Y tế

Gian nan vận động hiến tạng từ người chết não

24/03/2023, 07:50

Mặc dù quan niệm về người chết não hiến tạng đã cởi mở hơn song việc vận động vẫn còn nhiều khó khăn.

Đến nay, có khoảng 150 người chết não hiến tạng, nhờ đó hàng trăm bệnh nhân nguy kịch khác được hồi sinh.

Hồi sinh từ nguồn tạng hiến

Ngày 23/3, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức công bố người chết não hiến tạng thứ 100 tại bệnh viện.

Đó là nam thanh niên tên Đ.M.K (32 tuổi, ở Bắc Giang) nhập viện trong tình trạng cấp cứu hôn mê sâu sau TNGT. Bệnh nhân được xác định chết não sau nỗ lực cứu chữa từ các y, bác sĩ.

img

Một ca ghép tạng từ nguồn tạng hiến của người chết não được thực hiện tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức

Từ nguồn tạng hiến này, bệnh viện đã ghép tim cho một bệnh nhân nữ 53 tuổi ở Bắc Giang bị suy tim giai đoạn cuối; ghép gan cho bệnh nhân nam 33 tuổi ở Ninh Bình bị nang mật; ghép 1 thận cho bệnh nhân nam 42 tuổi ở Hải Phòng bị suy thận mạn giai đoạn cuối; ghép 1 thận còn lại cho bệnh nhân nam 48 tuổi ở Hải Phòng.

Ngoài các tạng hiến để ghép cho các bệnh nhân khác, một phần mô của người bệnh nhân chết não được lưu trữ lại trong ngân hàng mô để có thể sử dụng sau này.

PGS. TS. Nguyễn Quang Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng chia sẻ: “Ngay sau khi xác định bệnh nhân chết não, chúng tôi đã gặp gỡ, vận động gia đình đồng ý hiến tạng cứu các bệnh nhân khác. Điều vô cùng trân quý là gia đình đã chấp nhận. Đây là ca hiến được nhiều mô, tạng nhất từ trước đến nay. Và đáng mừng là đến nay, các bệnh nhân được nhận tạng hiến đã phục hồi sức khỏe sau ca ghép”.

Trước đó không lâu, chị N.T.L.T (29 tuổi, ở Hà Nội) nguy kịch sau vụ TNGT được cấp cứu tại đây. Tuy nhiên, tổn thương nặng nề đã cướp đi sinh mạng của chị T. Chính thời điểm biết không thể níu kéo sự sống cho con gái, bố mẹ chị T. đã có nguyện vọng hiến tặng tạng của con gái để cứu sống những bệnh nhân khác.

Từ nguồn tạng hiến của chị T. là trái tim, một quả thận và hai giác mạc, 4 bệnh nhân khác đã được ghép.

“Đây cũng là trường hợp vô cùng đặc biệt, bởi 2 tháng trước khi chị T. mất, em trai của chị T. vốn mắc bệnh tim bẩm sinh xơ hóa phổi đã phải giã từ cuộc sống sau 2 năm mòn mỏi chờ đợi tạng hiến. Cũng chính vì điều này, nên gia đình rất thấu hiểu và sẵn sàng”, BS. Nghĩa cho biết.

Vận động không dễ

BS. Quang Nghĩa chia sẻ: “Chúng tôi vẫn nhớ ca đầu tiên bệnh viện thực hiện lấy – ghép tạng từ người hiến chết não vào năm 2010, giai đoạn đó hết sức khó khăn. Trên thực tế, số ca chết não đưa vào danh sách lấy tạng phải gấp đôi, gấp ba con số 100 người chết não hiến tạng thành công.

Tuy nhiên, không phải bệnh nhân nào chết não cũng đều có thể hiến tạng vì còn liên quan đến thủ tục pháp lý, chẩn đoán…

Đã có bệnh nhân đến sát giờ lại có dấu hiệu phục hồi, chúng tôi lại nỗ lực cứu chữa. Hoặc thậm chí có trường hợp gia đình đã đồng ý, bệnh nhân lên bàn mổ nhưng 1 người trong nhà đổi ý”.

Là người gắn bó với công tác vận động các gia đình có người chết não hiến tạng hơn chục năm qua, Th.s Phạm Thị Đào, Trưởng Đơn vị tư vấn và điều phối ghép tạng, Trung tâm Ghép mô, tạng, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, dù quan niệm về hiến tạng đã thông thoáng, cởi mở hơn rất nhiều, nhưng việc vận động chưa bao giờ dễ. Bởi phong tục tập quán cổ truyền về “chết toàn thây” chưa dễ thay đổi.

“Bên cạnh đó, gia đình còn đang sốc trước mất mát người thân, không ít gia đình còn lo lắng mang điều tiếng “bán tạng”… trong khi thời gian để nhận tạng hiến lại rất gấp rút.

Hơn 12 năm qua, tôi tiếp cận hơn 8.000 gia đình có người chết não. Điều tôi cảm nhận rất rõ là khi giữa lằn ranh chết - sống người ta không cần tiền, do đó để tiếp cận và đặt vấn đề quan trọng là chạm vào trái tim của họ”, chị Đào chia sẻ.

Nói thêm về việc tiếp cận nguồn hiến tạng từ người chết não, GS. TS. Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, để có đồng thuận trong gia đình là rất khó.

Điển hình như trong trường hợp những người có khả năng chết não, buộc phải trải qua kỹ thuật hồi sức với phương tiện kỹ thuật, thuốc men, thiết bị đặc biệt, tuy nhiên chỉ người sống mới được thanh toán BHYT, còn người chết não không được thanh toán.

Bệnh viện không thể thu khoản viện phí đó của gia đình người chết não hiến tạng, càng không thể yêu cầu người nhận tạng chi trả, trong khi đó là khoản tiền không nhỏ. Hiện bệnh viện đang phải trích từ các nguồn quỹ để chi trả cho các khoản này.

“Phần lớn người chết não hiến tạng vốn là trụ cột trong gia đình, việc họ mất đi để lại nhiều thiệt thòi cho người thân, vậy nên chăng, cần sửa đổi chính sách để có thể hỗ trợ thêm. Chúng tôi mong muốn người dân sẽ ngày càng cởi mở hơn”, BS. Giang nói và cho biết, đến nay đã có khoảng 170.000 người Việt đăng kí hiến tạng sau khi qua đời.

Theo số liệu của Hội ghép tạng Việt Nam, từ năm 1992 - 2022, Việt Nam ghép được 6.550 người. Trong đó có 6.094 ca ghép thận, 384 ca ghép gan, 59 ca ghép tim. Nguồn tạng hiến đến từ hiến sống hoặc người chết não.

Chỉ tính riêng tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã ghép tạng cho hơn 1.500 ca. Từ 100 người chết não hiến tạng, bệnh viện đã thực hiện 50 ca ghép tim, 157 ca ghép thận, 6 ca ghép phổi...

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.