Thị trường

Giảm thuế xăng dầu: Không chỉ cân nhắc góc độ người tiêu dùng!

11/03/2022, 09:24

Đây là nhận định của PGS. TS Ngô Trí Long về mức giảm thuế bảo vệ môi trường cũng như các sắc thuế khác khi giá xăng dầu tăng cao.

Vì sao xăng dầu không được giảm 2% thuế VAT?

Trao đổi với Báo Giao thông, PGS. TS Ngô Trí Long cho biết trong cơ cấu giá xăng dầu hiện nay không có phí, mà chỉ có thuế.

img

PGS. TS Ngô Trí Long

Ông chỉ rõ, trong 1 lít xăng hiện có 4 loại thuế là thuế nhập khẩu (đây là thuế bất khả kháng), thuế giá trị gia tăng - VAT (đang chịu thuế suất 10%), thuế tiêu thụ đặc biệt (10% với xăng) và Thuế Bảo vệ môi trường.

Từ đầu tháng 2 vừa qua, Quốc hội quyết định giảm thuế VAT 2% cho một số nhóm hàng hoá từ 10% xuống 8%, nhưng trong đó không có mặt hàng xăng dầu.

Vì sao xăng dầu lại không được giảm thuế VAT?

“Nhóm hàng hoá chịu thuế VAT 10% mà đang chịu thuế tiêu thụ đặc biệt thì không được miễn. Bởi thuế tiêu thụ đặc biệt là sắc thuế đánh vào các nhóm hàng hoá xa xỉ, nhóm hàng độc hại… mà nhà nước không khuyến khích như rượu bia, hay ảnh hưởng tới môi trường như xăng dầu”, chuyên gia Ngô Trí Long lý giải.

Với thuế tiêu thụ đặc biệt, nhiều người cũng đặt vấn đề có nên giảm thuế thuế suất của sắc thuế này hay không. Tuy nhiên, theo ông Long, liên quan tới chính sách thuế không phải Chính phủ ban hành mà do Quốc hội ban hành nên tuổi thọ các chính sách thuế tương đối dài mới sửa và cũng do Quốc hội sửa.

img

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý về đề xuất giảm thuế BVMT với xăng dầu. Ảnh minh hoạ

Thuế bảo vệ môi trường: Giảm bao nhiêu hợp lý?

Riêng với thuế bảo vệ môi trường, ban đầu Bộ Tài chính đề xuất giảm 1.000 đồng/lít với xăng, nhưng Bộ Công thương lại đề nghị giảm 2.000 đồng/lít.

Mới nhất, chiều 10/3, sau khi tiếp thu các ý kiến góp ý Bộ Tài chính đã đưa ra đề xuất mới nâng mức giảm thuế bảo vệ môi trường lên 2.000 đồng/lít xăng, từ 4.000 đồng/lít về còn 2.000 đồng/lít xăng.

Mức thuế bảo vệ môi trường trên như Bộ Tài chính đề xuất lần hai đã hợp lý chưa, hay mức nào mới là hợp lý? Và vì sao phải đánh thuế "cứng" mà không phải theo tỷ lệ?

“Trong thuế suất có hai cách đánh là đánh thuế tương đối (như thuế VAT, thuế nhập khẩu và tiêu thụ đặc biệt với xăng dầu) và tuyệt đối (như thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu). Nếu đánh theo hình thức tuyệt đối thì dù giá lên hay giá xuống Chính phủ chỉ thu được một một mức cố định. Và trong bối cảnh hiện nay giá xăng lên rất cao thì cách đánh thuế tuyệt đối rất có lợi cho người tiêu dùng”, ông Long phân tích.

Chính vì thế nhiều người lại đề xuất đánh thuế theo hình thức tương đối.

“Nhưng đánh theo cách thức nào thì vẫn phải bàn bởi có loại thuế đánh theo tương đối, có loại đánh theo tuyệt đối. Mỗi cách đánh thuế có ưu và nhược điểm khác nhau. Cũng như cách đánh thuế với rượu bia tương đối hay tuyệt đối cũng đang gây tranh cãi”, chuyên gia này nêu quan điểm.

Nói về mức giảm thuế bảo vệ môi trường trong bối cảnh giá xăng dầu lên cao hiện nay, chuyên gia Ngô Trí Long cho biết: “Giảm mức nào sẽ phải xem xét vì người tiêu dùng không muốn đánh thuế, người làm giá cả cũng muốn giá xăng dầu thấp để đầu vào nền kinh tế thấp, có lợi cho kiểm soát lạm phát và chi tiêu tiêu dùng. Nhưng dưới khía cạnh thu ngân sách, nếu thâm thủng ngân sách nhiều quá thì không có nguồn chi cho đầu tư, chi cho phát triển, chi cho an sinh xã hội; Cũng không có nguồn chi thường xuyên, cho an ninh, quốc phòng…”.

Do đó, theo ông Long, hiện nay nên thu mức nào hợp lý thì phải đứng ở góc độ tổng thể để xem xét.

“Cho nên không thể chỉ đứng ở góc độ người tiêu dùng và doanh nghiệp mà quên ngân sách, ngược lại cũng không thể chỉ để ý thu ngân sách mà quên đi quyền lợi của người tiêu dùng và doanh nghiệp”, chuyên gia Ngô Trí Long nói và cho biết thêm trong tài chính, muốn có nguồn thu phải nuôi dưỡng nguồn thu, nên muốn đánh thuế ở mức nào thì phải cân nhắc ở bài toán tổng thể.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.