Y tế

Giám đốc Sở Y tế Bạc Liêu nói gì khi nhiều cán bộ bỏ việc?

11/08/2022, 19:53

Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bạc Liêu đã nêu những khó khăn của ngành y tế tỉnh và nguyên nhân dẫn đến việc nhiều cán bộ y tế bỏ việc.

Cần quan tâm hỗ trợ ngành Y tế

Chiều 11/8, lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu tổ chức buổi gặp gỡ giữa lãnh đạo tỉnh với cán bộ y tế các cấp trong địa bàn tỉnh.

Phát biểu tại buổi gặp gỡ, Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu - Lữ Văn Hùng, đánh giá cao nỗ lực của ngành Y tế trong thời gian dài phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Đồng thời, chia sẻ những khó khăn của ngành Y.

img

Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu - Lữ Văn Hùng yêu cầu các địa phương quan tâm hỗ trợ ngành Y tế.

Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu yêu cầu các huyện, thị xã và TP Bạc Liêu phải quan tâm giải quyết tốt các vấn đề về chế độ chính sách cho đội ngũ y tế, trang thiết bị, vật tư y tế. Bên cạnh đó, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để cán bộ ngành Y yên tâm công tác tốt.

"Ngành Y tế không được để thiếu thuốc, không được để vaccine phòng Covid-19 bị hết hạn. Trong công tác đấu thầu mua sắm trang thiết bị y tế, phải thực hiện đúng quy định pháp luật, tránh xảy ra sai sót", Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu lưu ý.

Tại buổi gặp gỡ, các lãnh đạo Trung tâm Y tế (TTYT) các huyện, thị và TP Bạc Liêu đã chia sẻ những thuận lợi và khó khăn liên quan đến cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, chế độ chính sách đối với cán bộ y tế…

Bà Ngô Thị Kim Phượng, Phó Giám đốc TTYT TP Bạc Liêu (phụ trách Khối Khám bệnh) chia sẻ, hiện tại, hạ tầng của TTYT chưa được nâng cấp. Từ đó, ảnh hưởng đến chất lượng chăm sóc người bệnh, các buồng bệnh chật hẹp, cơ sở phục vụ khám chữa bệnh nghèo nàn.

"Từ 2018 đến nay, khối điều trị có giai đoạn nhân viên 2 - 3 tháng không có lương. Trong tháng 3/2022 đến nay tại TTYT TP Bạc Liêu đã có 4 bác sĩ xin nghỉ việc", bà Phượng chia sẻ thêm.

img

Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu - Lữ Văn Hùng trao Bằng khen cho các cá nhân có thành tích đóng góp, hỗ trợ trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Ông Trần Thanh Tùng, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Bạc Liêu cho biết, hiện nay, còn tâm lý lo lắng trong cán bộ ngành Y tế trong quá trình phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Thêm vào đó là tình trạng nhân viên y tế bị hành hung trong lúc làm nhiệm vụ.

"Trong công tác mua sắm trang thiết phòng, chống dịch, cán bộ phụ trách mua sắm trang thiết bị y tế lo lắng không dám làm, ngại sợ bị làm sai do chưa nắm hết các vấn đề trong đấu thầu, sợ bị giải trình. Trong khi tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Bên cạnh đó, một số gói thầu, các nhà thầu không mặn mà cung cấp. Chúng tôi làm gói thầu 34 món, nhưng sau đó chỉ được có 2 - 3 nhà thầu trúng thầu", ông Tùng chia sẻ.

Từ đó, ông Tùng kiến nghị lãnh đạo tỉnh nên giao cho 1 đơn vị chuyên trách phụ trách công tác đấu thầu cho ngành Y tế, các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh.

Đồng thời, quan tâm chăm lo chính sách cho cán bộ, nhân viên y tế giúp nâng cao thu nhập, để y, bác sĩ yên tâm công tác tốt.

Còn nhiều khó khăn vướng mắc

Ông Bùi Quốc Nam, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bạc Liêu cho biết, trong những năm qua, hệ thống Y tế nhìn chung được củng cố và phát triển. Hầu hết các cơ sở khám chữa bệnh (KCB) trong tỉnh được đầu tư cơ sở vật chất khang trang, trang thiết bị ngày càng hiện đại.

Đội ngũ cán bộ Y tế không ngừng được đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cơ bản. Đáp ứng nhu cầu KCB và chăm sóc sức khỏe ngày càng cao cho nhân dân tỉnh nhà và các tỉnh lân cận.

img

Quang cảnh buổi gặp gỡ giữa lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu với cán bộ y tế.

