Bên lề

Gian lận tuổi cầu thủ và những mầm non bị đầu độc

04/05/2017, 17:06

Câu chuyện đánh tráo tuổi ở bóng đá Việt Nam, đặc biệt ở tuyến trẻ không hề mới mẻ.

cau thu tre gian lan

Ảnh minh họa

Câu chuyện tranh cãi về tuổi thật của bộ đôi cầu thủ trẻ Lê Sỹ Hà, Lê Sỹ Hồng (U15 Hà Nội) đã trở nên rõ ràng sau khi Công an xã Đông Anh, huyện Đông Sơn, Thanh Hóa lên tiếng xác nhận, hai cầu thủ trên sinh năm 2000.

Từ hồ sơ gốc lưu giữ tại Công an xã Đông Anh, ông Lê Sỹ Thước, cha của hai em đã phải thừa nhận con mình sinh năm 2000 nhưng sau đó ông đã làm lại giấy tờ, sửa lại năm sinh thành 2002. Hiện tại, tất cả chỉ còn chờ Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) đưa ra phán quyết cuối cùng.Tuy nhiên, dù xử lý ra sao, đó cũng chỉ là một phần rất nhỏ của tảng băng chìm ở bóng đá trẻ Việt Nam.

Trong sự việc này, FLC Thanh Hóa là “nguyên đơn” khi đứng ra tố cáo Hà Nội cố tình gian lận tuổi. Thế nhưng, chính FLC Thanh Hóa cũng từng sử dụng Lê Sỹ Hà, Lê Sỹ Hồng ở giải U11 Quốc gia năm 2015, thời điểm anh em sinh đôi nhà họ Lê tròn 15 tuổi. Thực ra, câu chuyện đánh tráo tuổi ở bóng đá Việt Nam, đặc biệt ở tuyến trẻ không hề mới mẻ. Nó vẫn diễn ra từng ngày, từng giờ nhưng tất cả đều trót lọt vì những người trong cuộc đều chọn cách thỏa hiệp. Nếu không có vụ việc cầu thủ Vũ Tiến Long U15 Hà Nội tố HLV Hồng Minh U15 FLC Thanh Hóa dọa cắt gân chân, đội bóng miền Trung hẳn sẽ để tuổi thật của Sỹ Hà, Sỹ Hồng trôi vào dĩ vãng.

Cuối năm 2014, khi lứa U19 HAGL gây sốt, nhiều tờ báo loan tin, Công Phượng sinh năm 1993 chứ không phải 1995. Như vậy đồng nghĩa tiền đạo xứ Nghệ đã 21 tuổi và không đủ điều kiện khoác áo U19 Việt Nam. Sau nhiều tranh cãi, Phượng đã được trả lại tuổi 19 nhưng tính thuyết phục không cao và cho đến bây giờ vẫn là vết nhơ lớn nhất trong sự nghiệp tiền đạo thuộc biên chế HAGL.

Việc các địa phương vì thành tích, sẵn sàng gian lận tuổi đã là tiền lệ xấu, khó lòng xóa bỏ. Tâm hồn trong sáng của những cầu thủ nhí sẽ ra sao khi chính người lớn làm vấy bẩn bằng sự dối trá? Thật khó tìm kiếm câu trả lời nhưng chúng ta có thể hình dung, mầm non bóng đá Việt Nam đã và đang bị đầu độc và lớn lên sẽ khó hình thành một tâm hồn đẹp. Để giải quyết thực trạng vốn đang trở thành vấn nạn của bóng đá Việt Nam, cơ quan quản lý, cụ thể là VFF cần có những biện pháp thực sự quyết liệt. Nếu cần có thể cấm tuyển sinh hay chuyển nhượng cầu thủ, như vậy mới mang tính răn đe cao. Còn nếu xử lý phạt hành chính, nhắc nhở chẳng khác nào trò hề.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.