Xem - ăn - chơi

Gian nan đưa tuồng vào trường học, trại giam

05/12/2018, 07:11

“Bài toán” bảo tồn nghệ thuật Tuồng vẫn đang được các nhà hát, nghệ sĩ ra sức đi tìm lời giải.

22

Các nghệ sĩ Nhà hát Tuồng Việt Nam biểu diễn cho các em nhỏ trường THCS Lê Quý Đôn, Hà Nội

Hành trình gian nan

Nhà hát Tuồng Việt Nam từng dày công đưa tuồng đến với trường học, nhưng không phải lần nào cũng “đầu xuôi, đuôi lọt”. Nhiều trường chấp thuận cho đoàn vào quảng bá nghệ thuật, nhưng cũng không ít trường từ chối với lý do “nguồn kinh phí cho công tác, kế hoạch ơng lai bộ môn nghệ thuật truyền thống này sẽ ra sao?”. Dẫu vậy, do thực hiện chức năng là quảng bá văn hóa, bảo tồn nghệ thuật nên nhà hát nhiều khi chấp nhận diễn miễn phí tại các trường học và xin được biểu diễn trong trường, nhưng vẫn có những đơn vị từ chối.

Còn một số đơn vị chấp thuận thì họ thường hỗ trợ đoàn từ 2-5 triệu đồng, phần còn lại do nhà hát tự bỏ kinh phí thực hiện. Ông Tạ Văn Sốp, Phó giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam chia sẻ: “Có ban giám hiệu khi chúng tôi đến liên hệ xin biểu diễn, họ còn tặc lưỡi: “Tuồng bây giờ ai xem?”, chúng tôi lại phải thuyết phục và giải thích cho họ hiểu. Khó nhưng phải kiên trì, nhẫn nại thì mới làm được”.

Nhà hát Nghệ thuật Hát bội TP HCM cũng không nằm ngoài quy luật trên, tuy nhiên, bản thân đơn vị này diễn tại trường học cũng nhờ sự quen biết. May mắn hơn, Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh (Đà Nẵng) lại được sự hỗ trợ của Sở GD&ĐT Đà Nẵng trong việc đưa nghệ thuật truyền thống đến các trường học trong thành phố.

Qua đó, nhiều trường học đã chủ động liên hệ với nhà hát để xin đến diễn giao lưu. Nhờ thế, trong một năm, nhà hát thường có khoảng 30-40 buổi biểu diễn ở các trường. Các nghệ sĩ thường tranh thủ diễn vào mỗi buổi sáng thứ hai Chào cờ đầu tuần với các trích đoạn tuồng nổi tiếng về các nhân vật lịch sử như: Trần Quốc Toản, Trưng Nữ Vương, Hoàng Diệu…

Ông Trần Ngọc Tuấn, Giám đốc Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh đúc kết, mọi công tác bảo tồn, phát triển đều khó khăn nhưng tạo được niềm tin của dư luận, tạo được tiếng vang tốt cho bộ môn nghệ thuật này thì sẽ nhận được sự hỗ trợ và ủng hộ của mọi người.

Nỗi niềm mang tuồng đến trại giam

Diễn viên Tuấn Hiệp kể anh đã cùng đoàn đi diễn ở khá nhiều trại giam và những nơi này mang cho anh cảm xúc khá đặc biệt. “Ở Trại giam Suối Hai (Ba Vì), có những phạm nhân khi được giao lưu với nghệ sĩ, họ xúc động lắm. Họ cầm tay, tâm sự với tôi rằng, bản thân đã phạm lỗi khi tuổi đời còn đang là sinh viên và đã rất lâu không được tiếp xúc với thế giới bên ngoài, không biết xã hội thay đổi ra sao. Họ nói mình ân hận và đang cố gắng cải tạo tốt để mong sớm được trở về hoàn lương”, Tuấn Hiệp bùi ngùi.

Từ cách đây nhiều năm, nhiều đơn vị nghệ thuật như: Nhà hát Chèo Hà Nội, Nhà hát Chèo Việt Nam, Nhà hát Tuồng Việt Nam… đã đưa nghệ sĩ tới nhiều trại giam để làm công tác phục vụ tinh thần chiến sĩ cũng như đưa cái đẹp, thẩm mỹ tới các đối tượng phạm nhân. Ông Sốp cho biết, để đưa một đoàn của nhà hát đến trại giam diễn, nhà hát phải liên hệ với Cục Cảnh sát Quản lý trại giam và đều được hỗ trợ nhiệt tình. Đoàn đã biểu diễn tại nhiều trại giam như: Phú Sơn, Tam Đảo, Ba Vì, Hà Nam, Ninh Bình…

Đặc biệt, các tiết mục được trình diễn đều là những tiết mục đã được Cục Nghệ thuật biểu diễn duyệt và cấp phép. Nhà hát cũng đan xen tiểu phẩm giáo dục về tệ nạn, ma túy, mại dâm để biểu diễn. “Họ là phạm nhân nhưng vẫn có quyền thụ hưởng văn hóa tinh thần. Đồng thời, thông qua các tác phẩm lịch sử, văn hóa dân gian cũng có thể tuyên truyền, giáo dục văn hóa truyền thống, giáo dục chân - thiện - mỹ. Phản ứng được tiếp nhận đều rất tốt”, ông Sốp chia sẻ.

Là người tháp tùng nhiều đoàn đi diễn trong các trại giam, chị Nguyễn Ngọc Hân (Quản lý truyền thông Nhà hát Tuồng Việt Nam) tiết lộ, nhà hát thường phải trình kịch bản cho Cục Cảnh sát Quản lý trại giam duyệt tiết mục và được cục hỗ trợ một phần kinh phí thực hiện. Để được quảng bá nghệ thuật trong các đơn vị này, các nghệ sĩ phải tuân thủ những quy định khắt khe về tiết mục biểu diễn, thời gian diễn và các vấn đề ngoài lề như cấm quay phim, chụp ảnh...

Chị Hân cho hay, các phạm nhân đều rất hào hứng, thích thú vì được thưởng thức nghệ thuật. Họ hò reo và bày tỏ mong muốn các nghệ sĩ diễn nhiều hơn. Đó là niềm khích lệ với các nghệ sĩ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.