Tuy nhiên, vẫn còn không ít khó khăn như: một số đơn vị cơ sở vật chất, hạ tầng xuống cấp, trang thiết bị còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu phục vụ nhân dân. Bệnh viện Đa khoa tỉnh đầu tư không đồng bộ, mở rộng chưa kịp thời (chỉ mới 650/1.000 giường).

Trong khi đó, tỉnh chưa có các Bệnh viện chuyên khoa Sản - Nhi, Y học Cổ truyền. Nên tình trạng quá tải kéo dài nhiều năm, phần nào ảnh hưởng đến chất lượng khám chữa bệnh.

"Các chế độ đãi ngộ, chính sách về lương, phụ cấp cho cán bộ y tế còn thấp. Nhất là y tế dự phòng, y tế cơ sở, biên chế được giao ít, trong khi áp lực công việc quá lớn. Đặc biệt là khi dịch bệnh Covid-19 xảy ra như thời gian qua.

Đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng nghỉ việc, bỏ việc có chiều hướng gia tăng trong những năm gần đây", ông Nam nêu thực trạng. Năm 2020 số lượng cán bộ bỏ việc là 26, năm 2021 là 33, 6 tháng đầu năm 2022 là 28 người.

Cũng theo ông Nam, nguồn kinh phí phòng, chống dịch chưa được thanh toán đầy đủ, hiện các cơ sở KCB tuyến huyện rất khó khăn về tài chính. Thậm chí có đơn vị không có kinh phí trả lương cho viên chức, người lao động, không đảm bảo việc cung ứng đầy đủ thuốc, hóa chất, vật tư y tế để phục vụ người bệnh.

Việc tổ chức mua sắm thuốc, hoá chất, vật tư y tế phục vụ phòng, chống dịch còn nhiều bất cập, vướng mắc. Dẫn đến khó khăn trong việc thanh toán cho đơn vị cung cấp, đến nay vẫn chưa có biện pháp khắc phục triệt để.

"Qua kết luận thanh tra có nhiều tập thể, cá nhân phải giải trình, kiểm điểm... làm ảnh hưởng nhiều đến tâm lý của nhân viên y tế và hoạt động thường xuyên của các đơn vị", ông Nam nói.

Ông Nam kiến nghị, lãnh đạo tỉnh tiếp tục quan tâm hơn nữa trong việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại cho ngành Y tế tỉnh.

"Có chế độ, chính sách hỗ trợ cho công chức, viên chức, người lao động ngành Y tế, đặc biệt là y tế dự phòng, y tế cơ sở ngoài các chế độ phụ cấp theo quy định hiện nay.

Đồng thời, chỉ đạo các Sở, ngành có liên quan hỗ trợ tích cực cho ngành Y tế trong việc tổ chức đấu thầu mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế trong thời gian tới", ông Nam thông tin thêm.

Cũng nhân dịp này, UBND tỉnh Bạc Liêu đã tặng Bằng khen cho 175 cá nhân có thành tích đóng góp, hỗ trợ trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Theo báo cáo của Sở Y tế tỉnh Bạc Liêu, hiện tại, trên địa bàn có 7 đơn vị y tế tuyến tỉnh (3 đơn vị điều trị Bệnh viện Đa khoa Bạc Liêu, Bệnh viện Lao & Bệnh phổi, Bệnh viện Tâm thần. Có 4 đơn vị chức năng: CDC Bạc Liêu, Trung tâm Pháp y, Trung tâm Giám định Y khoa, Trung tâm Kiểm nghiệm). 7 TTYT huyện, thị xã, thành phố. 64 Trạm Y tế xã, phường, thị trấn và 1 Phòng khám Đa khoa khu vực.

Tổng số giường bệnh các đơn vị trong tỉnh là 2.700 giường (công lập 2.400, tư nhân 300); tuyến tỉnh là 1.180 giường; số giường bệnh/10.000 dân là 29,5 giường (kế hoạch là 27,5).

Tổng số nhân lực đang làm việc trong ngành Y tế của tỉnh hiện nay là 4.319 người (kể cả biên chế, hợp đồng, công lập và ngoài công lập). Trong đó trình độ bác sĩ trở lên là 1.007 người. Tỷ lệ bác sĩ/10.000 dân là 11,1 (kế hoạch là 11); tỷ lệ dược sĩ/10.000 dân là 2,37 (kế hoạch là 2,2).

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.