Chuyện dọc đường

Giảm lãi suất, tăng kiểm soát rủi ro

20/07/2017, 08:05

Nghị quyết phiên họp Chính phủ mới đây đã giao cho Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chỉ đạo các ngân hàng thương mại...

mo-tai-khoan-ngan-hang-bidv-0

Ảnh minh họa

Theo tính toán của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, với dư nợ trên 5 triệu tỷ đồng, nếu giảm lãi suất 1% thì giúp các doanh nghiệp dành ra được 50.000 tỷ đồng. Và nếu tính 5 đồng vốn làm ra được một đồng lãi thì khoản vốn đó mang lại 10.000 tỷ đồng tiền lời, qua đó đóng góp 2.000 đồng tiền thuế thu nhập doanh nghiệp, giúp tăng 0,25% GDP.

Trước khi có chỉ đạo của Chính phủ, một số NHTM cũng đã rục rịch giảm lãi suất cho vay vốn và “làn sóng” này chắc chắn sẽ mở rộng trong hệ thống ngân hàng. Lãi suất giảm, doanh nghiệp sẽ đẩy mạnh vay vốn, tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng sẽ tiếp tục tăng cao hơn từ nay đến cuối năm.

Báo cáo tài chính cập nhật quý II của một số ngân hàng cho thấy, kết quả kinh doanh của nhiều đơn vị khá lạc quan. Đơn cử như NH TMCP KienlongBank, 6 tháng đầu năm báo lãi trước thuế tới 137 tỷ đồng, bỏ xa con số 28,7 tỷ đồng cùng kỳ ngoái. Hay NH MBBank, lợi nhuận 6 tháng tăng tới 30%, đạt 2.386 tỷ đồng. NH Vietcombank, lợi nhuận trước thuế 6 tháng 5.054 tỷ đồng... Đây cũng là những NH có tăng trưởng tín dụng cao so với trung bình của toàn ngành. Cụ thể, tăng trưởng tín dụng của KienlongBank tới 15,8%, tương đương gần 93% chỉ tiêu cả năm; MBBBank là 15%; Vietcombank là 13,1%, đạt 95,7% kế hoạch cả năm...

Tuy nhiên, lãi suất giảm chủ yếu tập trung vào một số lĩnh vực ưu tiên - chỉ chiếm một phần trong tổng dư nợ của nền kinh tế. Mặt khác, lãi suất cho vay vốn trung và dài hạn còn khá cao, xấp xỉ 9-10%/năm. Trong khi đó, doanh nghiệp muốn đầu tư bài bản, từ đó nâng cao năng suất, chất lượng, tăng cạnh tranh..., thường trông chờ lớn vào nguồn vốn trung và dài hạn.

Bản thân các NH cũng thừa nhận rất khó để ổn định và giảm lãi suất cho vay trung và dài hạn do phụ thuộc vào thị trường, biến động kinh tế vĩ mô cũng như tâm lý của người gửi tiền. Chưa kể, thách thức trong xử lý nợ xấu càng khiến các NHTM giảm nguồn lực, tăng chi phí để có thể giảm giá vốn đầu ra. Trong khi đó, áp lực tăng trưởng tín dụng có thể khiến nợ xấu tiếp tục tăng lên, trong khi nợ xấu cũ chưa được xử lý triệt để. Thậm chí, không loại trừ một tỷ lệ vốn cho vay ra dùng để đảo nợ.

Do đó, để đồng vốn rẻ thực sự đến được với doanh nghiệp, nền kinh tế và phát huy hiệu quả, các NH phải tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp kiểm soát rủi ro thay vì chỉ chạy theo lợi nhuận. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.