Chuyện dọc đường

Giảm giá trạm BOT giao thông hài hòa lợi ích “3 nhà”

05/10/2017, 06:40

Diễn đàn đánh giá năng lực cạnh tranh toàn cầu về lĩnh vực giao thông đánh giá Việt Nam đã vượt 34 bậc...

3

Nhiều xe lưu thông trên QL5 nhưng không qua trạm thu giá thì không phải trả tiền (Trong ảnh: Xe đi trên QL5 rẽ lối Cẩm Giàng, Hải Dương không phải qua trạm thu giá) - Ảnh: Khánh Linh

Đây là điều rất đáng ghi nhận và thể hiện sự nỗ lực lớn của Việt Nam trong việc đầu tư phát triển hạ tầng giao thông để giải quyết điểm nghẽn tồn tại lâu nay của nền kinh tế. Cũng phải thừa nhận, để có kết quả này có sự đóng góp không nhỏ từ những con đường, cây cầu do nguồn vốn xã hội hóa mang lại. Đi từ Lạng Sơn đến đất mũi Cà Mau giờ không còn trở ngại và gian truân như trước, thời gian rút ngắn hơn 10 giờ chạy xe và giảm nhiều giá thành vận tải. Cần phải nói thêm, giai đoạn 2011 - 2015 là thời điểm “khô hạn” vốn đầu tư xây dựng cơ bản nên những con đường, cây cầu đầu tư từ nguồn vốn xã hội hóa thật sự ý nghĩa.  

Dù vậy, cũng không thể phủ nhận hình thức thu hút vốn đầu tư này đã và đang bộc lộ một số bất cập. Những hạn chế này cần nhìn nhận khách quan và các cơ quan chức năng đang có những giải pháp để chấn chỉnh, khắc phục. Tuy nhiên, tình trạng người dân bao vây phản đối hoặc dùng cách trả tiền lẻ khi qua một số trạm thu giá BOT, điển hình tại trạm Cai Lậy (Tiền Giang) và gần đây nhất là trạm thu giá trên QL5 để phản ứng với mức thu phí và điểm đặt các trạm thu phí… là hành vi vi phạm pháp luật (cản trở giao thông). Đồng thời, khiến dư luận có cái nhìn phiến diện về dự án BOT.

Nói riêng về những bất cập trong công tác thu giá BOT, Bộ GTVT và các cơ quan chức năng thời gian qua cũng có nhiều giải pháp khắc phục, trong đó có việc xây dựng phần mềm giám sát thu giá BOT tập trung để ngăn chặn gian lận. Bộ GTVT cũng đồng thời đẩy nhanh việc áp dụng công nghệ thu phí tự động không dừng để minh bạch nguồn thu. Cùng với đó là giảm giá cho chủ phương tiện sinh sống xung quanh trạm thu giá trên nguyên tắc đảm bảo hài hòa lợi ích Nhà nước, người dân và doanh nghiệp. Tính đến nay, Tổng cục Đường bộ VN và các nhà đầu tư đã điều chỉnh giảm mức thu đối với 31 trạm. Bên cạnh đó, là hàng loạt các giải pháp khác cũng được các cơ quan chức năng triển khai, trong đó có tổ chức giám sát thu giá, đếm xe 10 ngày liên tục; đẩy nhanh tiến độ quyết toán chi phí đầu tư; công khai các thông tin về dự án như công khai tổng mức đầu tư, thời gian thu phí, mức thu phí trên website của Bộ và tại trạm thu giá để người dân, doanh nghiệp cùng giám sát.

Rộng hơn, Bộ GTVT tới đây sẽ xem xét việc lấy ý kiến cộng đồng, là một trong số những yêu cầu để quyết định có đầu tư BOT hay không. Bộ GTVT cũng cam kết rà soát, điều chỉnh hợp lý mức giá, thời gian thu phí của các trạm BOT sau khi quyết toán và kiểm đếm lưu lượng phương tiện thực tế qua trạm. Đây sẽ là liều thuốc trị tối đa bức xúc của người dân đối với các trạm thu phí BOT.  

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.