Thị trường

Giảm thêm 400.000 đồng mỗi tấn, giá thép sắp chạm đáy

23/08/2022, 17:20

Hiện giá thép đã giảm 15 lần, với tổng mức giảm 5-6,5 triệu đồng/tấn so với đỉnh, cách đáy khoảng 1-2 triệu đồng/tấn.

Theo ghi nhận của Báo Giao thông, nhiều doanh nghiệp thép tiếp tục thông báo giảm giá sản phẩm từ hôm nay (23/8), với mức giảm trung bình từ 200-400 nghìn đồng/tấn (chưa bao gồm thuế VAT).

Cụ thể, thép Miền Nam giảm 400 nghìn đồng/tấn đối với cả thép cuộn CB240 và thép thanh vằn D10 CB300. Sau khi giảm hai loại thép trên còn 14,72 triệu đồng/tấn và 15,33 triệu đồng/tấn.

Thương hiệu Thép Hòa Phát cũng giảm lần lượt 200 nghìn đồng/tấn và 300 nghìn đồng/tấn đối với thép cuộn CB240 và thép thanh vằn D10 CB300 tại khu vực miền Bắc, giá bán còn 14,37 triệu đồng/tấn và 15,13 triệu đồng/tấn.

Còn tại khu vực miền Nam, thương hiệu này cũng giảm 200 nghìn đồng/tấn với thép cuộn CB240 và giảm 350 nghìn đồng/tấn với thép thanh vằn D10 CB300, giá bán sau điều chỉnh lần lượt là 14,47 triệu đồng/tấn và 14,98 triệu đồng/tấn.

img

Giá thép cách đáy khoảng 1-2 triệu đồng/tấn

Với thép Việt Ý, CB240 và D10 CB300 giảm lần lượt 300 nghìn đồng/tấn và 350 nghìn đồng/tấn xuống còn 14,14 triệu đồng/tấn và 14,8 triệu đồng/tấn.

Tương tự, thép Việt Đức, giảm lần lượt 400 nghìn đồng/tấn và 150 nghìn đồng/tấn với 2 loại CB240 và D10 CB300, xuống còn 14,04 triệu đồng/tấn và 14,95 triệu đồng/tấn.

Với thép Kyoei, giá hôm nay là 14,64 triệu đồng/tấn và 15,25 triệu đồng/tấn đối với CB240 và D10 CB300 sau giảm lần lượt 60 nghìn đồng/tấn và 300 nghìn đồng/tấn…

Như vậy, kể từ ngày 11/5, giá thép đã giảm 15 lần với tổng mức giảm 5-6,5 triệu đồng/tấn so với đỉnh, cách đáy khoảng khoảng 1-2 triệu đồng/tấn.

Kể từ đầu tháng 8 cho đến nay, cùng với xu hướng suy yếu của giá sắt thép trên thế giới, giá thép nội địa tiếp tục giảm lần thứ 4 trong tháng này, Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) nhận định, việc giá thép nội địa liên tục giảm đang đặt ra những thách thức lớn cho doanh nghiệp sản xuất thép trong nước.

Thực tế, trong nửa đầu tháng 8 năm nay, Việt Nam tiếp tục nhập siêu khoảng 138.000 tấn sắt thép các loại.

Trong đó, cả nhập khẩu và xuất khẩu sắt thép đều giảm nhẹ so với cùng kỳ tháng 7.

Nhu cầu sắt thép trong nước vào quý III đang ở mức thấp do lượng tồn kho của các nhà máy thép đang khá cao, và hoạt động sản xuất tương đối thận trọng trong bối cảnh giá thành phẩm suy yếu.

Bên cạnh đó, do hiện tại vẫn chưa phải mùa cao điểm của ngành xây dựng trong nước, nhập khẩu thép trong nửa đầu tháng 8 vẫn duy trì ở mức khá khiêm tốn.

Trong khi đó, lo ngại về tăng trưởng chậm lại tại các đối tác nhập khẩu thép hàng đầu của Việt Nam như Mỹ, Trung Quốc, Liên minh Châu Âu, hay Anh có thể khiến xuất khẩu thép của các doanh nghiệp trong nước gặp nhiều trở ngại do nhu cầu suy giảm.

“Điều này đòi hỏi các nhà sản xuất cần tập trung đẩy mạnh cải thiện về chất lượng sản phẩm, thông qua việc đầu tư dây chuyền công nghệ nhằm tăng tính cạnh tranh cho ngành thép nội địa trong thương mại toàn cầu”, theo MXV.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.