Thị trường

Giảm tối đa số lượng trồng hoa quả Tết, bà con miền Tây vẫn... nơm nớp

07/12/2021, 20:58

Diện tích canh tác giảm mạnh, do nông dân lo sợ không có đầu ra, trước diễn biến phức tạp chưa có “hồi kết” của dịch Covid-19.

Chỉ còn khoảng 2 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán, nhưng tại các vùng chuyên cung ứng nông sản Tết ở ĐBSCL, bầu không khí diễn ra khá đìu hiu.

img

Sản lượng các loại nông sản phục vụ thị trường Tết ở ĐBSCL đang giảm mạnh.

Ghi nhận tại huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang, nếu như mọi năm, toàn huyện xuống giống từ 250-300ha dưa hấu Tết, đến thời điểm này, đã giảm chỉ còn hơn 50ha.

Anh Đinh Hoàng Đông, ở xã Hiệp Hưng, cho biết, gia đình anh trồng 5 công (1 công = 1.000m2) dưa hấu Tết. Suốt nhiều tháng qua, giá các loại phân bón, thuốc trừ sâu liên tục tăng, tạo áp lực lớn cho nông dân. Trong khi đó, dịch bệnh kéo dài khiến kinh tế kiệt quệ, nông dân vừa trồng vừa lo sợ không ai mua.

Tương tự, bà Nguyễn Thị Ngọc Hân (thị trấn Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang) cho biết, mọi năm, bà trồng khoảng 1.000 chậu hoa các loại phục vụ thị trường Tết, nhưng năm nay số lượng giảm khoảng 30%. Chủng loại cũng không phong phú, chỉ có Vạn thọ và ớt kiểng. Dù đã giảm số lượng, nhưng gia đình vẫn rất lo lắng về thị trường hoa Tết năm nay.

“Năm rồi, tôi trồng 1.000 chậu hoa, tầm 26 tháng Chạp là bán sạch vườn. Năm nay, dịch bệnh diễn biến phức tạp quá, nhà nào cũng thắt chặt chi tiêu. Lo nhu cầu không nhiều nên giảm số lượng chậu, thế nhưng vẫn canh cánh nỗi lo cuối vụ. Ngày Tết, nhà nào cũng trang trí vài chậu Vạn thọ, cúc Mâm xôi, nhưng năm nay không đoán trước được rồi”, bà Hân chia sẻ.

Theo thống kê sơ bộ của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Hậu Giang, dự kiến toàn tỉnh sẽ có trên 530.000 chậu hoa phục vụ thị trường Tết Nguyên đán 2022 (giảm khoảng 34% so với cùng kỳ). Bên cạnh đó, tổng diện tích cây ăn trái thu hoạch đợt tết dự kiến khoảng 2.480ha, chủ yếu là xoài, bưởi, quýt, cam, mãng cầu, đu đủ, khóm…

Dự kiến có trên 26.000 tấn trái cây phục vụ thị trường, giảm khoảng 5% so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, toàn tỉnh có khoảng 2.000ha rau màu phục vụ Tết Nguyên đán, sản lượng giảm khoảng 22% so với cùng kỳ…

img

Nông dân lo ngại đầu ra trong dịp Tết do ảnh hưởng của dịch Covid-19

Còn tại thành phố Cần Thơ, hoa kiểng được trồng tại hầu khắp các quận, huyện. Song, tập trung nhiều là tại Làng nghề hoa kiểng Phó Thọ - Bà Bộ thuộc các phường Long Tuyền và Long Hòa, quận Bình Thủy và Làng hoa Tân Long A thuộc xã Tân Thới, huyện Phong Ðiền.

Bên cạnh đó, hoa còn được trồng tại các phường Thốt Nốt, Trung Kiên và Thuận Hưng thuộc quận Thốt Nốt, phường Thới An Ðông (quận Bình Thủy), phường An Bình (quận Ninh Kiều)...

Dù lượng hoa kiểng nông dân chuẩn bị cho mùa Tết năm nay có giảm mạnh về số lượng so với năm trước nhưng nhìn chung vẫn khá đa dạng chủng loại, với nhiều loại hoa, kiểng lá và cả các loại kiểng bonsai. Trong đó, các loại hoa hiện đã được nông dân tập trung xuống giống trồng nhiều là hoa cúc Mâm xôi, cúc Đài Loan, cúc Tiger, cúc Pico, Cát tường, hồng Nhung, Mai dạ thảo, các loại hoa chậu treo, sen đá...

Theo số liệu thống kê của Sở NN&PTNT TP.Cần Thơ, đến nay, nông dân tại các quận, huyện trên địa bàn thành phố đã xuống giống gieo trồng được gần 355.700 chậu hoa kiểng, thấp hơn 886.930 chậu so với cùng kỳ.

Anh Lê Khắc Qui, Giám đốc HTX Hoa kiểng Tân Long A ở xã Tân Thới, huyện Phong Ðiền, cho biết: “HTX có 38 thành viên, với diện tích đất canh tác hơn 27ha. Ðến thời điểm này, nông dân tại HTX đã xuống giống gieo trồng được 50.000 chậu hoa, kiểng các loại. Nhìn chung, chi phí sản xuất nhiều loại hoa kiểng đã tăng khoảng 20% so với năm trước nên nông dân rất mong tới đây hoa kiểng cũng bán được giá cao.

Những năm trước đây khi chưa có dịch Covid-19, HTX sản xuất hoa kiểng đạt tới 220.000 chậu các loại, còn Tết Nguyên đán 2021 sản xuất được khoảng 120.000 chậu. Riêng Tết năm nay dự kiến chỉ sản xuất đạt khoảng 60.000 chậu trở lại”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.