giảm ùn tắc”, ông Viện nói.

Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc nhắc nhở Giám đốc Sở GTVT trả lời đúng trọng tâm câu hỏi của đại biểu về việc điều chỉnh quy hoạch có chậm hay không, trách nhiệm thuộc về ai?

Thừa nhận đúng là có chậm so với phương án mà Chủ tịch TP yêu cầu (1/10/2016 phải điều chỉnh xong), nhưng ông Viện lý giải do nhiều nguyên nhân khách quan. Sở GTVT cũng nhận trách nhiệm việc chậm trễ này.

Trả lời ĐB Nguyễn Đình Đoàn về giải pháp giảm ùn tắc giao thông, ông Viện cho biết đã tổ chức một hội thảo quy hoạch tổ chức giao thông, trong đó các đại biểu, chuyên gia có đóng góp 6 giải pháp cơ bản để đảm bảo chống ùn tắc giao thông gồm: Tiếp tục đầu tư kết cấu giao thông đồng bộ, hạ tầng giao thông; Phát triển hệ thống giao thông công cộng;Tổ chức giao thông hợp lý, khoa học; Quản lý, tổ chức điều hành hệ thống giao thông thông minh; Quản lý phương tiện giao thông cá nhân như ô tô, xe máy và các phương tiện khác, có lộ trình giảm dần xe máy và tiến tới dừng xe máy ở khu vực nội đô; Kết hợp tuyên truyền giáo dục và nâng cao ý thức pháp luật với xử lý nghiêm vi phạm. 

Xem thêm Video:

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.