Chất lượng sống

Giảm gánh nặng chi phí y tế cho lao động di cư

06/03/2017, 08:48

Hơn 90% người di cư không thể tiếp cận được với bảo hiểm y tế (BHYT) công và cách điều trị tích hợp.

19

Dân di cư cần được tăng cường về quyền được biết, thực hiện giám sát dịch vụ và tài chính y tế công - Ảnh: Tạ Tôn

Hơn 90% người di cư không thể tiếp cận được với bảo hiểm y tế (BHYT) công và cách điều trị tích hợp. Đáng nói, số tiền mà đối tượng này đang phải tự chi trả cho các dịch vụ y tế đang ở mức cao.

Khó tiếp cận và giám sát dịch vụ y tế công

Chị Hoàng Thị Giỏi, (thường trú tại Kim Chung, Đông Anh, Hà Nội) hiện đang làm công nhân Công ty Sakurai cho biết, mới phát hiện mắc u tuyến giáp. Mặc dù có BHYT đăng ký tại BV Nam Thăng Long, nhưng sau vài đợt điều trị, không thấy bệnh tình thuyên giảm, chị Giỏi phải lên bệnh viện tuyến T.Ư khám lại. “Sau 3 đợt điều trị, mỗi đợt gần 20 ngày thuốc, giờ bệnh tình thuyên giảm, ít đau hơn. Tuy nhiên, điều trị vượt tuyến rất tốn kém. Mỗi đợt khám và điều trị như vậy mất hơn nửa tháng lương, khoảng từ 3-3,5 triệu đồng”, chị Giỏi nói.

Khi được hỏi, có bao giờ quan tâm tới việc giám sát tài chính y tế công tại địa phương không, chị Giỏi chỉ cười: “Tất bật đi làm quanh năm ngày tháng, hết làm giờ chính lại tăng ca, về mệt chỉ lăn ra ngủ, ít khi để ý tới mấy vấn đề đó nên không quan tâm”.

Đầu tháng 2, Viện Dân số và Các vấn đề xã hội (Trường ĐH Kinh tế quốc dân) đã tổ chức nghiên cứu đầu kỳ, với số phiếu khảo sát trên 400 người dân tại hai xã Hải Bối và Kim Chung (Đông Anh, Hà Nội). Kết quả cho thấy, người địa phương khám BHYT ít hơn so với lao động di cư, con số này lần lượt là 74% và 89%. Đa số người bản địa thường vượt tuyến, lên tuyến trên khám bệnh. Tuy nhiên đa phần dân di cư cũng không quan tâm tới các vấn đề về giám sát y tế công. Cụ thể, chỉ 50% số đối tượng biết về “quyền được biết” và chỉ 40% biết về “quyền được giám sát”. 53% người được hỏi cho biết, không quan tâm tới vấn đề tài chính y tế. Hơn 56% cho rằng, họ không muốn biết và cũng không muốn quan tâm tới vấn đề này.

Theo các nhà xã hội học, do các điều kiện để nhập hộ khẩu hạn chế, lao động di cư phải đối mặt với nhiều khó khăn khi tham gia các dịch vụ y tế công tại nơi tạm trú. Sức khỏe dân di cư bị ảnh hưởng tiêu cực bởi điều kiện sống và làm việc, vì vậy họ có nhu cầu tiếp cận những dịch vụ công, nhưng có hơn 90% người di cư lại không thể tiếp cận được với BHYT công và cách điều trị tích hợp. Điều này càng làm gia tăng những khó khăn khi phải chi trả dịch vụ y tế tư nhân với mức trả tiền túi cao.

Lao động di cư sẽ không còn đứng bên lề xã hội

Trước thực trạng trên, mới đây, Tổ chức Quốc tế Oxfam đã chủ trì thực hiện Dự án thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng, đặc biệt là người di cư trong quá trình phân tích và giám sát tài chính y tế tại một số xã trên địa bàn huyện Đông Anh, Hà Nội. Dự án được phát động từ ngày 25/12/2016 đến 30/5/2019 với tổng kinh phí là 207.800 Euro (hơn 5 tỷ đồng). Dự án hướng tới xây dựng và thúc đẩy mô hình dịch vụ y tế công dựa vào cộng đồng, khuyến khích sự hiểu biết và tham gia của người lao động di cư tại một số xã trên địa bàn Đông Anh, TP Hà Nội trong quá trình giám sát ngân sách y tế. Từ đó, giúp người di cư giảm tiền túi phải bỏ ra khi khám, chữa bệnh.

Dự án của Oxfam sẽ tiến hành khảo sát ban đầu về tiếp cận lao động di cư với các dịch vụ chăm sóc y tế sức khỏe địa phương và mức độ tham gia của cộng đồng trong bối cảnh ngân sách y tế địa phương. Về lâu dài, sẽ huy động các tổ chức xã hội tham gia vào các hoạt động vận động chính sách cấp quốc gia có liên quan tới vấn đề di cư, nghèo đa chiều.

Mặc dù dự án được đánh giá sẽ mang lại hiệu quả, song thực tế triển khai lại gặp nhiều lực cản. Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Nguyễn Văn Thiệu, Phó chủ tịch HĐND xã Hải Bối (Đông Anh, Hà Nội), một trong 2 xã triển khai thí điểm dự án cho rằng, ngoài thời gian làm việc, dân di cư hầu như không còn thời gian để tham gia các hoạt động đoàn thể, họp hành của địa phương. Hiếm lắm mới có một vài cá nhân được mời đến dự họp mỗi khi có đợt giám sát cử tri.

“Dự án đặt mục tiêu rất tốt, nhưng thực sự có ở cơ sở mới biết. Huy động người dân tham gia họp hành, giám sát khó lắm. Có khi gửi giấy mời đi họp cử tri cả 2-3 ngày, mà họ còn không đi đủ. Mời 100 người có 70 người tới đã là đông lắm rồi. Thậm chí, có cho tiền họ còn không đi họp, bởi đi làm ngày còn kiếm vài trăm nghìn đồng. Thế nên, rất khó để họ quan tâm tới các vấn đề khác”, ông Thiệu nói.

Theo ông Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, việc giám sát tài chính y tế công không hề đơn giản, nếu không có phương thức cụ thể thì sẽ không hiệu quả, khó khả thi. “Bản thân lao động di cư thường không cố định, nhiều người không đăng ký tạm trú, tạm vắng nên sẽ khó có thể thực hiện giám sát nhiều vấn đề xã hội nơi họ sinh sống”, ông Lợi nhận định. Khó khăn là vậy, song ông Lợi gợi ý giải pháp: Chính quyền địa phương có thể phối hợp với các tổ chức xã hội thực hiện được quyền giám sát cho người dân. “Quyền được biết và quyền được giám sát là quyền con người, nên nếu thực hiện tốt chúng ta có thể vận động chính sách để nhiều người quan tâm hơn, đồng thời qua đó cũng giúp lao động tự ý thức được việc họ đã được cơ quan quản lý quan tâm, không phải nằm bên lề của xã hội”, ông Lợi nhấn mạnh.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.