Thị trường

Giảm thuế xăng dầu không tác động nhiều đến CPI

24/06/2022, 18:10

Theo TS. Nguyễn Đức Độ, dù có giảm thêm thuế xăng dầu hay không lạm phát cả năm 2022 chỉ khoảng 3%.

Lạm phát 2022 chỉ khoảng 3%

TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính) nhận định lạm phát cả năm nay sẽ vẫn được kiểm soát dưới 4% dù đợt này giá xăng dầu có giảm được theo đề nghị của Bộ Tài chính về giảm thuế bảo vệ môi trường (BVMT) cho xăng dầu hay không.

img

TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính

TS. Độ cho hay, bình quân 5 tháng đầu năm nay CPI mới tăng 2,25%. “Nếu giá xăng dầu vẫn giữ như mức hiện tại thì CPI năm nay chỉ quanh 3%”, TS. Nguyễn Đức Độ dự báo.

“Nếu giảm thuế BVMT đối với xăng dầu thêm 500 đồng/lít hay 1.000 đồng/lít thì lạm phát cũng vẫn trong tầm kiểm soát”, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính nói.

TS. Nguyễn Đức Độ lý giải, thời gian qua, giá cả tăng nhưng thu nhập người dân trong thời gian Covid-19 giảm mạnh, dẫn đến chi tiêu chung của người dân cũng giảm mạnh.

Ông Độ cho rằng, hiện nay việc giảm thêm thuế BVMT đối với xăng dầu sẽ tác động trực tiếp đến việc hỗ trợ giảm chi phí nhiên liệu, bớt gánh nặng chi tiêu cho người dân nhiều hơn câu chuyện giúp giảm lạm phát.

Mấy ngày qua, giá dầu thế giới đã bắt đầu giảm từ trên 120 USD/thùng về quanh 104-105 USD/thùng. Từ nay tới cuối năm, ông Độ cho rằng giá xăng dầu rất khó đoán nhưng theo xu hướng hiện nay thì giá xăng dầu đang giảm.

Còn trong trường hợp giá xăng dầu không tăng nữa mà neo ở mức hiện nay thì ông Độ cho rằng tác động tới lạm phát thời gian tới là bằng không.

Bên cạnh đó, từ nay tới cuối năm, yếu tố thuận lợi là giá lương thực thực phẩm (chiếm tỷ trọng lớn trong rổ hàng hoá) ở nước ta tương đối thấp do khả năng sản xuất được tương đối dồi dào.

Thậm chí đối với cung tiền từ gói 40.000 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất 2%, TS. Nguyễn Đức Độ cũng cho rằng lạm phát cũng vẫn trong tầm kiểm soát, dưới mục tiêu 4%.

CPI khoảng 4-4,5%

Còn theo TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, trong 5 tháng đầu năm nay, giá xăng dầu được điều chỉnh 13 đợt, tăng 49,95% so với cùng kỳ năm trước, làm CPI chung tăng 1,8 điểm phần trăm.

Cộng thêm giá gas tăng 26,67% đã kéo CPI tăng 0,39 điểm phần trăm.

Như vậy, ông Lâm cho rằng, chỉ riêng xăng dầu tăng giá đã khiến CPI tăng 2,19% trong tổng mức tăng 2,25%.

img

TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê

Về tác động tới doanh nghiệp và giá cả hàng hoá, ông Nguyễn Bích Lâm cho rằng, năm 2021 dù kinh tế thế giới phục hồi rất mạnh, làm cho giá đầu vào của sản xuất tăng mạnh.

Nhưng tại Việt Nam, cộng đồng doanh nghiệp đã chuẩn bị khá tốt nguyên liệu, vật tư cho sản xuất trước khi giá cả thế giới leo thang.

Các doanh nghiệp cũng chủ động cắt giảm tối đa chi phí, chấp nhận giảm bớt lợi nhuận để cố gắng không tăng giá bán, duy trì thị trường.

Tuy nhiên, theo nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, sức chịu đựng của doanh nghiệp có hạn và chỉ có thể chịu đựng được trong thời gian nhất định.

“Khi giá xăng dầu, giá nguyên vật liệu liên tục tăng cao, sẽ đến lúc doanh nghiệp không thể cầm cự được, buộc phải tăng giá bán sản phẩm hàng hóa, dịch vụ”, ông Lâm nói.

Theo ông Lâm, các yếu tố tác động từ lạm phát chuỗi cung ứng, thiếu hụt nguồn cung, tổng cầu tăng đột biến; Cũng như thiếu hụt lao động, dự kiến tăng lương tối thiểu vùng và giá xăng dầu, điện, lương thực, thực phẩm, nhu cầu tiêu dùng cuối năm tăng.

“Nếu Chính phủ có những giải pháp hiệu quả nhằm kiểm soát giá xăng dầu không vượt ngưỡng cao, đồng thời đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng lương thực, thực phẩm trong thời gian tới, lạm phát của Việt Nam năm 2022 nằm trong khoảng 4-4,5%”, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê dự báo.

Ông Phạm Chí Quang, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Chính sách tiền tệ, NHNN:

Ôn định thị trường tiền tệ, kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát là mục tiêu có tính nhất quán trong quá trình điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đặc biệt trong bối cảnh lạm phát toàn cầu tăng nhanh.

Do đó, NHNN tiếp tục điều hành tỷ giá phù hợp nhằm thực hiện mục tiêu này, đồng thời hỗ trợ thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội: Phối hợp điều hành đồng bộ thanh khoản VND để hỗ trợ sự ổn định của tỷ giá, thị trường ngoại tệ và mặt bằng lãi suất.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.