Giao thông

Giảm hơn 92 năm thu phí của 13 dự án BOT

15/05/2017, 06:21

Việc điều chỉnh giảm thời gian thu phí các dự án chủ yếu do giá trị thỏa thuận quyết toán giảm.

1

Thời gian thu phí hoàn vốn sau thỏa thuận (phê duyệt) quyết toán của Dự án đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên đoạn Km 1793+600 - Km 1824+00, tỉnh Đắk Nông giảm 8 năm 8 tháng - Ảnh: Ngọc Hùng

Giảm thấp nhất 4 tháng, cao nhất hơn 20 năm thu phí

Tính đến nay, Bộ GTVT đã thực hiện điều chỉnh hợp đồng 21 dự án BOT sau khi có thỏa thuận quyết toán từng phần hoặc toàn bộ giai đoạn xây dựng, gồm 19 dự án đường bộ và 2 dự án hàng hải.

Theo thông tin từ Vụ Đối tác công - tư (PPP - Bộ GTVT) và các thông tin công bố tại trang web chính thức của Bộ GTVT về đầu tư công tư: http://ppp.mt.gov.vn, dự án được điều chỉnh giảm thời gian thu phí nhiều nhất là công trình đầu tư xây dựng QL1 đoạn tránh TP Thanh Hóa với thời gian giảm thu phí lên tới 20 năm 1 tháng. Cụ thể, công trình này có tổng mức đầu tư được phê duyệt ban đầu 822 tỷ đồng, thời gian thu phí theo hợp đồng BOT là 27 năm 8 tháng. Sau khi hoàn thành quyết toán 100%, giá trị thỏa thuận quyết toán là 718 tỷ đồng, thời gian thu phí của dự án đã được điều chỉnh giảm xuống chỉ còn 7 năm 7 tháng. Trong khi đó, công trình QL1 đoạn tránh TP Biên Hòa (Đồng Nai) là dự án giảm thời gian thu phí thấp nhất với 4 tháng (từ 13 năm 1 tháng xuống 12 năm 9 tháng).

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Vũ Tuấn Anh, Phó vụ trưởng Vụ PPP cho biết, việc điều chỉnh giảm thời gian thu phí các dự án so với hợp đồng BOT chủ yếu do giá trị thỏa thuận (phê duyệt) quyết toán giảm so với tổng mức đầu tư được phê duyệt ban đầu và sự biến động của lưu lượng xe. Theo quy định tại Khoản 1, Điều 4 Nghị định 112/2009 của Chính phủ, tổng mức đầu tư xây dựng công trình là chi phí dự tính của dự án, làm cơ sở để chủ đầu tư lập kế hoạch và quản lý vốn thực hiện đầu tư công trình.

“Trong bước lập dự án đầu tư không thể tính chính xác chi phí thực tế sẽ đầu tư. Bên cạnh đó, Thông tư 04/2010 ngày 26/5/2010 của Bộ Xây dựng còn cho phép xây dựng tổng mức đầu tư trên cơ sở ước tính từ suất đầu tư trung bình 1km đường nhân với chiều dài tuyến”, ông Tuấn Anh nói và cho biết, khi đàm phán ký kết hợp đồng BOT với các nhà đầu tư, theo quy định, Bộ GTVT sử dụng TMĐT để tạm thời xác định thời gian thu phí.

“Sau khi quyết toán công trình, Bộ GTVT sẽ cập nhật các thông số và tính toán lại thời gian thu phí để ký kết với nhà đầu tư làm cơ sở thu phí sau này. Việc tổng mức đầu tư giảm sau quyết toán, cùng với việc cập nhật lại lưu lượng dòng xe thực tế, các thông số tài chính có liên quan,... sẽ làm thay đổi thời gian thu phí so với dự tính trước đây”, ông Tuấn Anh nói thêm.

Thời gian qua, Bộ GTVT đã rà soát các dự án BOT theo đúng các trình tự thủ tục quy định của pháp luậthợp đồng BOT trên nguyên tắc có kiểm toán độc lập hoặc kiểm toán Nhà nước và các cơ quan thanh tra, sau đó lấy giá trị cuối cùng để quyết toán dự án, tính toán lại hợp đồng và thời gian thu phí. “Trong quá trình vận hành, khai thác công trình, tùy thuộc hợp đồng dự án, Bộ GTVT sẽ tiến hành rà soát lại doanh thu, lưu lượng xe thực tế làm căn cứ để điều chỉnh từng hợp đồng BOT cho đến hết vòng đời dự án. Do vậy, nhiều công trình sau khi quyết toán sẽ giảm thời gian thu phí so với dự kiến ban đầu là chuyện hết sức bình thường”, ông Tuấn Anh chia sẻ.

