Đường sắt

Giảm tần suất chạy tàu, người lao động có mất việc?

09/06/2016, 21:56

Do lỗ nặng, thời gian qua, ngành Đường sắt cắt giảm một số tàu địa phương. Việc này có ảnh hưởng đến đời sống...

7

Nhiều đoàn tàu phải giảm tần suất hoạt động do vắng khách

Theo tìm hiểu của PV Báo Giao thông, Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội đã giảm tần suất chạy tàu, thậm chí cho dừng chạy một số mác tàu địa phương không hiệu quả để giảm gánh nặng kinh doanh thua lỗ. Ông Nguyễn Văn Bính, Phó tổng giám đốc đơn vị này cho biết: “Dù giảm chạy tàu, nhưng không người lao động nào mất việc làm. Chúng tôi cố gắng sắp xếp, bố trí để mọi lao động đều có việc làm và không ảnh hưởng nhiều đến thu nhập.”

Thực tế, với việc giãn, giảm chạy tàu, sẽ có một lượng nhân viên phục vụ dôi dư. Hoặc nếu vẫn giữ nguyên số lượng đó, thời gian phục vụ trên tàu phải san sẻ khiến giảm công lao động, cũng có nghĩa là giảm lương, thu nhập. Tuy nhiên, tùy thực tế sản xuất từng đơn vị mà sự ảnh hưởng này nhiều hay ít.

Đơn cử với các nhân viên tàu YB1/2 Hà Nội - Yên Bái đang chạy hàng ngày giảm chạy 4 ngày/tuần, Phó giám đốc Đoàn Tiếp viên Hà Nội Lê Tiến Dũng cho biết, ngoài phục vụ trên tàu YB, đơn vị còn bố trí đi thêm một số mác tàu khác trên tuyến Hà Nội - Lào Cai nên không bị ảnh hưởng đến việc làm, thu nhập.

Với tuyến Hà Nội - Đồng Đăng, đã dừng chạy tàu khách chất lượng cao khổ 1.435mm sau 1 năm khai thác và chỉ chạy một đôi tàu hàng ngày. Trưởng tàu ĐĐ5/6 Dương Doãn Thái cho biết, vì tàu chủ yếu phục vụ dân sinh, doanh thu một vòng quay rất thấp, chỉ vài triệu đồng nên đơn vị không tính lương theo khoán doanh thu mà theo hệ số và ngày công nên lương anh em đi tàu tương đối ổn định. Như tổ tàu này, thu nhập bình quân của trưởng tàu khoảng 5 triệu đồng/tháng, còn với nhân viên trung bình từ hơn 3 triệu đồng trở lên.

“Tuy nhiên, vì dừng tàu, có anh em vẫn phải chuyển sang đi tàu tuyến Yên Viên - Hạ Long. Đồng thời, đơn vị qui định ai được bố trí đi tàu cũng không quá 23 công/tháng để điều tiết chung, đảm bảo công bằng”, Trưởng tàu Thái chia sẻ.

Các tuyến khác, đơn vị quản lý còn có tàu để điều tiết, sắp xếp lao động. Tuy nhiên, với hai mác tàu ĐH41/42 Đồng Hới - Huế và VĐ31/32 Vinh - Đồng Hới, các đơn vị quản lý thực sự gặp khó. Giám đốc Chi nhánh Vận tải đường sắt Vinh Nguyễn Ngọc Lễ cho biết, tàu ĐH41/42 có hai ram tàu (hai đoàn toa xe). Một do Chi nhánh Vận tải đường sắt Huế quản lý, một do Chi nhánh Vận tải đường sắt Đồng Hới quản lý. Riêng Chi nhánh Vận tải đường sắt Vinh quản lý tàu VĐ31/32 nhưng ngoài các tàu này, cả ba đơn vị không có tàu nào khác. Khi giảm tần suất chạy tàu đã dôi ra hơn 10 lao động. Các đơn vị phải sắp xếp, bố trí làm việc tại các trạm, trung tâm vận tải như trông coi toa xe, hỗ trợ khách hàng…

Còn theo Trưởng tàu VĐ31/32 Nguyễn Thanh Bình, đơn vị cũng điều tiết, tạm thời mỗi anh em đảm bảo từ 20 - 22 công. Thu nhập anh em đi tàu vẫn bị ảnh hưởng, tuy nhiên không đáng kể.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.