Hồ sơ tài liệu

Giàn khoan Trung Quốc là thách thức khu vực vì mục đích chính trị

10/05/2014, 10:26

Việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan HD-981 trái phép trong Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa của Việt Nam ở Biển Đông tạo ra thách thức nghiêm trọng...

Giám đốc Chương trình châu Á thuộc Viện Nghiên cứu quốc phòng và an ninh Hoàng gia Anh (RUSI) Ông Edward Schwarck cho rằng việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan HD-981 trái phép trong Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa của Việt Nam ở Biển Đông tạo ra thách thức nghiêm trọng đối với Việt Nam và các bên có tuyên bố chủ quyền trong khu vực.

Phản ứng chuyến công du của Tổng thống Mỹ

Vì vậy, vấn đề đặt ra hiện nay với các nước khu vực là phải tìm ra biện pháp thích hợp để thể hiện phản ứng của mình.

Chăm sóc một kiểm ngư viên Việt Nam bị thương
Chăm sóc một kiểm ngư viên Việt Nam bị thương

Theo ông Schwarck thì dưới nhiều góc độ khác nhau thì những tuyên bố hoặc quyết định triển khai hoạt động thăm dò dầu lửa ở Biển Đông đều đi ngược lại với chính sách cho đến thời điểm này của Chính phủ Trung Quốc. Ban lãnh đạo Bắc Kinh đề ra chính sách thiết lập mối quan hệ tốt đẹp và tin cậy với các nước láng giềng ở Biển Đông. Vì thế, vụ việc mới nhất này phản ánh những mâu thuẫn trái ngược trong sâu thẳm chính sách của Trung Quốc đối với Đông Nam Á.

 

40 năm trước, Trung Quốc đã sử dụng lực lượng quân sự để xâm lược và chiếm đóng trái phép quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, gần đây lại theo đuổi cái gọi là "tuyên bố chủ quyền đường 9 đoạn" ở Biển Đông với nhiều hành động đe dọa đến an ninh hàng hải của khu vực thì hành động của Trung Quốc hạ đặt giàn khoan HD-981 có thể là một phần của chiến lược Bắc Kinh đang triển khai nhằm thực hiện những bước đi có lợi, từ đó thúc đẩy việc thay đổi hiện trạng ở Biển Đông.

 

Edward Schwarck - Giám đốc Chương trình châu Á thuộc Viện Nghiên cứu quốc phòng và an ninh Hoàng gia Anh

Một mặt Bắc Kinh muốn xây dựng mối quan hệ gần gũi với các nước khu vực, quan hệ thương mại hữu ích hơn, quan hệ chính trị tốt đẹp hơn. Mặt khác, Trung Quốc vẫn kiên quyết theo đuổi mục tiêu bảo vệ những lợi ích cốt lõi. Đó là một mâu thuẫn. Điều không may là cách tiếp cận này trong chính sách của Trung Quốc đối với khu vực sẽ còn gây ra cho họ nhiều vấn đề trong những năm tới. 

Theo ông Schwarck, thời điểm mà Trung Quốc quyết định hạ đặt giàn khoan ngay sau khi Tổng thống Mỹ Barack Obama có chuyến công du đến châu Á và quyết định của Trung Quốc bắt đầu hoạt động khoan thăm dò dầu khí ở Biển Đông cũng có thể được coi là phản ứng đối với Mỹ nhằm chứng minh rằng Bắc Kinh không bị ngăn cản bởi những cam kết an ninh của Washington. Trung Quốc cũng muốn khẳng định họ vẫn duy trì khả năng đẩy căng thẳng ở Biển Đông leo thang tùy theo ý định của mình. 

Do vậy, cộng đồng quốc tế cần can dự tích cực với Trung Quốc trên tinh thần xây dựng khuyến khích Trung Quốc trở thành một cường quốc thế giới công bằng và có trách nhiệm hơn.

Hạ đặt giàn khoan sẽ thua lỗ

Giáo sư Chính trị học Taylor Fravel  của Học Viện Massachusetts (MIT, Mỹ), chuyên gia nghiên cứu về các vấn đề lãnh thổ của Trung Quốc, nhận định đây là hành động phục vụ ý đồ chính trị của Bắc Kinh, theo New York Times.

Giáo sư Fravel cho rằng xét về mặt kinh tế, chưa có cơ sở chứng minh khu vực Trung Quốc hạ đặt giàn khoan có trữ lượng hydrocarbon lớn. Vì thế, hạ đặt giàn khoan HD-981 với chi phí xây dựng khoảng 1 tỷ USD và chi phí vận hành lớn không phải là một dự án nhiều tiềm năng. Từ đây có thể thấy rằng Trung Quốc sử dụng giàn khoan là nhằm khẳng định và thực thi quyền tài phán đối với các vùng nước mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông. 

Tàu Trung Quốc sử dụng vòi rồng phun nước với áp lực mạnh làm hỏng hóc thiết bị, vỡ cửa kính của tàu kiểm ngư Việt Nam.
Tàu Trung Quốc sử dụng vòi rồng phun nước với áp lực mạnh làm hỏng hóc thiết bị, vỡ cửa kính của tàu kiểm ngư Việt Nam.


Giáo sư Fravel khẳng định vị trí Trung Quốc hạ đặt giàn khoan HD-981 nằm trong Vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam tính từ đường cơ sở. Giàn khoan cách đảo Lý Sơn của Việt Nam 120 hải lý, và vì thế nằm trên thềm lục địa của Việt Nam và nằm hoàn toàn trong Vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam.

Ngoài ra, hành động của Trung Quốc củng cố vững chắc hơn nhận thức của các quốc gia cũng có tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông rằng Bắc Kinh luôn có tham vọng mở rộng lãnh thổ và thích hành động đơn phương.

Quang Minh (Theo NYT, ReutersReuters)

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.