2

Sau quyết toán, dự án cầu Rạch Miễu giảm 6 năm thu phí (Trong ảnh: Trạm thu phí dự án BOT cầu Rạch Miễu) - Ảnh: Lê Lan

4 dự án kéo dài thời gian thu phí hoàn vốn

Theo số liệu của Báo Giao thông, trong số 19 dự án BOT đường bộ đã thực hiện điều chỉnh hợp đồng sau khi thỏa thuận (phê duyệt) quyết toán, có 4 dự án phải kéo dài thời gian thu phí với tổng số 24 năm 5 tháng. Trong đó, dự án cầu Mỹ Lợi, QL50 kéo dài nhiều nhất là 16 năm 2 tháng (từ 28 năm 4 tháng lên 44 năm 6 tháng); dự án cầu Yên Lệnh, QL38 kéo dài 4 năm 3 tháng (từ 17 năm 1 tháng lên 21 năm 4 tháng); dự án QL18 đoạn Uông Bí - Hạ Long kéo dài 3 năm (từ 16 năm 4 tháng lên 19 năm 4 tháng); dự án QL1 đoạn Nam Bến Thủy - TP Hà Tĩnh kéo dài 1 năm (từ 20 năm 5 tháng lên 21 năm 5 tháng). Ngoài ra, một công trình giữ nguyên thời gian thu phí theo hợp đồng BOT là dự án sửa chữa nâng cấp một số đoạn qua các thị trấn trên QL20 (10 năm 9 tháng).

“4 dự án phải kéo dài thời gian thu phí chủ yếu do lưu lượng xe sụt giảm so với dự báo và doanh thu thực tế thấp hơn nhiều so với phương án tài chính trong hợp đồng BOT, nhất là dự án BOT cầu Mỹ Lợi và dự án BOT cầu Yên Lệnh, QL38. Đây là rủi ro mà các nhà đầu tư cần cân nhắc đánh giá trước khi ký kết hợp đồng với cơ quan nhà nước có thẩm quyền”, ông Tuấn Anh nói.

Liên quan đến việc sụt giảm lưu lượng xe tại dự án BOT cầu Mỹ Lợi, trao đổi với Báo Giao thông, ông Vũ Ngọc Tài, Phó tổng giám đốc Công ty CP Bê tông 620 Long An (nhà đầu tư dự án) nói: “Khi nghiên cứu phương án tài chính, quy hoạch của địa phương về đầu tư các khu công nghiệp trong địa bàn Tiền Giang và Long An, chúng tôi nhận thấy, nếu xây dựng cầu Mỹ Lợi nối từ Long An sang Tiền Giang sẽ có tính khả thi do kinh tế khu vực được dự tính theo quy hoạch đáp ứng tăng trưởng lưu lượng xe, đồng thời việc mở rộng QL50 từ TP Hồ Chí Minh đến cầu Mỹ Lợi dự kiến hoàn thành cùng với dự án cầu Mỹ Lợi sẽ sớm thúc đẩy giao thương qua cầu Mỹ Lợi”.

Tuy nhiên, ông Tài cho biết, đến nay, các khu công nghiệp trên địa bàn hai tỉnh Tiền Giang và Long An chưa hình thành, đặc biệt dự án QL50 mới chỉ GPMB được một phần rồi phải dừng lại vì quá khó khăn về kinh phí GPMB, dẫn tới lưu lượng xe qua cầu Mỹ Lợi không đạt được như tính toán ban đầu, thậm chí giảm sâu khi chỉ đạt 60% dự báo.

Theo phương án tài chính, trong năm 2016, bình quân mỗi tháng dự án phải thu được 120 triệu đồng/ngày, nhưng thực tế chỉ đạt 80 triệu đồng/ngày. Hiện nay, trung bình mỗi tháng, nhà đầu tư phải bỏ ra khoảng 3 tỷ đồng để bù tiền trả lãi vay cho ngân hàng. “Nếu lượng xe tiếp tục không có sự tăng trưởng như dự báo, chúng tôi sẽ bỏ tiền túi để bù lỗ cho phần lãi vay ngân hàng trong vòng 17 năm tới. Vừa qua, Đoàn giám sát của Quốc hội đã đi kiểm tra dự án và ghi nhận, đây chính là một trong những rủi ro của các dự án BOT mà các nhà đầu tư cần phải đánh giá nhận thức được nếu không sẽ thất bại và lâm vào tình trạng nợ nần trong thời gian dài”, ông Tài nói và cho biết thêm, nhà đầu tư đã báo cáo cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

“Tuy nhiên, trong hợp đồng BOT đã ghi rõ, để chia sẻ rủi ro với nhà đầu tư, trong tình huống này cơ quan nhà nước có thẩm quyền chỉ kéo dài được thời gian thu phí mà thôi. Đây là một bài học rất nặng nề đối với các nhà đầu tư như chúng tôi”, ông Tài nói.

3

 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.